Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 9 năm 2012 |
Thần Châu 10 sẽ được phóng trong thời gian từ tháng 6-8
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn thông tin từ Văn phòng công trình hàng không vũ trụ mang theo con người Trung Quốc cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8/2013, tàu vũ trụ Thần Châu 10 của Trung Quốc sẽ được phóng ở Trung tâm vệ tinh Tửu Tuyền, 3 nhà du hành vũ trụ sẽ điều khiển tàu vũ trụ và tiếp tục tiến hành kết nối với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 đang hoạt động trên quỹ đạo.
Ông Vương Triệu Vũ, đại biểu Quốc hội của Quân đội Trung Quốc, Bí thư đảng ủy, Chính ủy Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (thuộc Bộ Tổng trang bị) cho biết, thời gian làm nhiệm vụ bay của tàu vũ trụ mang theo con người Thần Châu 10 lần này sẽ lâu hơn so với Thần Châu 9: tàu Thần Châu 10 sẽ bay 15 ngày trên quỹ đạo, nhiều hơn 2 ngày so với Thần Châu 9. Các nhà du hành vũ trụ sẽ ở trong phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 với thời gian là 12 ngày.
Vương Triệu Vũ nhấn mạnh, đây sẽ là một chuyến bay mang tính ứng dụng thực sự, tàu vũ trụ Thần Châu và tên lửa đẩy Trường Chinh-2F sẽ thực hiện bước nhảy vọt từ “bay thử nghiệm” sang “bay ứng dụng”.
Vương Triệu Vũ giải thích, “bay ứng dụng” tức là tiến hành nhiệm vụ vận chuyển bình thường tương tự như tàu con thoi Mỹ và tàu vũ trụ Soyuz Nga. Giống như đường sắt cao tốc, khi bắt đầu phải chạy thử, sau khi tiến hành điều chỉnh sau chạy thử, thì được đưa vào hoạt động kinh doanh bình thường. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ có một hệ thống vận chuyển qua lại giữa không gian và mặt đất có thể ứng dụng thực tế.
Ông Vương nói: “Hệ thống này giống như xe tuyến vũ trụ, có thể vận chuyển người và vật tư cho các loại tàu vũ trụ đang vận hành trên quỹ đạo, hỗ trợ cho nhân viên hàng không vũ trụ tiến hành thử nghiệm khoa học ở Thiên Cung 1, nó thể hiện trình độ và thực lực mạnh hơn”.Vương Triệu Vũ hiện đang làm các công tác như tổ chức chỉ huy, điều khiển thử nghiệm phục vụ cho nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ mang theo con người tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền; công việc phóng vệ tinh luôn căng thẳng.
Ông Vương cho hay, sau khi hoàn thành nhiệm vụ phóng lần này, Trung Quốc sẽ triển khai xây dựng “Phòng thí nghiệm không gian” và “Trạm không gian”.
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc dẫn một báo cáo nghiên cứu đánh giá cho biết, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ khi đầu tư 1 đồng thì sẽ thu được 7-12 đồng. Ví dụ, trong 10 năm đầu của Trạm không gian Hòa bình của Nga đang hoạt động, đã liên tiếp phát hiện 10 loại quặng kim loại hiếm và 117 mạch dầu, giá trị của nó vượt xa chi phí nghiên cứu chế tạo và bảo trì trạm không gian…
Theo bài báo, sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ có người lái cũng đã đóng vai trò thúc đẩy và dẫn dắt to lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, đã tạo ra hiệu quả và lợi ích kinh tế-xã hội khả quan.
Ông Vương cho biết: “Trong hơn 1.000 vật liệu mới của Trung Quốc, có 80% được nghiên cứu chế tạo, hoàn thành dưới sự dẫn dắt của công nghệ không gian. Hiện nay, đã có gần 2.000 thành quả công nghệ không gian được ứng dụng cho các lĩnh vực kinh tế quốc dân, có liên quan đến các phương diện như dẫn đường vệ tinh, dự báo thời tiết, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, sản xuất thực phẩm”.Ông Vương coi sự phát triển của ngành này cũng là tiêu chí quan trọng để xác lập vị thế “nước lớn”, góp phần thúc đẩy phục hưng tham vọng của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến thị sát Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, cổ vũ tinh thần cho lực lượng làm nhiệm vụ tại trung tâm này.
Tổ du hành vũ trụ sẽ duy trì “2 nam 1 nữ”
Ngày 6/3, ủy viên Chính hiệp, kiến trúc sư trưởng công trình hàng không mang theo con người Trung Quốc, ông Chu Kiến Bình cho biết, tàu vũ trụ Thần Châu 10 sẽ duy trì sự kết hợp “2 nam, 1 nữ”, tiếp tục cử 1 nhà du hành vũ trụ nữ bay vào vũ trụ, lần bay này sẽ hoàn thiện kỹ thuật lắp ghép/kết nối không gian.
Theo ông Chu Kiến Bình, sau khi hoàn thành lắp ghép lần này, phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 sẽ không còn lắp ghép với các tàu vũ trụ mang theo con người khác, sẽ tiếp tục được sử dụng cho thử nghiệm khoa học. Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng nó để tiến hành thử nghiệm một số công nghệ trong lĩnh vực tàu vũ trụ, trong đó có công nghệ về độ tin cậy, tuổi thọ của sản phẩm.
