Ngày 19 tháng 11 năm 2014, tàu Hải tuần-1103 và thủy phi cơ Trung Quốc tiến hành tuần tra liên hợp ở Biển Đông. |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 21 tháng 11 đăng bài viết "Báo Nhật: Trung Quốc tiến hành huấn luyện trên biển, trên không ở Biển Đông, máy bay cánh cố định lần đầu tiên tham gia".
Bài viết dẫn thông tin từ trang mạng chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết, từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành huấn luyện tuần tra trên biển, trên không ở vùng biển đảo Hải Nam trên Biển Đông với sự tham gia của tàu tuần tra trên biển và thủy phi cơ.
Theo tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 20 tháng 11, chủ đề huấn luyện lần này là "bảo đảm an ninh hàng hải" và "bảo vệ môi trường biển", 2 tàu tuần tra đã tham gia huấn luyện. Phía Trung Quốc nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên "máy bay cánh cố định" tiến hành tuần tra liên hợp trên biển, trên không với tàu tuần tra ở Biển Đông.
Vì vậy, điều này có thể nói là một công tác chuẩn bị của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực hoạt động và năng lực trên biển, trên không ở vùng biển tranh chấp này.
Theo bài báo, Trung Quốc tiến hành hoạt động bồi đắp (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa - nơi đang có tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines, có kế hoạch xây dựng đường băng máy bay ở đó để tăng cường kiểm soát thực tế (một cách bất hợp pháp, đe dọa chủ quyền của Việt Nam và các nước, đe dọa an ninh hàng hải).
Ngày 19 tháng 11 năm 2014, tàu Hải tuần-1103 và thủy phi cơ Trung Quốc tiến hành tuần tra liên hợp ở Biển Đông. |
Trước đó, tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 19 tháng 11 cho biết, Trung Quốc đã lần đầu tiên sử dụng thủy phi cơ cho hoạt động tuần tra liên hợp lập thể trên biển, trên không triển khai ở vùng biển phía đông và phía nam tỉnh Hải Nam thuộc Biển Đông.
Chủ đề tuần tra trên biển, trên không lần này là "bảo đảm an ninh hàng hải" và "bảo vệ môi trường biển", Cục hàng hải Hải Nam điều tổng cộng 26 nhân viên thực thi pháp luật, tàu Hải tuần-21, tàu Hải tuần-1103 và phối hợp với thủy phi cơ của hãng hàng không Mỹ Á để triển khai tuần tra, chủ yếu là tiến hành tuần tra liên hợp trên biển, trên không đối với trật tự giao thông trên biển ở vùng biển liên quan như eo biển Quỳnh Châu, vùng biển phía đông và phía nam Hải Nam.
Hoạt động tuần tra lần này sẽ tiến hành nhiều đột phá về tuần tra hàng hải:
Một là lần đầu tiên triển khai hoạt động tuần tra liên hợp thực thi pháp luật trên biển, trên không ở Biển Đông có sự tham gia chung của máy bay cánh cố định và tàu tuần tra.
Hai là lần đầu tiên sử dụng nguồn lực xã hội cho hoạt động tuần tra thực thi pháp luật hàng hải ở Biển Đông.
Ba là lần đầu tiên sử dụng thủy phi cơ cho hoạt động tuần tra thực thi pháp luật hàng hải; thông qua hoạt động tuần tra nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa máy bay cánh cố định và tàu tuần tra trong tuần tra thực thi pháp luật hàng hải, tích lũy kinh nghiệm tuần tra liên hợp trên biển, trên không đặc biệt là tuần tra trên không của thủy phi cơ, đặt nền tảng cho tiếp tục tăng cường khả năng tuần tra thực thi pháp luật hàng hải Hải Nam, bảo đảm an toàn giao thông và môi trường biển Biển Đông.
