Trung Quốc sẽ thọc mạnh vào sân sau của Mỹ để giải nước cờ Đài Loan của Trump?

07/01/2017 09:15
Hồng Thủy
(GDVN) - "Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để 'thiết lập một bãi biển' ngay bên cạnh Mỹ trong lúc Washington gây sức ép với Bắc Kinh ở Biển Đông".

Financial Times ngày 6/1 đưa tin, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sẽ thăm chính thức 4 quốc gia Trung Mỹ từ cuối tuần này, nhằm nỗ lực ngăn chặn xu thế những đồng minh còn lại của Đài Bắc chạy sang phía Bắc Kinh.

Trung Quốc đã khởi động một cuộc chiến ngoại giao nhằm vào Đài Loan sau cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Tháng trước Bắc Kinh đã thuyết phục thành công 2 quốc gia nhỏ bé ở châu Phi, São Tomé và Príncipe cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, quay sang công nhận Trung Quốc, thu hẹp con số đồng minh của Đài Bắc xuống còn 21.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc. Ảnh: zap.aeiou.pt
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc. Ảnh: zap.aeiou.pt

Nhưng sân sau của Mỹ đang trở thành mối đe dọa với Đài Loan khi các đồng minh của hòn đảo này ở Trung Mỹ đang muốn thu hút thêm vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Bắc Kinh có một cơ hội để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực chiến lược quan trọng, nếu thuyết phục thành công 12 đồng minh ngoại giao của Đài Loan ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê quay sang công nhận Trung Quốc.

Lo Chih-cheng, một thành viên đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan cho rằng, nếu Đài Loan bị hất khỏi Trung Mỹ, lợi ích của Trung Quốc ngay tại sân sau của Mỹ có thể là một mối đe dọa.

Đài Loan được một số nước Trung Mỹ công nhận chính thức, chứ không phải Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, Đài Bắc đã phải dùng viện trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để nuôi dưỡng những quan hệ này.

Nhưng những lời hứa về viện trợ và đầu tư, hợp tác thương mại lớn hơn từ Bắc Kinh đang làm dao động nhiều đồng minh của Đài Loan.

Rafael Fernando Sierra Quesada, cựu Đại sứ Honduras tại Đài Loan thừa nhận: "Tất cả các nước chúng tôi đã bị ép phải chuyển sang (công nhận) Trung Quốc đại lục".

Cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guarjardo cảnh báo: "Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để 'thiết lập một bãi biển' ngay bên cạnh Mỹ trong lúc Washington gây sức ép với Bắc Kinh ở Biển Đông".

Theo ông, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn thực sự phơi bày và làm suy yếu vị thế của Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc.

Hơn nữa, cho dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Trung Quốc vẫn đặt các văn phòng hợp tác kinh tế, văn hóa tại các nước đồng minh của Đài Loan và ngược lại.

Enrique Dussel - Peters, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tự trị quốc gia Mexico bình luận:

"Cuộc khủng hoảng mới của quan hệ Mỹ - Latinh với Hoa Kỳ là một cơ hội cho Trung Quốc. Nhưng đây là một con dao hai lưỡi khi đặt kỳ vọng nhất định vào Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống này, đáp ứng các mong đợi về tài chính, thương mại và cơ sở hạ tầng".

Trong lịch sử, các quan chức Mỹ không quan tâm nhiều đến việc giúp Đài Loan duy trì quan hệ với các nước Trung Mỹ. Nhưng Washington cần phải suy nghĩ nhiều hơn về những rủi ro ngày càng tăng do ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Cựu Đại sứ Guarjardo lưu ý, nếu ông Donald Trump theo đuổi chính sách cứng rắn đồng thời với cả Trung Quốc và Mỹ Latinh, người Mỹ có thể nhìn thấy tàu quân sự Trung Quốc cập cảng, tiếp nhiên liệu ở Nam Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

https://www.ft.com/content/1318e4fc-d3e1-11e6-9341-7393bb2e1b51

Hồng Thủy