Đa Chiều ngày 11/4 cho biết, Chính phủ Hàn Quốc hôm 8/4 thông báo, có 13 nhân viên nhà hàng của CHDCND Triều Tiên làm việc kiếm ngoại tệ cho chính phủ ở một quán ăn Triều Tiên mở tại Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc đã đào thoát tập thể và trốn thành công sang Hàn Quốc.
Ngày 11/4, Seoul lại công bố một Đại tá đặc nhiệm thuộc Tổng cục Trinh sát quân đội CHDCND Triều Tiên đã chạy sang phía Hàn Quốc. Nhân vật này được Đa Chiều cho là có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạch định chính sách của Bình Nhưỡng đối với Seoul, tương đương hàm Trung tướng trong các đơn vị tác chiến chủ lực.
13 nhân viên nhà hàng Bắc Triều Tiên mở tại Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc đã chạy sang Hàn Quốc, ảnh Reuters. |
Đại diện đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh đã kháng nghị với chính quyền nước sở tại về việc này hôm 10/4, theo tờ JoongAng Ilbo, Hàn Quốc ngày 11/4. Hôm qua 11/4 Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về vụ việc.
Ông Khảng cho rằng, những người này đang có giấy tờ tùy thân hợp pháp, hộ chiếu hợp pháp và nhập cảnh Trung Quốc hợp pháp, do đó họ không phải là công dân Triều Tiên nhập cảnh Trung Quốc bất hợp pháp. Có thể xem câu trả lời này là một phản ứng vỗ mặt Bình Nhưỡng từ phía Bắc Kinh, đặc biệt là ngày 11/4 chính là ngày kỷ niệm 4 năm ông Kim Jong-un lên nắm quyền.
Bởi lẽ lâu nay do yếu tố chính trị đặc biệt trong quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc không xem những công dân Triều Tiên chạy trốn khỏi đất nước qua ngả Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc là "người tị nạn", mà là đối tượng "di dân bất hợp pháp".
Trước năm 2012, bất chấp phản đối của Hàn Quốc và nhiều nước khác, những đối tượng đào thoát bị cảnh sát Trung Quốc bắt được thường bị cưỡng bức hồi hương.
Nhưng từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, quan hệ Trung - Triều ngày càng lạnh nhạt. Từ chỗ đồng minh, Trung Quốc dần đưa quan hệ với Triều Tiên trở về "quan hệ bình thường giữa 2 nước láng giềng". Thái độ và phản ứng của Bắc Kinh với công dân Triều Tiên đào thoát cũng đã khác trước.
Ngày 12/8/2014, cảnh sát vũ trang Trung Quốc bắt được 11 công dân Triều Tiên ở biên giới với Lào đang tìm cách đào thoát sang Hàn Quốc. Trái với thông lệ, Bắc Kinh không giao 11 người này cho Bình Nhưỡng như trước, mà công khai danh tính sau đó giao họ cho chính phủ Hàn Quốc.
Tuy nhiên về mặt ngoại giao, Trung Quốc vẫn bảo vệ CHDCND Triều Tiên trước các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc.
Tờ FNN News, Nhật Bản ngày 11/4 bình luận, đúng ngày kỷ niệm tròn 4 năm ông Kim Jong-un lên nắm quyền, ngày 15/4 tới đây lại là kỷ niệm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành mà để xảy ra sự kiện này có thể xem như một cuộc khủng hoảng, đả kích rất lớn đối với Bình Nhưỡng.
FNN News cảnh báo, với tính cách của ông Kim Jong-un thì nhà lãnh đạo Triều Tiên khó có thể chấp nhận điều này và dễ dẫn đến những "phản ứng quân sự khiêu khích", các nước Đông Bắc Á cần cẩn thận đề phòng.
JoongAng Ilbo, Hàn Quốc ngày 11/4 nhận định, công dân Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc thì nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ "đào thoát có tổ chức", mà thành phần lại là những "hạt giống ưu tú" của Bình Nhưỡng.
Bởi lẽ, để được ra nước ngoài làm việc kiếm ngoại tệ cho Chính phủ, họ đều là những người có "bản lĩnh vững vàng", lý lịch chính trị "trong sạch" và trải qua nhiều cửa thẩm định, xác minh tuyển chọn rất kỹ càng.
Ra nước ngoài rồi bản thân họ cũng bị kiểm soát chặt chẽ, đi chợ hay ra ngoài đều có vệ binh đi theo, ngay cả đi vào phòng vệ sinh cũng phải đi ít nhất 2 người một tổ để giám sát lẫn nhau.
Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý những công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài đều phải tổ chức "sinh hoạt tổng kết", phê bình và tự phê bình.
Lần này để xảy ra việc 13 người đào thoát tập thể từ Trung Quốc, theo JoongAng Ilbo không thể nói Bắc Kinh không biết. Nhưng ít nhất Trung Quốc đã ngầm cho phép và phối hợp, nếu không họ không bao giờ có thể ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc mà CHDCND Triều Tiên không biết.