Thủy phi cơ Trung Quốc lần đầu tiên tham gia tuần tra hàng hải |
Nhiệm vụ chung của hoạt động tuần tra lần này gồm:
Một là tuần tra môi trường đi lại và trật tự đi lại trên biển, giám sát tình hình tuân thủ công ước quốc tế liên quan đến an toàn giao thông trên biển và chống ô nhiễm cùng với "luật pháp của Trung Quốc".
Hai là giám sát môi trường biển.
Ba là tìm cách nghiên cứu cách thức sử dụng thủy phi cơ tuần tra và cách thức tuần tra liên hợp trên biển giữa tàu và máy bay.
Bốn là kiểm tra tình hình các công trình hướng dẫn/dẫn đường, tiến hành kiểm tra các công trình như phao tiêu, trạm hệ thống nhận biết tự động tàu (AIS); kiểm tra độ chính xác của hải đồ.
Năm là giám sát tình hình tàu thuyền sử dụng AIS, thiết bị thông tin vô tuyến điện.
Sáu là giám sát tình hình hoạt động của các công trình trên biển, kiểm tra tình hình thực hiện các thông báo, cảnh báo.
Bảy là tìm hiểu tình hình hoạt động (cách thức, số lượng, phân bố) của tàu cá ở vùng biển phía đông và phía nam đảo Hải Nam; tuần tra tình hình tuyến đường, lưới đánh cá ở eo biển Quỳnh Châu.
Tám là tuần tra trật tự đi lại trên biển.
Thủy phi cơ Trung Quốc lần đầu tiên tham gia tuần tra hàng hải |
Được biết, hoạt động tuần tra này được tiến hành theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, tàu Hải tuần-21 vào 8 giờ ngày 18 tháng 11 xuất phát từ cảng Thanh Lan, 12 giờ ngày 18 tháng 11 thủy phi cơ của hãng hàng không Mỹ Á cất cánh từ hồ nước Vạn Ninh, đến khoảng 13 giờ trưa ngày 18 tháng 11, thủy phi cơ và tàu hải tuần này tập trung ở vùng biển giàn khoan Văn Xương, triển khai tuần tra lập thể trên biển, trên không đối với vùng biển xung quanh, trong đó, thủy phi cơ tiến hành tuần tra đối với ngư trường, các hạng mục thi công trên biển và tàu vận tải ở dọc đường. Sau đó, tàu Hải tuần-21 và thủy phi cơ đến eo biển Quỳnh Châu tiến hành tuần tra.
Giai đoạn 2 là vào ngày 19 tháng 11, tàu Hải tuần-1103 cùng với thủy phi cơ của hàng không Mỹ Á xuất phát từ Tam Á, tiến hành tuần tra đối với vùng biển phía nam Hải Nam.
Trong quá trình tuần tra, tàu Hải tuần-21 và Hải tuần-1103 sẽ thông qua điện đài đối không và VHF của tàu duy trì liên lạc với thủy phi cơ, trao đổi tình hình tuần tra và kế hoạch hành động, tiến hành giám sát đối với tình hình chống ô nhiễm trên biển, tình hình các vật cản trên biển, hoạt động đi lại, neo đậu và vi phạm pháp luật của tàu thuyền, có thể dựa vào yêu cầu tiến hành khảo sát lấy chứng cứ, thông qua hệ thống AIS và hệ thống thông tin khác để tiến hành tra hỏi đối với các tàu thuyền có liên quan.
Theo bài báo, thủy phi cơ tham gia hoạt động tuần tra này có đặc điểm cơ động linh hoạt, tầm nhìn rộng, có thể bay sát mặt biển, có thể lâm thời hạ cánh trên biển khi điều kiện cho phép, có lợi cho hỗ trợ thực thi pháp luật trên biển, điều tra lấy chứng cứ vi phạm của tàu thuyền, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đồng thời còn có thể tiến hành quan sát gần đối với các phao tiêu hàng hải và các công trình khác.
Tàu Hải tuần-1103 và thủy phi cơ Trung Quốc tiến hành tuần tra liên hợp trên biển, trên không ở Biển Đông |