Trung Quốc nói "hớ" điều gì để bị ông Kim Jong-un gạt khỏi bàn đàm phán?

30/04/2018 08:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Lúc bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn, Bắc Kinh ngãng ra với lập luận mình không liên quan, Mỹ - Triều tự đàm phán giải quyết với nhau. Thời thế đã thay đổi.

South China Morning Post ngày 29/4 đưa tin, các nhà phân tích Trung Quốc lo ngại nước này có thể bị bỏ qua trong các cuộc đàm phán hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Hôm qua 29/4 Tổng thống Donald Trump cho biết, cuộc họp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể diễn ra trong 3 hoặc 4 tuần tới.

Trong khi đó Bình Nhưỡng tiếp tục nhượng bộ hôm Chủ nhật với tuyên bố sẽ đóng cửa địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri vào tháng Năm này.

Triều Tiên sẽ mời các nhà báo, nhà quan sát quốc tế tới chứng kiến, đồng thời thay đổi múi giờ Bình Nhưỡng theo múi giờ Seoul hiện nay.

Ông Kim Jong-un phát biểu trong tiệc chiêu đãi của Tổng thống Hàn Quốc tại Nhà Hòa Bình, Bàn Môn Điếm ngày 27/4. Ảnh: nocutnews.co.kr.
Ông Kim Jong-un phát biểu trong tiệc chiêu đãi của Tổng thống Hàn Quốc tại Nhà Hòa Bình, Bàn Môn Điếm ngày 27/4. Ảnh: nocutnews.co.kr.

Ông Kim Jong-un cũng phản đối tuyên bố của một số nhà khoa học Trung Quốc rằng, ông đề nghị đóng cửa cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri vì nó đã không còn hoạt động sau lần thử cuối cùng tháng Chín năm ngoái.

"Một số người (Trung Quốc) nói rằng chúng tôi sẽ tháo dỡ cơ sở đã không còn sử dụng được nữa, nhưng vẫn có 2 đường hầm lớn còn nguyên và đây là điều kiện rất tốt mà bạn sẽ thấy", người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Jong-un cho biết.

Trước đó một số nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên trong lòng núi đã bị sụp đổ và không thể khắc phục.

Họ nhận định, đây là lý do chính khiến ông Kim Jong-un phải tuyên bố đóng cửa cơ sở thử hạt nhân trước hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều.

Phát biểu của ông Kim Jong-un trùng với một báo cáo phân tích trước đó do Viện Mỹ - Hàn Quốc tại Đại học Johns Hopkins công bố, cho biết Punggye-ri vẫn hoạt động bình thường vì còn 2 hầm ngầm vẫn có thể sử dụng trong tương lai.

Bất chấp khẳng định từ ông Kim Jong-un, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu tin tưởng. Sun Xingjie từ Đại học Cát Lâm, Trung Quốc bình luận:

"Hàn Quốc có thể đã giải thích quá mức về quá trình hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên."

Hôm thứ Sáu 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo, đồng thời cùng nhau hợp tác chính thức chấm dứt Chiến tranh  Triều Tiên.

Trong khi đó Trung Quốc mới là 1 trong 3 bên cùng Mỹ, Triều ký Hiệp định Đình chiến năm 1953 chứ không phải Hàn Quốc.

Giáo sư Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: uschinapress.com.
Giáo sư Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: uschinapress.com.

Theo ông Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương, Bắc Kinh, chính sách của Trung Quốc về Triều Tiên những năm gần đây đã rút khỏi bán đảo Triều Tiên.

"Lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định rõ, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không liên quan đến Bắc Kinh, Mỹ và Triều Tiên nên tự đàm phán trực tiếp với nhau.

Vì vậy, bây giờ mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc và không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh bị loại khỏi các cuộc đàm phán."

