Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Ảnh minh họa: TD. |
Đối tượng áp dụng gồm
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Cơ quan báo chí, nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản; Cơ quan nhà nước; Tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của pháp luật; Tổ chức nước ngoài, văn phòng thường trú của cơ quan báo chí nước ngoài, văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam; Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật tham gia hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm:
Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in.
Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam.
Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.
Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
Buộc cải chính, xin lỗi
Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.
Buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; buộc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, ứng dụng phát thanh truyền hình trên mạng; buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thực hiện đăng, phát lại nội dung cải chính, xin lỗi; Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Buộc xin lỗi công khai; Buộc thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định của pháp luật.
Buộc nộp lưu chiểu sản phẩm báo chí đúng địa điểm, số lượng; Buộc nộp lưu chiểu hoặc nộp xuất bản phẩm cho Thư viện quốc gia Việt Nam theo quy định; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên; Buộc tái xuất xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hoặc là tài sản của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng.
Buộc tái xuất đối với báo in, tạp chí in mà không đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu; Buộc tiêu thụ sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật.
Buộc gỡ bỏ tin, bài trên báo điện tử, tạp chí điện tử, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; buộc gỡ bỏ tin, bài đăng tải không đúng nội dung thông tin ghi trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Buộc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet (IP).
Các nhà Báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: TD. |
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
Phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản
Về mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Tăng mức phạt đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, các hành vi: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi tương tự chỉ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Như vậy, mức phạt theo quy định mới đã tăng gấp đôi so với quy định hiện nay.
Ngoài ra, hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí cũng có cùng mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Riêng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi thì mức phạt theo quy định mới tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tăng hơn nhiều so với mức phạt hiện nay là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Những hành vi vi phạm khác, như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp; nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác;… có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt lên đến 60 triệu đồng
Đối với người có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt khác nhau cho từng loại hành vi. Cụ thể:
- Cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ảnh minh họa: TD. |
Đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực bị phạt đến 100 triệu đồng
Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Hành vi đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực hoặc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hành vi này hiện nay được áp dụng mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, những cơ quan, tổ chức có hành vi nêu trên còn bị tịch thu tang vật, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 - 12 tháng.
Đồng thời, áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.
Không chỉ vậy, Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt hành chính đáng chú ý khác như:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó;…
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam;…
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng: Miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang xã hội;…
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy;…
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng: Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; đăng, phát thông tin xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;…
Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành xuất bản phẩm điện tử Điều 31 quy định
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : Xuất bản điện tử hoặc phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không đảm bảo đủ năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành, quản lý quá trình xuất bản điện tử.
Không có biện pháp kỹ thuật theo quy định để ngăn chặn sao chép, can thiệp trái pháp luật vào nội dung xuất bản phẩm điện tử;Xuất bản điện tử hoặc phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet không có tên miền Internet Việt Nam.
Phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không có văn bản hợp pháp chứng minh đã được tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chấp thuận đối với từng tên xuất bản phẩm.
Không thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phát hành xuất bản phẩm điện tử không đúng nội dung bản thảo hoàn chỉnh đã được duyệt hoặc cấp giấy phép xuất bản đối với từng tên xuất bản phẩm.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử kèm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ gây mất an toàn, an ninh thông tin đối với phương tiện điện tử; Bổ sung thông tin mà người sử dụng xuất bản phẩm điện tử không yêu cầu, trừ các thông tin được phép theo quy định của pháp luật hoặc có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Can thiệp trái phép vào nội dung, hình thức của xuất bản phẩm điện tử để làm sai lệch nội dung hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật đối với từng tên xuất bản phẩm.
Không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc dừng xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử hoặc loại bỏ, ngăn chặn người sử dụng tiếp cận một phần nội dung hoặc toàn bộ xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật; Phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Phát hành trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm đã có quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi, cấm lưu hành, tiêu hủy đối với từng tên xuất bản phẩm;Thực hiện xuất bản điện tử nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động bằng văn bản.
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động phát hành điện tử từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 1; các điểm b, d và đ khoản 2; khoản 3 Điều này.
Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ảnh minh họa: TD. |
Nghiêm cấm hành vi để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành
Theo Điều 23 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, người nào để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây cũng là mức phạt đối với hành vi xuất bản xuất bản phẩm không đúng với nội dung xác nhận đăng ký xuất bản về tên xuất bản phẩm, tên tác giả, tên dịch giả (nếu có), thể loại, ngữ xuất bản, đối tác liên kết đối với từng xuất bản phẩm.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về nội dung xuất bản phẩm khác như: Xuất bản xuất bản phẩm có nội dung dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Xuất bản xuất bản phẩm có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; phương hại đến lợi ích quốc gia; gây mất đoàn kết dân tộc đối với từng tên xuất bản phẩm bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thuộc về nhiều cơ quan, đơn vị.
Điển hình như: Thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thanh tra ngoại giao; Hải quan; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 3 Điều 3 Nghị định này.