Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm

17/12/2024 15:21
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa có văn bản đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, vừa qua Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có công văn đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thành lập Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sư phạm.

Theo đề xuất, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sư phạm có địa điểm nằm trong khuôn viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tại phường Xuân Hoà, thành phố Phúc Yên); là trường tự chủ về tài chính – một mô hình mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trường bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2025-2026 với quy mô 440 học sinh gồm 2 lớp 6; 7 lớp 10 và 1 lớp 11.

Với đề xuất này, tỉnh Vĩnh Phúc không cần đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ, bởi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ tận dụng, phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất tại chỗ và đội ngũ hiện có.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Nội dung đề xuất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho biết, hiện tại, nhà trường có đội ngũ đông đảo giảng viên trình độ cao, đã tham gia xây dựng chính sách giáo dục quốc gia, chủ biên sách giáo khoa các cấp học, bồi dưỡng phát triển chương trình giáo dục cho giáo viên cốt cán của nhiều địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; cơ sở vật chất hiện đại (giảng đường, phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, công nghệ vật lý, hoá học…)”.

“Mô hình học tập mới, hiện đại, chất lượng cao sẽ mang lại nhiều nét mới cho hệ thống giáo dục Vĩnh Phúc ngoài các mô hình trường chuyên, lớp chọn đã tồn tại từ trước; góp phần cùng giáo dục phổ thông Vĩnh Phúc nhanh chóng hội nhập khu vực và quốc tế; góp phần giải quyết được bài toán tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao…”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh trong công văn.

Cũng theo phân tích của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, việc đào tạo bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong trường là một trong những hướng đi quan trọng trong việc tạo một cơ sở thực hành sư phạm, là nơi triển khai và ứng dụng các thành tựu mới về nghiên cứu khoa học giáo dục. Mặt khác, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sư phạm (nếu được thành lập) cũng là nguồn đầu vào chất lượng cao cho đào tạo bậc đại học.

Do vậy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cam kết chủ trương đầu tư thỏa đáng việc phát triển trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trong giai đoạn sắp tới.

Dự kiến, quy mô tuyển sinh khối trung học phổ thông của trường sẽ lên đến gần 1.000 học sinh tính đến năm học 2027-2028; khối trung học phổ thông sẽ đạt trên 300 học sinh đến năm học 2028-2029.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đánh giá, việc đề xuất thành lập Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sư phạm diễn ra đúng thời điểm ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc đang tập trung tham mưu với tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng thiếu/quá tải trường lớp; giảm bớt áp lực thi cử, tăng tỷ lệ học sinh được vào học trung học phổ thông công lập sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở; vấn đề thiếu đội ngũ, cơ sở vật chất trường học nhiều nơi xuống cấp, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu duy trì, giữ vững vị trí chất lượng giáo dục, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các mục tiêu của Đề án Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, thông tin với đại biểu, cử tri tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho hay, thời gian tới trên địa bàn tỉnh này sẽ có thêm 1 trường trung học phổ thông tại huyện Vĩnh Tường và 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại huyện Tam Đảo; thu hút các trường ngoài công lập là hệ thống giáo dục FPT với Tổ hợp giáo dục gồm các cấp học giáo dục phổ thông; cải tạo, sửa chữa, xây mới các phòng học của các trường phổ thông hiện có để tăng quy mô lớp học và điều kiện học tập cho học sinh.

Doãn Nhàn