Trung Quốc muốn Kim Jong-un đến giải thích vụ tử hình Jang Song-thaek

05/02/2014 06:52
Nguyễn Hường
(GDVN) - Báo cáo nói thêm rằng Bắc Kinh muốn Bắc Triều Tiên giải thích các sự kiện cực đoan xung quanh vụ thanh trừng Jang Song-thaek.
Một cổng thông tin internet lớn của Trung Quốc mới đây tuyên bố rằng Trung Quốc đã kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm càng sớm càng tốt và cho Bắc Triều Tiên cơ hội để giải thích về vụ thanh trừng Jang Song Thaek, tờ NK News cho biết.

"Bí thư thứ nhất Kim Jong-un nên đến càng sớm càng tốt", trang Sohu.com dẫn lời một quan chức chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Jang Song-thaek (trái)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Jang Song-thaek (trái)
Bản tin nói thêm rằng Bắc Kinh muốn Bắc Triều Tiên giải thích các sự kiện cực đoan xung quanh vụ thanh trừng Jang Song-thaek và muốn Bình Nhưỡng xác nhận rằng quan hệ Trung-Triều Tiên sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụp đổ của nhân vật quyền lực số hai và được xem là người thân thiết với Bắc Kinh nhất này.
Mặc dù báo cáo không thể xác nhận, nhưng nó được cho là có thể tin cậy. Tờ Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 12.2013 đã đăng tải bài xã luận ngay sau vụ thanh trừng Jang Song-thaek, nói rằng Kim Jong-un nên đến thăm Trung Quốc càng sớm càng tốt để đảm bảo với Bắc Kinh rằng ông sẽ có thể giữ ổn định đất nước.
Kể từ sau vụ tử hình Jang Song-thaek, Trung Quốc đã có dấu hiệu lo lắng hơn về chính quyền Bình Nhưỡng. Sau vụ tử hình Jang Song-thaek một cách bất ngờ, một biên tập viên của Thời báo Hoàn cầu lập luận  rằng Trung Quốc cần phải mạnh mẽ và quyết đoán khi đối phó với Bắc Triều Tiên. 
Bài xã luận cũng chỉ ra rằng vụ thanh trừng Jang Song-thaek gần đây đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên xấu đi.
Jang Song Thaek đã bị tử hình hôm 12/12/2013  và "nhóm" của ông cũng bị trừng phạt với tội danh gồm tham nhũng, bè phái, lạm dụng ma túy, các hoạt động chống nhà nước, lăng nhăng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ban đầu cho rằng cuộc thanh trừng là một "vấn đề nội bộ" của Triều Tiên và  Bắc Kinh sẽ "vẫn giữ cam kết duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với CHDCND Triều Tiên."
Nguyễn Hường