Ngày 12-2-2012, Ban chỉ đạo Đề án xác định danh tính liệt sĩ đã có văn bản nêu rõ: Các Bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Ngoài ra còn các phương pháp khác như: theo hồ sơ chôn cất, các di vật của liệt sĩ… Quan trọng hơn là từ nay không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm.
Vậy là muộn nhưng việc không công nhận danh tính liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm đã giải quyết một tình trạng có thể nói đã quá bức bối: Lợi dụng việc tìm mộ liệt sĩ để thực hiện và truyền bá mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn gia đình liệt sĩ. Từ nay, nếu hài cốt lịêt sĩ không được xác định danh tính bằng phương pháp khoa học sẽ không được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Chuyện rơi nước mắt
Ông Chủ tịch xã Tân Dương (Vũ Thư - Thái Bình) đang đau đầu. Có gia đình liệt sĩ trong xã thuê một thầy ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Đi hơn tuần lặn lội trong miền Trung, nhờ thầy ngoại cảm, gia đình đã lấy được lưng tiểu… đất. Nói theo thầy ngoại cảm, xác trần đã tiêu hết, chỉ còn nắm đất, hồn liệt sĩ đã mang về chôn cất, thờ cúng. Nhưng ngay trong nhà đã có nhiều người không tin. Cãi nhau to, thậm chí còn xô xát, một vị nhân lúc xe qua sông, đem mớ đất ném xuống sông ngay trước mặt thầy ngoại cảm. Thế là từ cãi nhau đến đánh nhau, xe về đến nhà là mang vụ việc ra xã kiện. Ông Chủ tịch xã lắc đầu: “Biết xử thế nào?”.
Tết vừa rồi, ngay tại nhà một phóng viên cũng xảy ra việc không hay. Trong năm, gia đình bên ngoại nhờ thầy ngoại cảm tìm mộ ông bác là liệt sĩ. Chỉ đông, chỉ tây rồi theo lời ông thầy được bác liệt sĩ nhập hồn, gia đình cho người đào cả nửa thửa ruộng lên vẫn không thấy hài cốt. Ông thầy làm lễ, ông bác liệt sĩ lại nhập hồn nói: Xác liệt sĩ tiêu rồi, lấy bảy nắm đất, tương ứng với bảy vía về lập mộ mà thờ. Gia đình tăm tắp nghe theo. Khổ nỗi bố anh phóng viên không tin, không chịu sang làm lễ, không chịu ra mộ. Ông lý luận: “Đến người nguyên thủy chết mấy vạn năm rồi vẫn còn răng, huống chi bác mới mất có mấy chục năm, lý gì không còn xương cốt”. Thế là bà cụ không vừa lòng, làm mình làm mẩy. Cuối cùng, thôi đành coi đó là mộ gió mà thờ phụng thôi. Ông con đứng ra làm lành, bà mẹ cũng chấp nhận. May mà còn Tết.
Có gia đình còn gặp chuyện trớ trêu hơn. Cũng nhờ thầy ngoại cảm, gia đình tìm được mộ liệt sĩ là con của bà cụ Mai (Hà Nội) ở Quảng Bình. Nghe tin tìm được mộ liệt sĩ, nhiều người thân đến chúc mừng, cả những đồng đội của liệt sĩ cũng đến. Có hai bác là đồng đội cũ của liệt sĩ nghe gia đình tìm được mộ liệt sĩ ở Quảng Bình vội khóc nức lên. “Mẹ ơi, không phải rồi. Anh ấy hi sinh tại Phú Yên, chúng con là người chôn cất anh ấy ở một cánh rừng trong đó. Không thể là ở Quảng Bình được”. Cả nhà, cả họ ngớ ra. Chao ôi! Sao ngừời ta có thể lừa cả người đã khuất, nhạo báng cả những chỗ thiêng liêng. Tội thân bà mẹ già khóc ngất.
