Kim Jong-un, Donald Trump quá hiểu nhau, Trung Quốc sẽ "khó có phần"

29/04/2018 18:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Bất chấp những hoài nghi vẫn còn trong dư luận, ông Kim Jong-un và Donald Trump tỏ ra rất hiểu nhau và lạc quan về tương lai.

The New York Times ngày 29/4 đưa tin, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, ông sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ đồng ý chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược đất nước mình.

Ông Kim Jong-in cũng tuyên bố sẽ mời các chuyên gia và nhà báo từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ tới theo dõi việc ngừng bãi thử hạt nhân ngầm duy nhất của Triều Tiên trong tháng tới, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết hôm Chủ nhật 29/4.

Người phát ngôn Nhà Xanh dẫn lời ông Kim Jong-un nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng:

"Tôi biết người Mỹ vốn đã mặc định phải chống lại chúng tôi.

Nhưng khi họ nói chuyện với chúng tôi, họ sẽ nhận ra rằng tôi không phải loại người bắn vũ khí hạt nhân xuống miền Nam, ra Thái Bình Dương hay sang Hoa Kỳ."

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Hòa Bình, Bàn Môn Điếm, Vĩ tuyến 38. Ảnh: Yonhap.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Hòa Bình, Bàn Môn Điếm, Vĩ tuyến 38. Ảnh: Yonhap.

Đó là một tuyên bố hòa giải đáng kể so với những gì ông Kim Jong-un đã nói năm ngoái, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào.

Với miền Nam, ông Kim Jong-un cam kết:

"Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của Chiến tranh Triều Tiên.

Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần nữa.

Tôi cam kết với ngài rằng, sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ lực.

Khi đang ngồi trong phòng chờ, nhìn lên tường tôi bất giác thấy 2 chiếc đồng hồ, một chiếc chỉ múi giờ Seoul, chiếc còn lại chỉ múi giờ Bình Nhưỡng, tôi cảm thấy buồn vì điều đó.

Tại sao chúng ta không hợp nhất múi giờ của mình trước?"

Ông Kim Jong-un đã quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng theo múi giờ Seoul. Năm 2015 Triều Tiên đặt lại múi giờ riêng, chậm hơn 30 phút so với Seoul, Nhật Bản.

Ngày 27/4 đã đi vào lịch sử bán đảo Triều Tiên khi lãnh đạo 2 miền ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, trong đó công nhận một bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân.

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo là mục tiêu chung của hai miền.

Các quan chức Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Jong-un khẳng định:

"Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt nhân?"

Ông Moon Jae-in đã thông báo cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về nội dung cuộc họp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên trong một cuộc điện đàm khá dài vào ngày hôm sau, 28/4.

Chứng kiến giờ phút lịch sử lãnh đạo 2 miền Triều Tiên ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc Suh-hoon đã không kìm được nước mắt. Ông chính là cầu nối lãnh đạo 2 miền suốt mấy chục năm qua, nỗ lực không mệt mỏi cho ngày đoàn tụ. Ảnh: Reuters.
Chứng kiến giờ phút lịch sử lãnh đạo 2 miền Triều Tiên ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc Suh-hoon đã không kìm được nước mắt. Ông chính là cầu nối lãnh đạo 2 miền suốt mấy chục năm qua, nỗ lực không mệt mỏi cho ngày đoàn tụ. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Moon Jae-in nói với Donald Trump rằng: Kim Jong-un hiểu ông, hai bên có thể chung sống hòa bình vui vẻ với nhau.

Ngày Chủ nhật 29/4 ông Moon Jae-in cũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo, ông Kim Jong-un sẵn lòng đối thoại với Tokyo. [1]

Còn từ phía Hoa Kỳ, Bloomberg ngày 29/4 đưa tin, Tổng thống Donald Trump mong đợi được gặp ông Kim Jong-un trong 3 đến 4 tuần nữa. 

Ông Donald Trump nói hôm thứ Bảy tại Washington: "Sức mạnh sẽ giữ chúng ta khỏi chiến tranh hạt nhân, chứ không phải lao vào nó."