Nhà sử học nổi tiếng người Trung Quốc Shen Zhihua cũng cảnh báo, ảnh hưởng của Trung Quốc có thể đang suy yếu trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh không nên quá lạc quan về hội nghị thượng đỉnh Donald Trump với Kim Jong-un sắp tới. [1]

Trong một động thái khác có liên quan, The Washington Post ngày 29/4 cho biết, nói chuyện với các phóng viên trên máy bay từ Saudi Arabia đến Tel Aviv, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể làm gián đoạn đàm phán với Bắc Triều Tiên.

"Tôi không nghĩ rằng ông Kim Jong-un đang nhìn chằm chằm vào thỏa thận với Iran và nói: 'Ôi trời, nếu họ rút khỏi thỏa thuận đó, tôi sẽ không nói chuyện với người Mỹ nữa'.

Có những ưu tiên cao hơn, những điều mà ông ấy quan tâm hơn việc Mỹ có giữ thỏa thuận với Iran hay không. Tôi tin rằng Kim Jong-un đang tìm kiếm nhiều hơn một mảnh giấy.

Ông Kim Jong-un sẽ tìm kiếm điều phù hợp với lợi ích của chúng ta, phải không? Thiết lập những gì chúng ta nói về các hành động cụ thể, không thể đảo ngược và đảm bảo điều đó.

Trung Quốc nói "hớ" điều gì để bị ông Kim Jong-un gạt khỏi bàn đàm phán? ảnh 3

Kim Jong-un, Donald Trump quá hiểu nhau, Trung Quốc sẽ "khó có phần"

Nếu chúng ta có thể thành công trong việc đạt được những điều này, thì nó sẽ tồn tại lâu dài", ông Mike Pompeo nói. [2]

Khẳng định của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho thấy triển vọng thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt được kết quả là rất lớn;

Bản thân người trực tiếp tiếp xúc và đàm phán với ông Kim Jong-un là Mike Pompeo xác nhận thiện chí thực sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên thì lo ngại của học giả Trung Quốc là không có cơ sở.

Nhà nghiên cứu Zhang Liangui đã chỉ ra một sự thật, trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên đến đỉnh điểm, Trung Quốc đã công khai tuyên bố rút ra:

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên không liên quan đến Trung Quốc, Mỹ - Triều tự đàm phán mà giải quyết với nhau, đừng lôi Bắc Kinh vào!

Giờ ông Kim Jong-un tự tháo ngòi nổ, lại xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục, Trung Quốc có muốn "nhận phần" cũng khó:

Lý do một phần là vì họ đã tuyên bố rút ra nay khó nuốt lời, phần vì cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên đều không muốn Trung Quốc can thiệp vào bán đảo.

Phía Hàn Quốc không muốn Bắc Kinh can thiệp vì Trung Quốc lâu nay vẫn là nhà bảo trợ chính của Triều Tiên, nên nếu họ tham gia, có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán.

Trong khi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa bao giờ lệ thuộc Trung Quốc, từ thời ông Kim Nhật Thành, và truyền thống này được phát huy mạnh mẽ, đỉnh cao ở thời đại ông Kim Jong-un.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh từ 25/3 đến 28/3 với màn đón tiếp trọng thị chưa từng có của ông chủ Trung Nam Hải, quan hệ Trung - Triều được cho là nguội lạnh và nhiều sóng gió.

Ông Kim Jong-un có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình thay đổi thái độ, đón tiếp niềm nở và trọng thị, là do cái tài phán đoán và chủ động tạo tình huống của ông trong quan hệ đối ngoại.

Triều Tiên có xu hướng mở cửa hội nhập cải cách toàn diện một cách rõ nét, tập trung toàn lực phát triển kinh tế. Hòa giải với miền Nam, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ là tiền đề quan trọng để ông Kim Jong-un thực hiện ý định của mình.

Nguồn:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2143934/china-could-be-excluded-peace-talks-after-trump-kim

[2]https://www.washingtonpost.com/world/national-security/pompeo-says-kim-jong-un-doesnt-care-if-us-leaves-iran-deal/2018/04/29/c1ac08ca-2c1d-457b-86e5-197bf595df52_story.html?noredirect=on&utm_term=.afd31953e945

Hồng Thủy