Vâng! Đã có hàng nghìn chuyện buồn thảm, chuyện rơi nước mắt xung quanh việc dùng ngoại cảm để tìm mộ liệt sĩ. Trong bài viết này, để tránh việc tranh luận không cần thiết, tôi xin khẳng định rằng không phủ nhận nhiều người có tiềm năng ngoại cảm, có thể làm được nhiều việc phi thường. Tuy nhiên, lấy những hình thức saman giáo, nhập hồn… để hi vọng tiếp xúc được với vong hồn, mà trong trường hợp này là linh hồn liệt sĩ, để liệt sĩ chỉ chỗ đang ẩn dấu hài cốt, thì đó là chuyện viển vông, không đáng tin. Chỉ tính từ Quảng Bình trở ra phía Bắc, hàng trăm trung tâm tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm đã được mở ra, thu hút hàng chục nghìn người quan tâm tìm đến, mong tìm được hài cốt thân nhân. Dọc các đường quốc lộ, trong suốt năm 2011, những chiếc xe chăng khẩu hiệu: “Xe đưa đón hài cốt liệt sĩ” chạy khắp nơi. Hàng nghìn hài cốt được cho là hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, chỉ có một số nhỏ trong đó được xác định AND và tiếc thay, hầu hết số hài cốt tìm đựơc giám định không phải là hài cốt liệt sĩ.
Tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm
Mô hình tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm cơ bản như sau: Thân nhân gia đình liệt sĩ tụ tập tại nơi thầy ngoại cảm làm lễ cúng triệu hồn. Sau một hồi cầu đảo trong khói hương, thầy ngoại cảm triệu hồn liệt sĩ về, hoặc là nhập vào thầy, hoặc là nhập vào người nhà, gọi là nhập vong. Hồn liệt sĩ qua người bị vong nhập sẽ thăm hỏi gia đình, phán truyền vài việc nhà và chỉ chỗ hài cốt đang nằm. Sau khi vong thăng (nghĩa là thoát khỏi người bị vong nhập), cả đoàn làm lễ tạ và theo nhà ngoại cảm đi tìm mộ theo lời vong. Có thể khác biệt đôi chút nhưng đại thể là như vậy. Xem xét kỹ lưỡng, chúng ta nhận thấy để tin vào việc có thể tìm được mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, chúng ta phải thừa nhận rằng con người có linh hồn. Sau khi chết đi, linh hồn không chết mà vẫn tồn tại nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm. Chúng ta cũng phải tin, bằng cầu đảo, bằng lên đồng, con người sống có thể giao tiếp với linh hồn người chết. Khó thay, tất cả những niềm tin ấy cho đến nay đều được coi là mê tín dị đoan và theo tôi nó thật sự là mê tín dị đoan. Ngay trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP về các hoạt động văn hoá quy định cấm các hoạt động lên đồng và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 75/2010/ND-CP là cấm các hoạt động lên đồng phán truyền, nghĩa là cấm các loại hình lên đồng mà linh hồn người chết hoặc thần thánh nhập vào người lên đồng, phán bảo chuyện trần thế. Chính vì vậy việc vong nhập trong phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm đích thực là một hành vi lên đồng phán truyền, một hành vi trái với các quy định pháp luật. Đã có dấu hiệu lạm dụng mục đích tốt đẹp để thực hiện và truyền bá mê tín dị đoan.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Vong không về vì... không đủ tiền ăn sáng
Dưới đây là nội dung những lá đơn phản ánh tình trạng lạm dụng ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ để kiếm lợi, được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, một tỉnh có số lượng lớn các liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Lá đơn kiến nghị của gia đình ông Phan Sửu ở xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cho biết: Gia đình ông có con trai là liệt sỹ Phan Trọng Trường, hy sinh ở mặt trận Gio Linh (Quảng Trị) năm 1971, đến nay tròn 40 năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên mấy chục năm qua không có điều kiện vào Nam tìm hài cốt của anh đưa về quê nhà.