Trước đó, hôm thứ Sáu 27/4, ông Donald Trump phát biểu về cuộc họp thượng đỉnh 2 miền Triều Tiên: "Tôi nghĩ ông ấy (Kim Jong-un) không nói chơi."

Kim Jong-un, Donald Trump quá hiểu nhau, Trung Quốc sẽ "khó có phần" ảnh 3

Ông Kim Jong-un tuổi trẻ tài cao, quyền biến xuất thần, Triều Tiên đầy hy vọng

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc với ông chủ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng:

Donald Trump nên gặp Kim Jong-un càng sớm càng tốt, để duy trì đà thành công của cuộc họp Hàn - Triều.

Trước khi tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Phòng Bầu Dục, ông Donald Trump nói với báo giới:

"Chúng tôi sẽ đưa ra một giải pháp, nếu không chúng tôi sẽ rời khỏi phòng họp với sự tôn trọng lớn và tiếp tục nỗ lực."

Sau đó trong cuộc họp báo chung với bà Angela Merkel, Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông và Kim Jong-un có mối quan hệ hợp tác rất tốt, có rất nhiều điều tốt đẹp đang xảy ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã gặp ông Kim Jong-un hôm 1/4 trên cương vị Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ cho biết, ông tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rất nghiêm túc trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC được phát sóng hôm Chủ nhật 29/4, ông Mike Pompeo cho biết, cuộc làm việc của ông với Kim Jong-un rất tốt, ông Kim Jong-un đã chuẩn bị nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định:

"Khi tôi ra về, ông Kim Jong-un đã hiểu chính xác công việc như tôi đã mô tả ngày hôm nay.

Mục tiêu của chính quyền (Mỹ) là (việc phi hạt nhân hóa bán đảo) hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược."

Điều thú vị là sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, Tổng thống Donald Trump dường như lại là người duy nhất, sớm nhất cho đến nay gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kim Jong-un, Donald Trump quá hiểu nhau, Trung Quốc sẽ "khó có phần" ảnh 4

Vai diễn nguyên thủ thay đổi, lợi ích quốc gia bất biến

Ông nói ngay hôm thứ Sáu tại Michigan:

"Nếu không có ông ấy (Tập Cận Bình), đó sẽ là một quá trình dài hơn và khó khăn hơn!" [2]

Điều này cho thấy Trung Quốc dường như "không có phần" trong bàn đàm phán thỏa thuận kết thúc Chiến tranh Triều Tiên mà họ từng là một bên tham gia, cũng từng ký kết hiệp định đình chiến.

Như vậy là cả ông Kim Jong-un lẫn ông Donald Trump đều dành cho nhau những lời tốt đẹp, tôn trọng và khẳng định họ hiểu mong muốn của đối phương, tin tưởng vào thành công của đối thoại trong cuộc gặp sắp tới.

Sự hoài nghi trong dư luận, trong chính giới hay trên truyền thông sẽ không thể chấm dứt hoàn toàn cho đến khi những cam kết giấy trắng mực đen được ký, và thậm chí phải đợi một chuỗi các hành động tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận điều này, vì đó là thực tế, là những hệ quả tất yếu của một quá trình đối đầu dai dẳng với những lời đao to búa lớn nhắm vào nhau trong các cuộc chiến tuyên truyền.

Cần có thời gian để lòng tin, thiện chí và sức mạnh của hòa bình, hòa hợp và hòa giải được lan tỏa. Cần có thêm thời gian để những vết thương mới ngày nào còn rỉ máu, lên da non và trở lại bình thường.

Con hơn cha là nhà có phúc, ông Kim Jong-un quả là đã vượt qua những rào cản nội tại một cách ngoạn mục, chắc tay lái đưa đất nước Triều Tiên thoát khỏi bao vây cấm vận, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới phát triển và hội nhập.

Chưa gặp nhau, nhưng ông Kim Jong-un đã tin tưởng chắc chắn có thể chung sống hòa bình với Donald Trump. 

Ngược lại, Tổng thống Mỹ cũng tin chắc nhà lãnh đạo Triều Tiên "không nói chơi", chúng tôi xin mượn câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để kết thúc bài viết này về mối quan hệ mới nảy nở đầy kịch tính và cảm xúc: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

Hồng Thủy