Du lịch vốn được đánh đánh giá là một ngành kinh tế phát triển nhanh chóng, một trong những ngành mũi nhọn góp phần không nhỏ vào GDP của nước ta.
Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng này. Mới đây, trong Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam diễn ra vào ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số trong phát triển du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch chủ trì thực hiện.
Hơn nữa, theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google tổng hợp dữ liệu trên toàn cầu từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6 năm 2023 cho thấy lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở mức 10%-25%, xếp vị trí thứ 7 thế giới.
Chính vì vậy, đòi hỏi có đội ngũ về du lịch điện tử (du lịch trực tuyến) để đáp ứng nhu cầu thay đổi và phát triển không ngừng của ngành du lịch hiện nay. Trường Du lịch (Đại học Huế) là đơn vị duy nhất ở nước ta đang đào tạo ngành học du lịch điện tử này.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Hòa – Phụ trách Khoa quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông – Trường Du lịch (Đại học Huế) bày tỏ, du lịch điện tử là ngành học kết hợp giữa công nghệ thông tin và du lịch.
Do đó, ngành học này đào tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh hiện tại, đây là ngành học đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của nước ta.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế). |
Theo thầy Lê Văn Hòa, ngành du lịch điện tử có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe tốt; có kiến thức, khả năng nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kinh doanh điện tử trong du lịch, có năng lực sáng tạo, ứng dụng thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu công việc của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và hội nhập quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành học này với năng lực chuyên môn và năng lực công tác tốt có thể đảm nhiệm các vị trí khác nhau liên quan đến hoạt động phục vụ, kinh doanh, quản lý trong các doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, các công ty sự kiện hay các lĩnh vực thương mại liên quan đến công nghệ như marketing số, giao dịch thương mại điện tử, quản trị OTA (online travel agencies),... Đặc biệt, qua khảo sát từ một số sinh viên tốt nghiệp, mức lương của ngành du lịch điện tử cũng cao hơn trung bình chung của ngành du lịch.
Thông tin thêm, thầy Lê Văn Hòa cho hay, đây là ngành này được xem là điểm nhấn trong hoạt động đào tạo du lịch của nhà trường, sinh viên được đào tạo ngành này có thể am hiểu cả 2 lĩnh vực đang rất hot hiện tại là du lịch và công nghệ. Do đó, cơ hội cho người học sau khi tốt nghiệp có được việc làm trong cả lĩnh vực du lịch và công nghệ là rất lớn và mức thu nhập khá cao đối với các ngành như thế này.
Cũng theo thầy Lê Văn Hòa, ngành du lịch điện tử không nặng quá nhiều vào công nghệ mà chủ yếu ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh du lịch. Do đó, sinh viên theo học ngành này không đòi hỏi nhiều tố chất về toán, lý, hóa,..mà chủ yếu là người học cần có sự đam mê về lĩnh vực công nghệ và du lịch là đã có thể theo học tốt ngành này.
Về công tác đào tạo, thầy Hòa cho biết thêm, hiện tại đội ngũ cán bộ của ngành, cơ sở thực tập,... của khoa nhìn chung khá tốt bởi có nhiều giảng viên có trình độ cao về lĩnh vực du lịch và công nghệ tham gia giảng dạy (khoa hiện có 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh và 15 giảng viên có trình độ thạc sĩ trực tiếp tham gia giảng dạy ngành du lịch điện tử). Ngoài ra, có rất nhiều cán bộ có trình độ cao từ các khoa khác trong Trường Du lịch – Đại học Huế cũng tham gia vào công tác giảng dạy.
Tuy nhiên, về công tác tuyển sinh, do du lịch điện tử là một ngành học mới nên nhiều sinh viên và phụ huynh vẫn có thói quen lựa chọn các ngành truyền thống hơn, chính vì vậy, tình hình tuyển sinh những năm gần đây chưa đáp ứng được kỳ vọng mà khoa đề ra.
Cụ thể, ngành du lịch điện tử được tuyển sinh năm đầu tiên là 2019 với 35 sinh viên, các năm còn lại con số này có dao động từ 15 đến 20 sinh viên. Do đó, khoa cũng như nhà trường luôn nổ lực quảng bá ngành học này nhiều hơn đến với người học và phụ huynh.
Hơn nữa, do là ngành học mới nên khoa cũng như trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích cho sinh viên hiểu rõ bản chất của ngành học cũng như cơ hội việc làm đối với ngành này. Và đối với các ngành học kết hợp như ngành du lịch điện tử chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quảng bá cho người học hiểu và chấp nhận.
Chính vì vậy, để thu hút được để tiếp cận hơn với đông đảo số lượng người học, từ năm 2023, khoa đã mở 2 chuyên ngành mới là kinh doanh số và marketing số trong ngành du lịch điện tử để giúp người học có nhiều lựa chọn về ngành nghề. Mọi nguồn lực của nhà trường và khoa đều đang đảm bảo đào tạo tốt ngành học này nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Để người học có những lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, thầy Hòa mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho những du lịch điện tử cả về những ưu đãi, hỗ trợ mức học phí cũng như xây dựng nhiều talk show quảng bá rộng rãi hơn về ngành nghề đến công chúng.