Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế thông báo về Diễn biến tình hình trên khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển Việt Nam từ ngày 7/5 đến ngày 22/5. Tại đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cung cấp các bằng chứng làm rõ hành vi trái phép, gây hấn của phía Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa và bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của Bắc Kinh trong vấn đề này.
Ông Lê Hải Bình cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh Phúc Hưng |
Tham dự buổi họp báo có Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình; Phó Chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải; Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Đỗ Văn Hậu; Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu; Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Thanh Hà.
Mở đầu buổi họp báo quốc tế, ông Lê Hải Bình cho biết, sau khi hạ đặt giàn khoan, bất chấp Việt Nam đã dùng mọi biện pháp hòa bình để trao đổi, đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc những không bày tỏ thiện chí mà còn tiếp tục leo thang gây hấn, huy động cả tàu, máy bay quân sự đến vùng biển này, xuyên tạc nhiều nội dung cho rằng Việt Nam chủ động gây hấn và tấn công Trung Quốc.
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết thêm, từ ngày 7/5 tới nay, Trung Quốc thường xuyên duy trì từ 75 đến 137 tàu các loại, gồm 2 đến 4 tàu chiến, 33 đến 42 tàu chấp pháp, 2 đến 11 tàu kéo, dịch vụ dầu khí và cứu hộ, 6 đến 22 tàu vận tải, 12 đến 60 tàu cá vỏ sắt có công suất lớn xung quanh vị trí hạ đặt giàn khoan trái phép để bảo vệ giàn khoan này.
Ngoài ra, Trung Quốc luân phiên đưa ra khu vực 5 loại tàu chiến đã được phía Việt Nam ghi lại số hiệu gồm VTĐB 998, 999; tàu Hộ vệ tên lửa 534, 571; tàu tấn công nhanh 752, 753; tàu tuần tiễu chống ngầm 786, 789; tàu khu trục tên lửa 169 và các máy bay trong đó có máy bay quân sự.
Cao điểm nhất là ngày 20/5, Trung Quốc điều ra 137 tàu gồm 4 tàu chiến mang số hiệu HVTL 534, tàu tấn công nhanh 755; tàu tuần tiễu chống ngầm 786, 789; 42 tàu chấp pháp, 32 tàu phục vụ, 59 tàu cá.
Trên thực địa, Trung Quốc thường xuyên sử dụng các nhóm từ 3-5 tàu bám sát các tàu chấp pháp của Việt Nam, có hành động chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn sẵn sàng đâm va các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương 981. Tàu Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc đâm húc 20 lần, thậm chí có một tàu bị đâm tới 4 lần.
Các tàu công suất lớn của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào tàu của Việt Nam, dùng súng bắn nước công suất lớn, hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm hư hỏng tàu thuyền, gây thương tích cho 9 thủy thủ trên tàu.
Trung Quốc còn sử dụng các loại máy bay tuần thám số hiệu CMS-8321, B7112, CMS-3808 bay trên không phận các tàu Việt Nam với độ cao khoảng 250-500 mét để uy hiếp. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng máy bay trinh sát Y-8, máy bay chiến đấu J-11 bay tại khu vực.
Trung Quốc sử dụng tàu cá vỏ sắt có công suất lớn (từ 100-300 tấn) ngăn cản, thậm chí đâm húc tàu cá Việt Nam hoạt động, đánh bắt hải sản bình thường tại ngư trường này.
Cho đến thời điểm này, theo ông Ngô Ngọc Thu, phía Việt Nam chỉ sử dụng với số lượng hạn chế các tàu thực thi pháp luật của Cảnh sát biển và Kiểm ngư.
Trong quá trình thực thi luật pháp trên biển, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế, chủ động tránh đâm va trước hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Các tàu Việt Nam không sử dụng vòi rồng hay súng nước mà chỉ dùng loa tuyên truyền, khẩu ngữ yêu cầu tàu và giàn khoan Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam, không đâm va và không sử dụng các trang thiết bị trên tàu đối phó với các tàu Trung Quốc.
Nguyễn Hường