Lưu Dương, nhà du hành vũ trụ nữ Trung Quốc |
Chu Kiến Bình cho biết, việc lựa chọn nhà du hành vũ trụ có quy trình với rất nhiều bước, phải đánh giá tổng hợp về tố chất và năng lực trên các mặt, chỉ tiêu sát hạch gồm có tố chất sức khỏe, tố chất tâm lý, khả năng điều khiển/thao tác và khả năng thí nghiệm khoa học.
Trước khi phóng tàu vũ trụ Thần Châu 9 năm 2012, Vương Á Bình từng cùng với Lưu Dương trở thành nhà du hành vũ trụ nữ có khả năng nhất bay vào vũ trụ như truyền thông dự đoán. Chu Kiến Bình cho biết: “Tổ du hành vũ trụ hiện vẫn đang tiến hành huấn luyện và lựa chọn. Mỗi lần huấn luyện đều có trình tự và thời gian biểu rõ ràng. Hiện nay, trạng thái rất tốt”.
Trương Bách Nam, kiến trúc sư trưởng hệ thống tàu vũ trụ mang theo con người của Viện nghiên cứu 5 Tập đoàn khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, sự khác biệt lớn nhất giữa nhiệm vụ của tàu Thần Châu 10 so với trước là, đây là chuyến bay mang tính ứng dụng đầu tiên của tàu Thần Châu. Tàu vũ trụ Thần Châu đã được định hình cơ bản, không có sự thay đổi lớn và mới về công nghệ, chỉ tiến hành một số điều chỉnh nhỏ.
Từ Thần Châu 5 đến Thần Châu 9, nhiệm vụ chính đều là để nghiệm chứng công nghệ của bản thân tàu vũ trụ, đến tàu Thần Châu 9 đã đột phá và nắm chắc công nghệ lắp ghép, kết nối, đã có khả năng làm hệ thống vận chuyển mang theo con người qua lại giữa không gian và mặt đất. Hiện nay, nhiệm vụ của tàu vũ trụ không phải là thử nghiệm chính bản thân nó, mà là cung cấp bảo đảm vận chuyển nhân viên và vật tư cho Thiên Cung 1, hỗ trợ cho các nhà du hành vũ trụ tiến hành thử nghiệm khoa học ở Thiên Cung 1.
Tàu vũ trụ Thần Châu 10 do báo Trung Quốc tưởng tượng |
Ông Trương Bách Nam cho biết, phòng thí nghiệm Thiên Cung 1 được phóng vào tháng 9/2011, có tuổi thọ thiết kế 2 năm. Hiện nay, trạng thái của Thiên Cung 1 vẫn ổn định, lượng dư thừa nhiên liệu đẩy còn tương đối nhiều.
Sau khi hoàn thành kết nối với tàu Thần Châu 10 và chương trình thử nghiệm khoa học, nhiệm vụ tiếp theo của Thiên Cung 1 là tiến hành đánh giá nghiên cứu, tìm cách phát huy hiệu quả tối đa. Nếu làm thí nghiệm phải tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn thì thời gian bay sau này sẽ ngắn hơn; nếu thí nghiệm ít hơn thì thời gian bay sẽ dài hơn. Thiên Cung 1 bay được lâu càng tốt cho Trung Quốc, nhiệm vụ thử nghiệm có ý nghĩa hơn, không nhất thiết phải bay lâu.
Theo thông lệ quốc tế, sau khi Thiên Cung 1 hoàn thành nhiệm vụ, sẽ chủ động rời quỹ đạo, quay trở về bầu khí quyển và bị phá hủy.
Nhiệm vụ của Thiên Cung 2 sẽ kết hợp chặt chẽ hơn với việc xây dựng trạm không gian trong tương lai của Trung Quốc, các chương trình thử nghiệm khoa học cũng nhiều hơn. Thiên Cung 2 đang được đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo. Theo kế hoạch, trước sau năm 2020, Trung Quốc sẽ phóng trạm không gian, Thiên Cung 2 chắc chắn phải được phóng trước đó.
Ông Trương Bách Nam cho hay, công tác nghiên cứu lĩnh vực này phải đặt an toàn lên hàng đầu, không thể để xảy ra tai họa ngầm, không thể để xảy ra một thiếu sót.
Trạm không gian tương lai của Trung Quốc do báo Trung Quốc tưởng tượng |
Theo ông, ưu thế của chế độ xã hội Trung Quốc là “tập trung được sức mạnh để làm việc lớn”, nó thể hiện rất rõ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mang theo con người. Hơn nữa, kinh tế phát triển đã tạo được nền tảng rất tốt cho sự phát triển khoa học công nghệ.
Tờ China News dẫn lời các nhân viên của nhà máy 211, Viện 1, Tập đoàn khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, họ đã hoàn thành thuận lợi công tác kiểm tra đối với tên lửa đẩy Trường Chinh-2F dùng để phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10, nó sẽ tiếp tục được kiểm tra bổ sung vào cuối tháng 3/2013.