Trung Quốc đang lo ngại mất "con bài" Campuchia vào tay phương Tây?

26/08/2013 09:16
Bùi Lê Quý, Học Viện Ngoại giao Việt Nam
(GDVN) - Bắc Kinh hiểu rằng bất ổn chính trị của Campuchia không những ảnh hưởng đến ổn định khu vực, mà còn gây cản trở đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN. Hơn nữa, nếu không ngăn chặn được sự trỗi dậy của phe đối lập (cụ thể là CNRP) thì nó sẽ để lại hệ quả không khác gì phong trào Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở Trung Đông (Arab Spring).
Thủ tướng Campuchia Hunsen tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Thủ tướng Campuchia Hunsen tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày (21-22/8) tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Cappuchia vừa mới trải qua một cuộc bầu cử quốc hội gây nhiều tranh cãi với thắng lợi không thực sự thuyết phục của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen trước đảng Cứu quốc Campuchia của ông Sam Rainsy. Bên cạnh đó, chuyến công du Phnom Penh của Vương Nghị cũng trùng với dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia - Trung Quốc. Tại cuộc tiếp xúc với người đồng nhiệm bên phía Campuchia Hor Nam Hong, Ngoại trưởng Vương Nghị cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục trợ giúp cho Campuchia về phát triển kinh tế, xã hội và ngăn chặn “những sự nhiễu loạn của các phần tử bên ngoài”. Ông Nghị cũng hối thúc Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhanh chóng giải quyết những bất đồng về chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua của nước này để thành lập một chính phủ mới. Nhìn từ góc độ khác, ẩn sâu bên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc còn có những mục tiêu chính trị khác trong quan hệ với Campuchia. Từ lâu, Campuchia được coi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 9.17 tỉ USD để viện trợ và đầu tư vào nước này. Bằng khoản tiền khổng lồ đó, Trung Quốc đã gây áp lực lên Campuchia về mặt chính trị để qua đó tạo được lợi thế trong quan hệ với các quốc gia ASEAN.
Ông Hunsen và ông Tập Cận Bình.
Ông Hunsen và ông Tập Cận Bình.
Phnom Penh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Bắc Kinh tạo ảnh hưởng đến các nước khác trong các vấn đề khu vực, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Myanmar - một đối tác quan trọng khác của Trung Quốc trong khu vực - lại đang ngả dần về phía các nước phương Tây sau những cải cách gần đây về mặt chính trị, cộng thêm việc Tổng thống Mỹ Obama vừa có chuyến thăm tới Phnom Penh hồi cuối năm 2012 với mục đích đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Campuchia, rõ ràng Trung Quốc không muốn để mất con bài Campuchia vào tay phương Tây.   Thời gian vừa qua, đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) liên tục khiếu kiện về chiến thắng của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc kiểm phiếu lại dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, tuy nhiên phía CPP đã từ chối yêu cầu của phe đối lập. Điều này có thể dẫn đến khả năng bế tắc chính trị ở Campuchia với việc CNRP đòi tẩy chay Quốc hội mới và chính phủ mới, thậm chí tình hình sẽ có thể xấu hơn nữa với các cuộc biểu tình lớn nếu như kết quả bầu cử không được xem xét lại.
Bắc Kinh hiểu rằng bất ổn chính trị của Campuchia không những ảnh hưởng đến ổn định khu vực, mà còn gây cản trở đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN. Hơn nữa, nếu không ngăn chặn được sự trỗi dậy của phe đối lập (cụ thể là CNRP) thì nó sẽ để lại hệ quả không khác gì phong trào Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở Trung Đông (Arab Spring). Bắc Kinh không hề mong muốn điều này xảy ra vì một khi phong trào dân chủ ở Campuchia phát triển, nó có thể kéo theo sự can thiệp và gia tăng ảnh hưởng mạnh hơn của Mỹ và phương Tây trong khu vực. Do đó, việc ông Vương Nghị hối thúc ông Hun Sen nhanh chóng thành lập chính phủ mới cho thấy dù không can thiệp vào nội bộ chính trị của Campuchia, nhưng trong thâm tâm Trung Quốc không muốn để “mất” Campuchia chỉ vì những bất ổn chính trị của nước này.
Về phía CPP, dù giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này nhưng ông Hun Sen và đảng CPP phải đối mặt với nhiều bất lợi trong nước và mất đi sự ủng hộ của phương Tây. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị như là một liều thuốc làm gia tăng hơn nữa sự tự tin của CPP khi ông Hun Sen biết có sự ủng hộ của Trung Quốc phía sau. Tuy nhiên việc dựa vào Trung Quốc cũng có những giới hạn nhất định. Bên cạnh các yếu tố như kinh tế xã hội, kết quả của cuộc bầu cử vừa qua còn là sự thể hiện thái độ bất mãn của người dân Campuchia trước việc chính phủ Hun Sen để cho Trung Quốc thao túng quá nhiều về mặt kinh tế và chính trị của nước này trong những năm qua. Biểu hiện rõ nhất là sự ủng hộ của Campuchia đối với Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7/2012, khiến lần đầu tiên trong lịch sử của mình ASEAN không thể đưa ra được tuyên bố chung. Do đó, sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, ông Hun Sen đang phải đối mặt với một bài toán khó là có nên tiếp tục dựa vào Trung Quốc trong thời điểm này hoặc giải tỏa mối lo ngại của công chúng Campuchia về việc bị Trung Quốc thao túng bằng cách tăng cường hơn nữa quan hệ với phương Tây hay không. Hiện tại hãy còn quá sớm để nói về một sự thay đổi lớn trong quan hệ Trung Quốc - Campuchia. Và với chuyến thăm của Vương Nghị, Trung Quốc đã cho thấy sự cảnh giác của họ trước tình hình chính trị phức tạp tại Campuchia hiện nay và không muốn mất ảnh hưởng của mình tại đây với nhiều hệ lụy xấu đi kèm. Còn với ông Hun Sen, cuộc bầu cử vừa rồi cùng với chuyến thăm của ông Nghị như là một lời cảnh tỉnh với CPP rằng nếu không điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh một cách hợp lý  thì uy tín của của CPP cả ở trong nước lẫn ngoài quốc tế sẽ tiếp tục bị suy giảm.

Bùi Lê Quý, Học Viện Ngoại giao Việt Nam