Reuters ngày 3/2 đưa tin, Philippines tố cáo Trung Quốc đã điều động một số tàu bao vây bãi Hải Sâm và ngăn cản tàu cá Philippines vào bên trong khai thác. Tổng cộng đã có 7 tàu Trung Quốc đang xuất hiện ngoài bãi Hải Sâm, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Bito-onon Jr, một quan chức Philippines nói với Reuters, tàu của ông thường xuyên vào bãi Hải Sâm neo đậu nghỉ ngơi trên đường đi từ Palawan đến Cục Thiên văn - địa vật lý - khí quyển, nơi ông làm việc.
"Tàu cá" Trung Quốc, thực chất là tàu công vụ ngụy trang đang rình mò ngoài bãi Ba Kè, thềm lục địa phía Nam Việt Nam gần đây. Ảnh: Mai Thanh Hải/Báo Thanh Niên. |
"Tôi cảm thấy một cái gì đó rất khác. Người Trung Quốc đang cố gắng bóp cổ chúng tôi bằng cách đặt một trạm kiểm soát tưởng tượng ở đó. Đó là sự vi phạm rõ ràng về quyền tự do hàng hải của chúng tôi", Bito-onon Jr nói.
Chính quyền Trung Quốc hiện chưa đáp ứng fax của Reuters đề nghị xác minh vụ việc. Quân đội Philippines cho hay họ đang cố gắng xác minh sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm, nơi một chiến hạm Trung Quốc bị cáo buộc bắn vào ngư dân Philippines năm 2011.
Một nguồn tin quân sự từ Palawan giấu tên cho biết, một máy bay giám sát Philippines đã nhìn thấy 4 đến 5 tàu Trung Quốc lởn vởn gần bãi Hải Sâm từ tuần trước, nhưng nguồn tin không thể xác định chúng chỉ đi qua hay thả neo tại Hải Sâm bởi khu vực này gần đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp.
Chưa có dấu hiệu Trung Quốc sẽ xây dựng các cấu trúc hoặc bồi đắp nó thành đảo nhân tạo, nguồn tin này nói. Báo Philstar trước đó cũng dẫn lời một ngư dân giấu tên nói rằng, tàu cá của họ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi khi cố gắng vào bãi Hải Sâm đánh bắt.
Đây thực sự là một dấu hiệu leo thang mới đáng lo ngại của Trung Quốc ở Trường Sa. Không những Trường Sa, ngay cả các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam của Việt Nam cũng đang trở thành mục tiêu dòm ngó của láng giềng phương Bắc - PV.
Theo báo Thanh Niên ngày 2/2, gần Tết Bính Thân 2016, số tàu Trung Quốc xuất hiện và neo đậu ở bãi Ba Kè tăng đột biến, lực lượng chức năng Việt Nam phải nhiều lần xua đuổi, yêu cầu chúng rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Đây là nơi đặt nhà giàn DK1/21, DK1/20 và DK1/9 thuộc quản lý hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những "tàu cá" Trung Quốc này không bao giờ thấy đánh bắt, máy chạy rất nhanh như xuống cao tốc với "ngư dân" vạm vỡ, thường dùng dây đo đạc độ sâu.