Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới Xu Bi, nguy cơ ngày càng rõ

10/05/2018 15:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Hiện nay có thể Trung Quốc chưa sử dụng vũ lực, nhưng họ đang chuẩn bị đầy đủ khả năng về vũ lực trên Biển Đông và biết đâu trong tương lai...

Bloomberg ngày 10/5 đưa tin, Trung Quốc đã đưa máy bay quân sự Y-8 hạ cánh (bất hợp pháp) xuống đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên bãi Xu Bi.

Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, một tổ chức nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Washington cho biết:

Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 28/4 vừa qua đã cho thấy sự xuất hiện lần đầu tiên của 1 máy bay quân sự trên đường băng ở Xu Bi.

Máy bay quân sự Shaan Y-8, Trung Quốc hạ cánh trên đường băng Xu Bi, ảnh: AMTI.
Máy bay quân sự Shaan Y-8, Trung Quốc hạ cánh trên đường băng Xu Bi, ảnh: AMTI.

Đây là 1 trong 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng đường băng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) kể từ năm 2013, và là đường băng cuối cùng có máy bay quân sự cất hạ cánh.

Trung Quốc tuyên bố cái gọi là chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông.

Tháng qua Bộ Ngoại giao nước này (gần như) đã xác nhận báo cáo, quân đội Trung Quốc đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9B ở Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn.

Tháng 4/2016, máy bay quân sự Trung Quốc đã cất hạ cánh tại Chữ Thập, có thể là một chiếc Y-8.

Tháng 4/2018, tờ Philippines Daily Inquirer đăng bức ảnh chụp từ vệ tinh ngày 6/1 cho thấy 2 chiếc máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 hạ cánh tại Vành Khăn.

Cũng trong tháng 4/2018, ông Tập Cận Bình cũng đã cho phô diễn sức mạnh quân sự Trung Quốc trên Biển Đông khi trực tiếp chủ trì, quan sát cuộc tập dượt của 48 tàu chiến, 76 máy bay và hơn 10 ngàn quân. [1]

Ông Tập Cận Bình chỉ đạo, quan sát cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 12/4. Ảnh: Philippines Daily Inquirer.
Ông Tập Cận Bình chỉ đạo, quan sát cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 12/4. Ảnh: Philippines Daily Inquirer.

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông đã khiến học giả Jansen Tham nghiên cứu về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore bày tỏ lo ngại.

Ngày 8/5 nhà nghiên cứu này có bài viết đăng trên The Diplomat, nhận định rằng, Trung Quốc đã đạt được lợi thế không thể đảo ngược ở Biển Đông.

Có 3 lý do chính để Trung Quốc có được lợi thế này, theo Jansen Tham.

Thứ nhất, Trung Quốc coi vấn đề Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", có tầm quan trọng tối thượng về an ninh quốc gia, ngang với vấn đề Đài Loan.

Thứ hai là thiếu sự quyết đoán của Hoa Kỳ trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông;

Bởi đến nay Mỹ mới chỉ dừng lại ở các hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Điều này tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao tù của Trung Quốc.

Thứ ba, các quốc gia ASEAN đã ngầm bằng lòng trước các hiện trạng Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông càng củng cố tự tin cho Bắc Kinh trong việc thực hiện yêu sách đường lưỡi bò. 

Jansen Tham nhận định:

"Ba yếu tố trên - sự tập trung mạnh mẽ của Bắc Kinh vào chính sách an ninh, sự thiếu quyết tâm của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc trên Biển Đông, ưu tiên hòa bình và ổn định của các nước ASEAN hơn là bảo vệ yêu sách chủ quyền - đã góp phần làm nên tình trạng ảm đạm hiện nay.

Tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tập trận trên Biển Đông trong tháng 4/2018, ảnh: pinterest.
Tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tập trận trên Biển Đông trong tháng 4/2018, ảnh: pinterest.

Điều này có ý nghĩa gì với an ninh Đông Nam Á? 

Từ quan điểm hiện thực, một khi Bắc Kinh đã tích lũy được sự thống trị về hải quân trên Biển Đông, thì các quy tắc có ý nghĩa điều chỉnh hành vi của nó ngày càng trở nên ít thực tế;

Nó nhấn mạnh một sự thật về địa chính trị, rằng lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

Trong khi hiện nay có thể Trung Quốc vẫn hứa không sử dụng vũ lực cưỡng ép các nước láng giềng Đông Nam Á, thậm chí thực sự không có ý định tấn công bây giờ, thì họ đã chuẩn bị để làm điều này trong tương lai.

Nói cách khác, có thể Trung Quốc không có khả năng hoặc không có ý định đe dọa các nước Đông Nam Á trước đó, thì nay họ đã phát triển các khả năng này.

Trong bối cảnh địa chính trị khu vực thay đổi theo hướng đối kháng nhiều hơn với các lợi ích Bắc Kinh theo đuổi, có một nguy cơ rõ ràng rằng ý định "hiền lành" của họ có thể thay đổi.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ không có gì ngăn cản được Trung Quốc "dạy cho láng giềng một bài học"," như đã từng xảy ra với Việt Nam năm 1979, Ấn Độ năm 1962. [2]

Nguồn:

[1]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-05-10/china-deploys-military-plane-to-third-south-china-sea-airstrip

[2]https://thediplomat.com/2018/05/is-the-south-china-sea-dispute-a-foregone-conclusion/

Hồng Thủy