Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) và bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại quốc hội Trung Quốc trong hội thảo về Biển Đông ở Bác Ngao. Các học giả Việt Nam, Philippines, Brunei không được mời phát biểu tham luận tại hội thảo này. Ảnh: China Daily. |
The Diplomat ngày 1/4 bình luận, khoảng từ tháng 8 năm ngoái Trung Quốc đã đưa ra khái niệm "tiếp cận song trục" đối với vấn đề Biển Đông. Ngày hôm nay Bắc Kinh vẫn tiếp tục sử dụng khái niệm này trong các diễn đàn, hội thảo về Biển Đông bên lề diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao ở Hải Nam. Các nhà quan sát đã sớm nhận thấy, khái niệm "song trục" này chẳng qua chỉ là một thứ bình mới, rượu cũ nhưng nó vẫn đáng chú ý vì có thể qua mắt được một số người.
Cái gọi là cách tiếp cận "song trục" mà Bắc Kinh đang cổ súy bao gồm 2 yếu tố: Một là xử lý tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán "song phương, trực tiếp" với các bên liên quan; Hai là duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông thông qua các nỗ lực chung giữa Trung Quốc và ASEAN. Một số học giả và nhà hoạch định Trung Quốc "hý hửng" lập luận rằng cách tiếp cận này không phải "đơn phương" mà là một thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN liên quan trực tiếp đến Biển Đông và được ASEAN thừa nhận rộng rãi.
Cách tiếp cận "song trục" mà Bắc Kinh đưa ra thực tế là nhằm chia rẽ ASEAN và các lực lượng tiềm năng khác có khả năng chống lại các hành vi hung hăng của Bắc Kinh. Nhưng rắc rối nằm ở chỗ, ASEAN chỉ có vai trò trong mệnh đền thứ 2, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. ASEAN không có bất cứ vai trò nào trong "xử lý các tranh chấp bằng đàm phán song phương" mà Trung Quốc chỉ muốn giới hạn với 4 quốc gia gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Thực chất ở đây Trung Quốc đang lặp lại quan điểm của họ lâu nay là Biển Đông chỉ được giải quyết bằng đàm phán tay đôi với từng nước, gạt ASEAN hay bất kỳ lực lượng thứ ba nào khác ra ngoài.
Điều này rõ ràng sẽ trở thành lợi thế cho Bắc Kinh nếu đàm phán tay đôi với từng nước thay vì với ASEAN do những ưu thế "bất đối xứng" có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra, với việc cổ súy cách tiếp cận "song trục", Bắc Kinh vừa rêu rao phải duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và "xử lý tranh chấp song phương", nhưng đồng thời họ vẫn gia tăng các hành vi hung hăng ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể bắt giữ tàu cá, tiến hành các hoạt động xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) quy mô lớn" và gọi nó là nỗ lực thực thi yêu sách đường 9 đoạn. Nhưng ý chí tập thể của ASEAN để chống lại điều này đang bị Bắc Kinh kìm hãm bằng cái gọi là "duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông, chủ yếu thông qua hợp tác hàng hải ASEAN - Trung Quốc.
Sự hợp tác này có nhiều hình thức khác nhau, từ các biện pháp kinh tế đến con người, hoặc xây dựng "lòng tin hạn chế" bằng việc thiết lập các đường dây nóng. Mới nghe thì cái gọi là cách tiếp cận song trục mà Trung Quốc đưa ra dường như có ý nghĩa. Nhưng rất nhiều người không đồng ý cách giải thích của Bắc Kinh rằng, tranh chấp thực tế ở Biển Đông chỉ ảnh hưởng đến 4 nước có yêu sách, trong khi hòa bình và ổn định có tác động đến tất cả 10 thành viên ASEAN.
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tuần này cũng ra sức cổ súy cho chiến lược Con đường Tơ lụa mới trên biển thế kỷ 21 nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Ảnh: VOA. |
Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông nhấn mạnh rằng, về cơ bản tất cả các bên bao gồm cả Trung Quốc nên hoàn toàn tôn trọng những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Bắc Kinh tuyên bố trái ngược với điều này khi đưa ra cách tiếp cận "song trục" để gạt ASEAN ra khỏi vấn đề Biển Đông bằng khái niệm "tranh chấp song phương".
Hiện tại ASEAN vẫn có những chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. Một số nước như Campuchia có thể sẵn sàng ủng hộ cách tiếp cận "song trục" này của Trung Quốc, trong khi những nước khác ủng hộ các chuẩn mực khu vực và luật pháp quốc tế. Nhưng các nước ASEAN vẫn muốn tham gia các "sáng kiến kinh tế" của Trung Quốc một cách thực dụng. Bắc Kinh đang thực sự mong muốn 1 ASEAN chia rẽ ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của họ về kinh tế trong khi Trung Quốc phát triển tiềm lực quân sự, để cuối cùng đạt được mục tiêu theo cách của họ trong khoảng thời gian dài hơn.
Nhưng các nước ASEAN cũng thấy được "dự định lành tính" của Bắc Kinh ít hơn những gì mà Bắc Kinh tuyên truyền, cách tiếp cận "song trục" mà Trung Quốc đang cổ súy cách xa thực tế những gì Trung Quốc đang làm "rất chăm chỉ" ở thực địa để thay đổi "quyết liệt" hiện trạng trên Biển Đông.
Xung quanh chiến dịch khởi động "năm hợp tác hàng hải ASEAN - Trung Quốc" mà Bắc Kinh vận động thông qua diễn đàn Bác Ngao năm nay, The Diplomat cho rằng nó cũng không phải hoàn toàn là mới. Bằng việc kêu gọi lấy năm 2015 đánh dấu "bước ngoặt" làm nổi bật hợp tác ASEAN - Trung Quốc trên Biển Đông bằng ý tưởng Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã hy vọng kéo sự chú ý của dư luận khỏi những xung đột ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên truyền rằng xung đột ở Biển Đông chỉ là một mối quan tâm của 4 nước ASEAN có yêu sách, trong khi hợp tác có lợi nhiều hơn cho tất cả.
Tập trung vào các dự án tài trợ cũng sẽ cho phép Bắc Kinh lôi kéo được một số nước ASEAN với chiêu bài "hợp tác cùng thắng" nhằm che lấp những lo ngại về hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các khu vực (nước này nhảy vào) tranh chấp. Mục tiêu của Bắc Kinh không phải là thuyết phục tất cả các nước ASEAN đồng ý với điều này, mà chỉ cần làm cho cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á bất đồng trong việc làm thế nào giải quyết chuyện Biển Đông là đủ.
Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tuần này cho biết, Trung Quốc và ASEAN sẽ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế biển, kết nối hàng hải, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, an toàn an ninh, văn hóa và con người trên biển. Đây không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà nó là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm trì hoãn tiến trình đàm phán Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bằng cách đưa ra các hoạt động hợp tác mà họ cho là "phù hợp tinh thần DOC", trong khi ASEAN đang rất muốn thúc đẩy COC để phòng ngừa rủi ro, tính toán sai lầm trên Biển Đông.
Trung Quốc đang cố chứng minh cho các nước ASEAN thấy rằng chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là lợi ích của họ. Nhưng những ai đã từng theo dõi chặt chẽ các hành động của Trung Quốc sẽ thấy rằng, COC hoàn toàn vắng mặt trong các "ý tưởng" của lãnh đạo Trung Quốc ở Bác Ngao. Bắc Kinh cổ súy về những lợi ích kinh tế "có thể" có được trong chiến lược Con đường Tơ lụa mới trên biển thế kỷ 21 để ASEAN "quên đi" những lo ngại về hành vi leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông.