Hình minh họa. |
Ngày 25/2 tờ Manila Standard Today của Philippines đăng bài phân tích của học giả Alejandro del Rosario bình luận, mặc dù tờ Nhân Dân nhật báo cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng, cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh gọi là ngày chiến thắng là nhằm làm cho Nhật Bản "run sợ", nhưng có rất nhiều thứ khác đằng sau thông điệp này.
Toàn bộ các Đại sứ và các đại diện ngoại giao tại Bắc Kinh có khả năng được mời dự lễ duyệt binh. Việc Bắc Kinh chĩa mũi nhọn vào Nhật Bản với ngôn ngữ gay gắt khiến người ta nghi ngờ Trung Nam Hải chỉ muốn dùng người Nhật để che dấu mối đe dọa từ Trung Quốc.
Thông điệp dọa nạt không có nghĩa là chỉ nhằm vào Nhật Bản, rõ ràng nó còn dành cho Việt Nam và Philippines đã phải cay đắng vì những yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh với gần như toàn bộ Biển Đông.
Tàu Trung Quốc đã đâm va tàu Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam vụ giàn khoan 981 trong khi Philippines đã phải khởi kiện yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Nhìn xa hơn nữa, việc phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc là một tín hiệu tế nhị đối với Hoa Kỳ: Đừng can thiệp vào Biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ ra sao trước cái bóng của một Trung Quốc đang lên.
Tháng 4 năm ngoái Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công du đến Tokyo, Seoul và Manila, nơi ông tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ quốc phòng, an ninh các quốc gia trong khu vực. Trong khi một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc khó xảy ra trong tương lai gần, các cam kết của Mỹ với đồng minh chỉ là thứ để bảo vệ lợi ích của Washington trong khu vực.
Có nhiều điều để mất nếu Mỹ mặc định không đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc đua khai thác tiềm năng dầu khí, khoáng chất nằm dưới Biển Đông.
Cuộc duyệt binh quy mô lớn tháng 9 tới ở Bắc Kinh sẽ tương tự như duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ của Nga. Xe tăng, pháo binh, tên lửa tầm xa sẽ diễu hành chào Tập Cận Bình trong khi chiến đấu cơ bay lượn trên bầu trời Bắc Kinh.
Trong khi đó Philippines đang phải lo đối phó với hàng loạt tổ chức Hồi giáo cực đoan và các phần tử ly khai. Chính quyền Tổng thống Aquino phải chiến đấu trên quá nhiều mặt trận, chưa kể đến các xung đột chính trị tiềm ẩn đang bào mòn sức mạnh quốc gia.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục cải tạo bất hợp pháp 7 bãi đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp mọi phản đối. Ảnh chụp đá Tư Nghĩa ngày 15/11/2014. |
Trong một động thái khác có liên quan, Fox News ngày 24/2 đã phỏn vấn Tiến sỹ Michael Pillsbury, thành viên cao cấp Viện Hudson về chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Láng giềng của nước này, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam đang ngày càng lo ngại về các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc tiến hành trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Ông cho rằng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng cải tạo mà không gặp phải bất kỳ hành động trừng phạt nào.
Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng 10% và phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hải, Bắc Kinh sẽ lý giải điều này thực sự là một vấn đề kinh tế và tuyên bố không tham gia bành trướng lãnh thổ, đây không phải căn cứ quân sự theo nghĩa Mỹ. Sắp tới Trung Nam Hải vẫn không thấy bất cứ yếu tố nào có thể phá vỡ vị thế của họ ở Đông Nam Á.
Nhưng một khi Trung Quốc muốn tăng áp lực lên Mỹ, đó có thể là một vấn đề đối với Bắc Kinh. Trong tháng Giêng năm nay, Tổng thống Obama đã nhắc lại cam kết bảo vệ an ninh hàng hải, tự do hàng hải trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông.
"Nếu chúng ta thực sự có một sự phản đối lớn và bắt đầu nói về mối đe dọa Trung Quốc, và nếu Mỹ bắt đầu nhận ra sự khó chịu về vấn đề Biển Đông, chúng sẽ rút lui. Nhưng cho đến nay đã không có chuyện gì xảy ra", Pillsbury nói.