Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, qua đó đạt nhiều kết quả đáng tự hào.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Ảnh: TK) |
Từ khi triển khai Nghị quyết 27 đến nay, quy mô đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam không ngừng được mở rộng.
Cụ thể, quy mô đào tạo bậc đại học tăng từ 11.857 sinh viên (tháng 12/2008) lên 13.962 sinh viên (tháng 6/2022).
Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ tăng từ 415 học viên (tháng 12/2008) lên 729 học viên (tháng 6/2022) và quy mô đào tạo bậc tiến sĩ tăng từ 17 nghiên cứu sinh (tháng 12/2008) lên 34 nghiên cứu sinh (tháng 6/2022).
Trường hiện đang đào tạo 08 chuyên ngành bậc tiến sĩ, 17 chuyên ngành bậc thạc sĩ, 47 chuyên ngành bậc đại học và 15 chuyên ngành bậc cao đẳng với quy mô hơn 15.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đang theo học.
Tuyển sinh đại học chính quy hàng năm duy trì ổn định ở mức trên 4.000 sinh viên/năm.
Số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín có sự tăng trưởng mạnh mẽ (từ chỉ có 44 công bố trong giai đoạn 2009-2013 lên 282 công bố trong giai đoạn 2019 - 2022).
Mức chi bình quân cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên hàng năm giữ ổn định ở mức từ 6-8% tổng chi của đơn vị.
Năm 2020, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được xếp hạng thứ 36 trong số 100 trường đại học đáng học nhất Việt Nam, xếp hạng thứ 21 về chỉ số năng lực nghiên cứu khoa học, xếp hạng thứ 5 về chỉ số nội lực nghiên cứu trong tổng số trên 300 cơ sở giáo dục đại học cả nước.
Hiện nay, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Với sứ mạng phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, nhà trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế.
Đội ngũ trí thức đã góp phần to lớn nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: TK) |
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện nay được tổ chức theo mô hình trường đại học công lập, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Tổng số các đơn vị (khoa, viện, trung tâm, phòng, ban chức năng,…) thuộc và trực thuộc trường là 47 đơn vị.
Tính đến tháng 6/2022, tổng số cán bộ, viên chức, nhà giáo, người lao động toàn trường là 893 người (trong đó có 50 giáo sư, phó giáo sư; 210 tiến sĩ và 520 thạc sĩ).
Số lượng viên chức là 792 người và số lượng giảng viên là 623 người. Số lượng viên chức quản lý là 92 người, trong đó lãnh đạo trường là 5 người; trưởng, phó các đơn vị thuộc, trực thuộc trường là 87 người.
Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 được thành lập trên cơ sở các quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi (34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP gồm 19 thành viên trong đó có 4 thành viên đương nhiên, 1 thành viên đại diện cơ quan quản lý, 5 thành viên ngoài trường, 5 thành viên đại diện giảng viên và 4 thành viên đại diện viên chức, người lao động.
Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng và chất, từ quy mô 585 người (tháng 12/2008) lên 623 người (tháng 6/2022).
Trong đó, số lượng giáo sư/phó giáo sư từ 12 người (tháng 12/2008) tăng lên 50 người (tháng 6/2022); số lượng tiến sĩ từ 51 người (tháng 12/2008) tăng lên 156 người; số lượng thạc sĩ từ 278 người (tháng 12/2008) tăng lên 387 người (tháng 6/2022).
Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, từ năm 2008 cho tới nay, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã cử 299 lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ, 371 lượt đi đào tạo trình độ thạc sĩ và 2.352 lượt đi bồi dưỡng/thực tập ngắn hạn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (bao gồm cả viên chức đang giữ chức vụ và viên chức dự nguồn, trong quy hoạch) luôn được nhà trường quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đã quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp trường và ở cấp các đơn vị thuộc/trực thuộc trường.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ viên chức đang giữ chức vụ và dự nguồn quy hoạch.
Hàng năm, các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong toàn trường đều quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ, cử cán bộ, viên chức, đặc biệt là cán bộ, viên chức trong diện quy hoạch đi học tập nâng cao trình độ.
Từ khi triển khai Nghị quyết 27 đến nay, quy mô đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam không ngừng được mở rộng. (Ảnh: TK) |
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, mặc dù nhà trường thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo trường, cấp ủy các cấp, các đơn vị trong toàn trường luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức.
Cùng với sự phát triển của nhà trường, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức ngày càng được nâng lên.
Sự trưởng thành của đội ngũ trí thức nhà trường đã góp phần to lớn vào những thành tựu phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, qua đó tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế của trường trong những năm vừa qua.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương kiến nghị, thời gian tới các cấp bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, đồng bộ cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học công lập nói riêng nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi đơn vị.
Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học trong đó chú trọng đến các lĩnh vực mũi nhọn ưu tiên phát triển.