Du lịch là một trong những ngành có tiềm năng phát triển mạnh ở nước ta. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch. Đây được xem là ngành “công nghiệp không khói” giàu tiềm năng nhất trong xu hướng toàn cầu hoá.
Chính vì sự dẫn đầu trong xu hướng nên đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên.
Điểm khác biệt khi học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại VHU
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Hậu – Trưởng khoa, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến cho biết, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một trong những ngành ra đời sớm, đồng hành cùng quá trình phát triển của Trường Đại học Văn Hiến.
Chương trình đào tạo của trường từ lâu được biết đến là chương trình mang tính ứng dụng cao vì kết hợp học tập lý thuyết, nội dung môn học bám sát việc làm tại doanh nghiệp cùng các chuyến đi kiến tập, thực tập tại các địa phương và tại doanh nghiệp lữ hành, giúp sinh viên được áp dụng kiến thức đã học để vận dụng thực tế hiệu quả.
Chương trình ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Văn Hiến đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chương trình tiên tiến trên thế giới: Western Sydney University – Úc, Vancouver Island University – Canada, Lincoln University (New Zealand),…. Các học phần được thiết kế có hệ thống, tính thực tế cao dựa trên nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy là người có nhiều năm kinh nghiệm làm nhiều vị trí tại doanh nghiệp lữ hành. Nhà trường, khoa luôn duy trì sự cộng tác và hỗ trợ từ đội ngũ cựu sinh viên ngành du lịch đã thành công, đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp để làm cầu nối tiếp nhận, huấn luyện, đào tạo các thế hệ sinh viên du lịch.
Để tạo sân chơi học thuật trong quá trình học tập tại trường, câu lạc bộ Lữ hành của khoa giữ vai trò thực hiện các chương trình chia sẻ chuyên đề, tập huấn, talkshow định kỳ hiệu quả giúp sinh viên được học tập, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn.
“Kết quả qua quá trình đào tạo từ trước đến nay, gần như 100% sinh viên trước và sau khi ra trường đều có kinh nghiệm thực tập và đảm trách nhiều vị trí việc làm tại các doanh nghiệp du lịch lữ hành”, thầy Hậu chia sẻ.
Cũng theo thầy Hậu, để học tập và thành công trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, người học cần có những tố chất sau: Phải biết yêu nghề qua việc yêu thích sự dịch chuyển, thích khám phá những điều mới, biết chăm lo cho sức khoẻ bản thân, luôn muốn học hỏi và tìm tòi các kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý sâu rộng.
Bản thân người học có sự năng động, vui vẻ, linh hoạt, phong cách tự tin, giao tiếp tốt. Hiện nay, việc sử dụng được từ một hay hai ngoại ngữ trở lên là lợi thế cho công việc của ngành này.
Chia sẻ về những thách thức trong đào tạo ngành này, thầy Hậu cho biết, sinh viên còn nhiều hạn chế khi sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp học tập và làm việc. Vì thế, trong thời gian tới, nhà trường sẽ có kế hoạch cải thiện và nâng cao hơn trong công tác đào tạo, giảng dạy và tổ chức chương trình học tập ngoại ngữ hiệu quả giúp sinh viên tự tin và ứng dụng ngoại ngữ chất lượng hơn.
Đồng thời, trong công tác đào tạo cần hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc trong các môi trường quốc tế, sử dụng kỹ năng ngoại ngữ thành thạo, ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại vào môi trường làm việc là một mục tiêu quan trọng.
Du lịch trong tương lai vẫn là một ngành “hot”, hấp dẫn, luôn có nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ. Nhiều thế hệ sinh viên du lịch Trường Đại học Văn Hiến đã cố gắng và đã thành công. Các bạn sinh viên hãy luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân mình để mạnh dạn phấn đấu, thực hiện ước mơ, đam mê và mục tiêu cuộc đời mình, hãy luôn chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình.
Nếu các em đã xác định theo đuổi về ngành học này thì các em hãy tranh thủ rèn nghề mọi lúc mọi nơi, không phải những chuyến phượt xuyên biên giới, không phải những cuộc "chinh chiến" đến những miền đất xa xôi mới là du lịch. Các em hoàn toàn có thể tập các kĩ năng của một người hướng dẫn viên, hay quản trị lữ hành qua những chuyến đi ngẫu hứng với bạn bè: Về quê, tham quan cùng lớp… như vậy sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Hậu, Trưởng khoa, Khoa Du lịch-
Đa dạng vị trí việc làm
Chia sẻ về những cơ hội việc làm cho sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Hậu cho biết, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm các vị trí tại doanh nghiệp lữ hành như: Nhân viên kinh doanh khách lẻ, khách đoàn; Điều hành tour quốc tế, nội địa; Nhân viên phòng vé máy bay, hộ chiếu; Hướng dẫn viên du lịch;...
