Giàn khoan Hải Dương 981 đã và đang xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Bloomberg News ngày 27/5 dẫn nguồn tin Công ty Dịch vụ dầu khí Trung Quốc (COSL), thành viên của Tập đoàn dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) và là đơn vị quản lý giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã dịch chuyển sang vị trí khác.
Giàn khoan 981 được chuyển vị trí để bắt đầu cái gọi là "giai đoạn 2" trong việc xâm phạm vùng biển Việt nam, tuy nhiên lần này COSL chưa thông báo chính thức vị trí, tọa độ và chi tiết cụ thể của cái gọi là "giai đoạn 2" này.
Giàn khoan Trung Quốc bắt đầu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam từ ngày 2/5 và dự kiến kết thúc vào ngày 5/8.
Giàn khoan 981 đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận về căng thẳng Việt - Trung trên Biển Đông, là hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, DOC cũng như thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước - PV.
Trong một động thái khác có liên quan, Kyodo News ngày 27/5 đưa tin, hôm nay Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trên Biển Đông sau khi tàu cá nước này đã hung hãn đâm chìm một tàu cá Việt Nam (đang đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV).
"Đó là một hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người dân. Điều quan trọng đối với các bên liên quan là kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng và xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng ngày cũng đưa ra bình luận, vụ việc đặt ra một vấn dề nghiêm trọng, chỉ vài ngày sau khi chiến đấu cơ Trung Quốc mang tên lửa áp sát bất thường máy bay quân sự Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Ông Onodera kêu gọi cần có một bộ quy tắc ứng xử đa phương để đảm bảo an toàn hàng không, nếu khó khăn trong việc xác định một khuôn khổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản.