Mỹ thành lập trung đội radar phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương
Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 22 tháng 10 đưa tin, trung đội phòng thủ tên lửa 14 Lục quân Mỹ cùng ngày tổ chức lễ thành lập ở căn cứ Kyougamisaki của Lực lượng Phòng vệ Trên không, thành phố Kyōtango, Kyoto. Trung đội này chủ yếu phụ trách sử dụng radar X-band cảnh báo sớm phòng thủ tên lửa.
Radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo X-band Mỹ |
Tại buổi lễ, Chuẩn tướng Lục quân Mỹ Eric Sanchez đọc diễn văn cho biết: "Sẽ tích cực cống hiến cho an ninh tập thể của khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Theo tiết lộ của cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trạm thông tin Kyougamisaki của Quân đội Mỹ sẽ được bố trí nhiều nhất khoảng 160 người, bao gồm khoảng 20 binh sĩ Quân đội Mỹ và các nhân viên kỹ thuật dân sự.
Sau khi kết thúc buổi lễ, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Harada cho biết, triển khai radar X-band "giúp cho chúng tôi có năng lực ứng phó tên lửa bay đến từ bên kia biển Nhật Bản. Dưới sự hiểu biết và phối hợp của người dân địa phương, Chính phủ sẽ tích cực áp dụng các biện pháp an ninh".
Theo bài báo, vài chục người dân địa phương đã tiến hành phản đối ở xung quanh căn cứ, kêu to "không được làm mất an toàn và sự yên tâm của người dân".
Mỹ bắt đầu lắp radar X-band ở Nhật Bản
Hãng Itar-Tass Nga ngày 21 tháng 10 cũng đưa tin, Quân đội Mỹ từ ngày 21 tháng 10 bắt đầu lắp hệ thống radar phòng thủ tên lửa mới ở Nhật Bản. Công tác lắp ráp được tiến hành ở căn cứ thông tin Quân đội Mỹ tại thành phố Kyōtango, Nhật Bản, duyên hải biển Nhật Bản.
Radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo X-band Mỹ |
Hệ thống này sẽ khởi động trang bị trong năm nay, đến tháng 12 tới chính thức đưa vào vận hành. Vì vậy, trong vùng trời dưới 6.000 m ở bán kính 6 km xung quanh căn cứ đã bị cấm bay. Trọng lượng bộ kiện chính của hệ thống radar này là 34 tấn. Bức xạ điện từ của hệ thống này là 8 - 12 gigahertz.
Được biết, hệ thống này có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ngoài 4.000 km, đồng thời tiến hành theo dõi và phán đoán chính xác thật giả của đầu đạn. Mỹ đã sử dụng loại hệ thống radar cơ động này ở thành phố Tsugaru, tỉnh Aomori, miền bắc Nhật Bản. Như vậy, hiện nay, có 2 radar X-band được triển khai ở Nhật Bản.
Bài báo cho biết, việc triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm này thứ nhất là ứng phó với chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên, nhưng nó cũng có thể dùng để nhằm vào Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc phản đối Mỹ triển khai radar ở Nhật Bản
Hãng tin Reuters Anh ngày 23 tháng 10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cho biết, một hệ thống radar X-band (sóng ngắn) ngày 21 tháng 10 đã được chuyển tới một cơ sở thông tin của Quân đội Mỹ tại khu vực Kyoto, phía tây Nhật Bản. Hệ thống này dự kiến sẽ hoàn toàn đưa vào sử dụng trước cuối năm 2014.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh |
Đối với vấn đề này, ngày 24 tháng 10, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ tên là Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo rằng: "Quốc gia cá biệt thúc đẩy triển khai phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, muốn có an ninh đơn phương, không có lợi cho lòng tin và sự ổn định chiến lược của khu vực, không có lợi cho hòa bình, ổn định của Đông Bắc Á".
Theo bà Oánh, quốc gia liên quan không nên lợi dụng cớ để "làm việc tổn hại cho lợi ích an ninh của nước khác". Bà Oánh cho rằng, hoạt động liên quan của radar phòng thủ tên lửa "rất đáng quan ngại".
Hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm 2 tàu khu trục Aegis tại Nhật Bản
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc, Hải quân Mỹ tuyên bố, 2 tàu khu trục có năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ được triển khai trên tuyến đầu Nhật Bản.
Hai tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis này là tàu khu trục USS Benfold (DDG-65) và USS Milius (DDG-69), hiện đều đậu ở cảng chính tại San Diego, California.
Tàu khu trục Aegis USS Benfold (DDG-65) Hải quân Mỹ |
Hai tàu chiến này sẽ trở thành một phần của "lực lượng hải quân triển khai tuyến đầu" tại Yokosuka, Nhật Bản.
Tàu khu trục USS Benfold (DDG-65) sẽ triển khai ở Nhật Bản vào mùa hè năm 2015, còn tàu khu trục USS Milius (DDG-69) sẽ triển khai vào mùa hè năm 2017.
Khi báo cáo sự kiện thay đổi căn cứ lần này, Hải quân Mỹ cho biết: "Động thái này đã trực tiếp xác nhận thông cáo tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Khi đó, ông Chuck Hagel tuyên bố, Hải quân Mỹ cam kết trước năm 2017 sẽ điều thêm 2 tàu chiến có năng lực phòng thủ tên lửa đến bảo vệ Nhật Bản".
Hải quân Mỹ cho biết, hai tàu khu trục này sẽ hoàn thành tất cả nâng cấp hiện đại hóa trung hạn trước khi thay đổi căn cứ. Chúng sẽ trang bị hệ thống tác chiến Aegis Baseline 9 mới nhất, hệ thống này có năng lực tác chiến trên và dưới biển cũng như phòng thủ tên lửa đạn đạo. Những nâng cấp khác sẽ bao gồm lắp đài chỉ huy tích hợp hoàn toàn, đài điều khiển thiệt hại, cải tiến thiết bị máy móc và bố trí nhà bếp cao cấp, thiết bị tính toán hàng thương mại.
Hải quân Mỹ cho biết: "Là một phần của hệ thống tác chiến Aegis, mỗi tàu chiến sẽ trang bị hệ thống bắn thẳng đứng MK-41 để bắn nhiều loại tên lửa dẫn đường và có năng lực triển khai các hành động tác chiến phòng thủ và tấn công đối với máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các mục tiêu trên bờ".
Ngoài điều 2 tàu chiến này tăng cường lực lượng tác chiến tiền duyên cho Hạm đội 7, Hải quân Mỹ còn có kế hoạch điều 1 tàu khu trục Aegis tới Nhật Bản.
Tàu khu trục Aegis USS Milius (DDG-69) trong biên đội tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) |