Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được đơn phản ánh của các phụ huynh trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM về tình trạng lãng phí, chuyên quyền trong cách điều hành của Ban Giám hiệu nhà trường, mà đứng đầu là cô Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi.
Cụ thể, phụ huynh nêu, trong năm học 2014 – 2015, lợi dụng việc quỹ của hội phụ huynh học sinh còn tồn lại hơn 54 triệu đồng, nên Ban Giám hiệu trường Nguyễn Hữu Tiến đã tự tiện dùng số tiền này để mua sắm, gắn camera trong trường.
Việc làm này của lãnh đạo nhà trường hoàn toàn không hỏi ý kiến phụ huynh ở các lớp. Phụ huynh hỏi giáo viên chủ nhiệm ở các lớp, nhưng cũng không ai nắm được việc này. Đến cả giáo viên, nhân viên của trường cũng không được hỏi ý kiến.
Phụ huynh có ý kiến rằng: Năm ngoái, phụ huynh đã phải đóng tiền để mua quạt gắn ở một số lớp học cho học sinh. Năm nay, trường Nguyễn Hữu Tiến có gắn quạt mới cho một số phòng học, một số phòng khác thì lấy quạt cũ mua từ năm ngoái gắn lên cho các lớp, nay nó đã cũ nên không thể quay được.
Học sinh xuống báo với Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất – thầy Dương Năm, nhưng từ khi nhập học (tháng 8/2015) cho tới nay nhưng vẫn chưa được sửa chữa, mà cũng không mua quạt mới gắn ở các phòng.
Báo cáo thu chi, tồn quỹ hội phụ huynh trường Nguyễn Hữu Tiến năm học 2014 - 2015 (ảnh: CTV) |
Chính vì vậy, phụ huynh trường Nguyễn Hữu Tiến đặt vấn đề: Tại sao lãnh đạo trường dùng tiền của phụ huynh, nhưng lại không cho chính phụ huynh được biết?
“Trong khi đó, Ban Giám hiệu lại tự tiện lấy tiền mồ hôi của chúng tôi đi mua camera không cần thiết. Con của chúng tôi hoàn toàn không có nhu cầu. Nhu cầu cấp thiết của con chúng tôi là quạt máy cho tử tế, cho mát mẻ để học cho tốt, chứ hoàn toàn không cần camera vô ích.
Chúng tôi rất bức xúc khi tiền lao động cực khổ của chúng tôi đóng góp, đã không được sử dụng đúng mục đích là phục vụ nhu cầu học tập thiết yếu của các học sinh” – một phụ huynh bức xúc nhấn mạnh.
Việc gắn thêm vài cái quạt ở các phòng học trị giá chỉ vài trăm ngàn, nhưng Ban giám hiệu không thèm quan tâm, thầy Dương Năm – Hiệu phó nói không có kinh phí, nhưng lại đi lấy hơn 54 triệu đồng tiền tồn quỹ hội phụ huynh trường năm học trước đi mua camera, như vậy có cần thiết hay không?
Song song đó, nhiều phụ huynh của trường Nguyễn Hữu Tiến còn thắc mắc, việc lãnh đạo trường dùng tiền quỹ hội phụ huynh học sinh để đưa cán bộ lớp – cán bộ Đoàn đi tập huấn tại Phan Thiết hết hơn 9,8 triệu đồng, bồi dưỡng giữ xe tại các cuộc họp cha mẹ học sinh, văn phòng phẩm, hỗ trợ công tác tài chính hơn 16 triệu đồng…là quá phí phạm, không cần thiết và hoàn toàn không có giấy tờ chứng minh.
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nạt phóng viên
Tối ngày 2/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, bà Lê Thị Ánh Hồng – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường Nguyễn Hữu Tiến khẳng định, việc mua sắm camera tại trường là có thật, và đã thông qua phụ huynh.
Khi phóng viên truy ai là người đứng ra ký hợp đồng mua camera, thì bà Hồng nói chính mình là người đứng ra làm việc này. Với giọng nói vô cùng tức tối, bà Hồng yêu cầu chúng tôi phải công khai tên phụ huynh và lớp học ở trường, nhưng vì lý do bảo mật, chúng tôi đã từ chối, thì bà Hồng quay ngược sang truy hỏi tên của phóng viên.
Trả lời tên của mình, đơn vị công tác xong, bà Hồng lại đòi phải cung cấp rõ cả họ và tên. Bị chúng tôi từ chối việc này, bà Hồng liền cúp máy.
Còn ông Đặng Văn Ân – Phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường Nguyễn Hữu Tiến xác nhận, việc mua camera này đã có thông báo cho lãnh đạo Chi hội phụ huynh học sinh các lớp.
Theo ông Ân, vì là tiền của phụ huynh, nên khi mua sắm gì, phải thông báo cho phụ huynh được biết. Theo ông Ân, người trực tiếp đứng ra ký hợp đồng để mua là bà Hồng – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, còn với vai trò là Phó trưởng ban, ông Ân không nắm được nhiều thông tin.
Nhiều giáo viên chủ nhiệm tại trường Nguyễn Hữu Tiến khi gặp chúng tôi đều khẳng định: Việc mua sắm camera này, lãnh đạo trường đang làm theo một quy trình ngược.
Có nghĩa là các giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh nhà trường chỉ được biết thông tin lắp camera khi tất cả sự việc đàm phán, mua sắm đã hoàn tất, chỉ còn chờ lắp ráp .
Tại đại hội cán bộ công chức mới nhất của trường, các giáo viên đề nghị lãnh đạo nhà trường phải công bố các thông tin chi tiết về việc mua sắm này cho phụ huynh được biết, mà cụ thể là tại cuộc họp phụ huynh trong dịp cuối học kỳ 1, nhưng cũng không thấy lãnh đạo trường phản hồi.
Mập mờ, né tránh phóng viên
Nhằm có những thông tin đa chiều, khách quan hơn, chiều ngày thứ 6 (30/10) vừa qua, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trường Nguyễn Hữu Tiến, xin gặp Ban Giám hiệu nhà trường để làm việc xung quanh các thắc mắc của phụ huynh.
Học sinh trường Nguyễn Hữu Tiến trong giờ học thể dục trên sân trường (ảnh: P.L) |
Tuy nhiên, bảo vệ nhà trường thông báo: Cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng đang theo đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đi làm việc ở phía Bắc.
Người trực lãnh đạo trường hôm đó là thầy Dương Năm – Hiệu phó từ chối làm việc với chúng tôi. Lý do được đưa ra là do cô Hiệu trưởng đi công tác, ủy quyền giải quyết công việc của trường cho cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Hiệu phó.
Khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại với cô Hạnh, đề nghị sắp xếp cuộc làm việc, thì cũng bị từ chối, vì mọi sự việc đều do cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng nắm, nên không biết gì chi tiết mà trả lời.
Từ việc hàng loạt lãnh đạo trường Nguyễn Hữu Tiến đã từ chối tiếp phóng viên, né tránh giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, không khỏi khiến cho mọi người đặt vấn đề: Liệu có điều gì mập mờ, khuất tất đứng đằng sau việc mua sắm camera cho trường, mà việc mua sắm này lại dùng chính tiền của phụ huynh?