Ts Trần Công Trục: Tại sao Thủ tướng Hun Sen nói "không sợ Việt Nam"?

17/08/2015 14:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam chúng ta cũng không có nhu cầu ép Campuchia hay Thủ tướng Hun Sen phải "sợ" mình, phải chịu sự "điều khiển" vô lý của mình như một số cường quyền...

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 15/8 đưa tin, đầu tuần trước khi tham dự lễ khánh thành cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia hay còn gọi là cầu Takhmao ở tỉnh Kandal, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng ông không sợ bất kỳ ai, kể cả Việt Nam. Người đứng đầu chính phủ Campuchia còn nói, Phnom Penh sẵn sàng kiện Việt Nam ra Tòa án Công lý Quốc tế cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu Việt Nam vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Ông Hun Sen nói thêm rằng, mặc dù bị phe đối lập vu cáo ông là "con rối" của Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh mình "không sợ". Đài VOA lưu ý, lâu nay phe đối lập Campuchia CNRP vẫn sử dụng "con bài biên giới" để làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Hun Sen, nhưng ông luôn bác bỏ những điều (vu cáo) này.

Bình luận về thông tin trên, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

"Nếu căn cứ vào những câu chữ được cho là ông Hun Sen đã phát biểu thì không có gì đáng phê phán cả. Bởi vì nếu Việt Nam xâm phạm lãnh thổ của Campuchia hoặc vi phạm những thỏa thuận đã ký với Campuchia đang có hiệu lực thì họ hoàn toàn có thể kiện ra tòa. Đó là điều đương nhiên.

Người Việt Nam chúng ta cũng không có nhu cầu ép Campuchia hay Thủ tướng Hun Sen phải "sợ" mình, phải chịu sự "điều khiển" vô lý của mình như một số cường quyền nước lớn vẫn hành xử. Tất nhiên, cách phát biểu của Thủ tướng Campuchia trong tình huống đó có thể khiến người ta có sự hiểu lầm, thậm chí cho rằng ông ấy có biểu hiện "xem thường" Việt Nam hay quay sang ve vãn, lấy lòng Trung Quốc...

Cũng cần chia sẻ với Hun Sen một thực tế là phe đối lập CNRP đã liên tục sử dụng chiêu bài xuyên tạc, chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia để bôi nhọ ông. Lực lượng này đã lợi dụng tình cảm thiêng liêng với chủ quyền quốc gia dân tộc cũng như sự thiếu thông tin, kiến thức, hiểu biết của một bộ phận người dân Campuchia chân chất về công tác phân giới, cắm mốc để vu cáo, chống phá chính phủ Campuchia và cá nhân Thủ tướng.

Hoạt động phân định biên giới vốn cực kỳ phức tạp, đòi hỏi khách quan, khoa học và thiện chí nỗ lực rất lớn từ hai phía lại đang bị CNRP bóp méo để kích động, bôi nhọ danh dự cá nhân ông Hun Sen và đảng CPP cầm quyền.

Trong lúc người dân thiếu thông tin, CNRP hàng ngày ra rả tuyên truyền nhồi nhét những luận điệu xuyên tạc, thậm chí làm giả cả các văn bản pháp lý về biên giới lãnh thổ giữa 2 nước để tung lên mạng hòng đầu độc dư luận kết hợp với việc khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ trong xã hội Campuchia, phe đối lập cài vào những luận điệu xuyên tạc rằng ông Hun Sen là "tay sai của Việt Nam"!?

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trước sự hiểu biết mù mờ của dư luận về biên giới lãnh thổ, CNRP đã vu cáo Hun Sen nhân nhượng vô nguyên tắc, không dám chống lại việc lãnh thổ bị "xâm lấn" khiến ông Thủ tướng Campuchia buộc phải lên tiếng như vậy để thanh minh, khẳng định sự trong sáng của mình nhằm tranh thủ cử tri trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực ở Campuchia.

Nếu Việt Nam sai hay có hành vi "xâm phạm lãnh thổ Campuchia" thì Việt Nam sẵn sàng đối mặt với mọi phương thức mà Campuchia áp dụng theo đúng thủ tục pháp lý hiện thời. Thậm chí chúng ta còn khuyến khích những việc làm hợp pháp để bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của họ. Đó cũng là việc Việt Nam đang làm trong quá trình nghiên cứu để áp dụng nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm trên Biển Đông.

Mặt khác, ông Hun Sen nói những điều này khi đi cắt băng khánh thành cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia rất dễ có thể khiến người ta nghĩ rằng đây là một trong những hệ quả của việc "bên thứ 3" mà ai cũng biết đã và đang dùng tiền mua chuộc, chia rẽ các nước trong khu vực nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông. Thậm chí uy tín của Thủ tướng Hun Sen có thể bị tổn hại nếu để dư luận nghĩ rằng đây là một thủ đoạn ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Có điều, như tôi đã từng có vài lời nhắn gửi Thủ tướng Hun Sen, chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một con dao hai lưỡi. Nó có thể đẩy người Campuchia vào chỗ tàn sát lẫn nhau vì những mục đích, động cơ chính trị đen tối và nguy hiểm.

Để chống lại thủ đoạn này của phe đối lập, thiết nghĩ chính phủ Campuchia cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến các thông tin, kiến thức, trình tự pháp lý, thủ tục đàm phán, phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia để cho dư luận xã hội hiểu rõ và chia sẻ với chính phủ, củng cố vững chắc các thành quả đã đạt được như ông đã và đang làm hiện nay.

Chỉ cần manh nha ý tưởng lợi dụng "con dao hai lưỡi" này để chống lại đối thủ và tìm kiếm phiếu bầu, có thể đẩy đất nước chùa tháp vào một thảm họa mới.

Theo tường thuật của tờ South China Morning Post thì chính ông Hun Sen đã phát biểu tại Phnom Penh hôm 14/8 về hành động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia của thượng nghị sĩ đối lập Hong Sokhour rằng: Đây là một tội ác với động cơ mưu phản. Nếu một cuộc nổi loạn chống lại Việt Nam xảy ra vì những luận điệu xuyên tạc này và gây ra một cuộc chiến tranh với nước láng giềng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?"

Hồng Thủy