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm điều hành hay quản lý dịch vụ phương tiện vận chuyển khách du lịch; Chuyên viên tại các sở, ban ngành du lịch.
Các em cũng có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp hoặc tự tin khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp.
Các đơn vị doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành nội địa và quốc tế luôn có sự đồng hành cùng trường, khoa, gắn kết chặt chẽ trong công tác tiếp nhận và huấn luyện sinh viên.
Hiện nay Khoa du lịch đã ký kết hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp lữ hành uy tín. Nhiều sinh viên du lịch Văn Hiến tốt nghiệp và đảm nhiệm nhiều vị trí, vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp lữ hành, sau đó quay về tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho nhà trường.
Đồng thời, các môn học, những buổi báo cáo chuyên đề, talkshow, các cuộc thi học thuật luôn có sự hiện diện của khách mời, diễn giả từ các doanh nghiệp đón nhận nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên.
Bên cạnh đó, việc thực tập tại doanh nghiệp là cơ hội cho sinh viên trải nghiệm ngành nghề thực tế, đảm bảo sự chuẩn bị thật hiệu quả trước khi tốt nghiệp và làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều sinh viên có thái độ học tập, làm việc tốt được doanh nghiệp nhận làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Nhà trường luôn chú trọng việc kết nối với doanh nghiệp để sinh viên có sự trải nghiệm thực tế ngành nghề, để khi ra trường có đầy đủ kiến thức chuyên môn nền tảng.
Bạn Lê Thị Cẩm Tiên, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ, lựa chọn học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vì bản thân có niềm yêu thích tìm hiểu về văn hóa, con người, lịch sử và địa lý của các quốc gia và vùng miền.
“Sau 02 năm được học tập và đào tạo tại Trường Đại học Văn Hiến, từ năm đầu tiên mình đã được học học phần trải nghiệm ngành nghề thực tế trên đường tour, giúp mình tiếp xúc sớm với ngành nghề và hiểu được nhiều hơn về ngành nghề mà mình đã chọn.
Trong chương trình học, được thầy/cô truyền đạt những kiến thức văn hóa, lịch sử của từng vùng miền mà trước giờ mình chưa được biết đến, mình cảm thấy rất thú vị, điều đó cũng giúp mình tự tin trong giao tiếp hơn và mình quyết tâm phải cố gắng trở thành một hướng dẫn viên tài ba trong tương lai vì mình tin mình đang lựa chọn đúng ngành phù hợp”, Tiên chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Tiên cho biết, việc tham gia các buổi học trên giảng đường là một trong những điều vô cùng quan trọng đối với các bạn sinh viên khóa mới, đây sẽ là cơ hội để các bạn tiếp thu những kiến thức nền tảng trong quá trình học và làm nghề.
Bên cạnh đó, nên tham gia các hoạt động thực tập tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các công ty du lịch để áp dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và địa lý của các quốc gia và vùng miền để phục vụ cho việc học tập trên lớp và áp dụng vào công việc hướng dẫn, tổ chức tour.
Bạn Hồ Tuyết Ngân, sinh viên năm 3 ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ, trong quá trình học, sinh viên được cọ xác thực tế với nghề ngay từ khi còn học năm nhất. Trong suốt quá trình học tập còn có các tour thực tập, kiến tập thực tế như Miền Tây, Miền Trung, Xuyên Việt,...
"Khi tham gia học tập ngành Du lịch, các bạn tân sinh viên phải chuẩn bị tâm lý học tập chủ động, thầy cô chỉ giúp chúng ta có nền tảng tốt, bản thân mỗi người phải cần chủ động nhiều hơn trong việc tìm tòi học hỏi thêm cho mình nhiều kiến thức mới, hỗ trợ cho quá trình học tập và làm việc của mình sau này. Rèn luyện cho mình thêm các kỹ năng mềm như thuyết trình, tự tin trước đám đông, đặc biệt là ngoại ngữ", Ngân chia sẻ.