Đầu năm 2011, nghe tin ở xóm 3, xã Hưng Đạo nổi lên một điểm tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, đặt tên là "Trung tâm điện tâm linh" tìm mộ liệt sỹ mà người "chỉ huy" là cô Phạm Thị Thương - người tự nhận được liệt sỹ Phạm Khắc Việt "nhập vong" vào cô để tìm mộ cho các liệt sỹ khác. Gia đình ông Phan Sửu đã đến đăng ký và được cô Thương cho lập bàn thờ ở sân nhà cô để thắp hương cầu "vong" liệt sỹ Phan Trọng Trường. Sau hơn 3 ngày liên tục ngồi cầu hồn tại nhà cô Thương, đến ngày 5 - 5 - 2011, gia đình ông Sửu được cô Thương cho đi bốc hài cốt liệt sỹ Phan Trọng Trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, giữa đường đi, thay vì vào Huế, ông Phan Sỹ Hợp (em trai liệt sỹ Phan Trọng Trường) quyết định cho xe dừng lại ở Quảng Trị vì "giấy báo tử ghi nơi hi sinh của anh trai tôi là ở Gio Linh - Quảng Trị không thể nào hài cốt lại ở Thừa Thiên Huế được". Ngày đầu tiên vừa đến bến sông Thạch Hãn, gia đình tưởng đã tìm được mộ vì người anh bị câm bỗng dưng chỉ tay vào một ngôi mộ được xây cất cẩn thận. Tuy nhiên, khi làm việc với chính quyền địa phương thì được chính quyền xã cho biết đây là ngôi mộ tổ một dòng họ ở địa phương đã hàng trăm năm.
Ròng rã ba đêm ngày chờ đợi, không một lần nào có "vong" về để chỉ cho gia đình biết mộ của liệt sỹ Phan Trọng Trường đang ở đâu.
Gọi điện về cho cô Thương thì được cô nói: “Có thể mộ không còn nữa, bốc một nắm đất đem về cũng được”. Và được cô Thương chú thích thêm là do gia đình "keo" quá, lúc chuẩn bị đi đưa hài cốt liệt sỹ về, "lộc" thắp hương tại bàn thờ nơi "Trung tâm điện tâm linh" ở nhà cô Thương chỉ có mấy chục nghìn đồng thì không đủ tiền để liệt sỹ… ăn sáng nên liệt sỹ không "ốp vong" vào được. Nghe cô Thương nói, anh Hợp gọi điện về nhà, cô em gái ở quê "vay nóng" hàng xóm được 300.000 nghìn đồng đặt thêm lễ lên bàn thờ lập ở nhà cô Thương.
Trường hợp 5 gia đình ở thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng cùng cảnh ngộ, họ đã bỏ nhiều công, của để cầu vong liệt sỹ về nhưng cuối cùng đành bỏ giữa chừng vì sau nhiều ngày ngồi cầu vong đã không có kết quả, hoặc được báo là "vong không về vì còn bận nhiều nhiệm vụ khác"(?)… Trong số đó, trường hợp của gia đình ông Hồ Sỹ Năm, 80 tuổi ở thị trấn Hưng Nguyên là một ví dụ. Sau khi đăng ký tìm kiếm mộ liệt sỹ Hồ Sỹ Cừ (con trai ông Năm) hi sinh ngày 25 - 7 - 1972 tại Quảng Nam ở điểm của cô Hạnh ở Nam Cát (Nam Đàn, Nghệ An) không được, gia đình ông Hồ Sỹ Năm đã lên điểm tìm kiếm mộ của cô Lê Thị Kiều ở khối 7, thị trấn Hưng Nguyên đăng ký, xin chân hương về lập bàn thờ, gọi anh em con cháu trong nhà ngày đêm ngồi cầu. Tuy nhiên, hơn hai tuần ngồi cầu "vong" liệt sỹ vẫn không về. Chi phí tốn kém hàng chục triệu đồng.
Hay như trường hợp của liệt sỹ Đ.C. ở xã Xuân Hoà (Hưng Nguyên, Nghệ An), mặc dù gia đình đã tìm được mộ của ông đưa về nhưng hai người đồng đội của ông là ông Nguyễn Công Thành (SN 1949) ở xóm 11, xã Xuân Hoà và ông Trần Văn Thường (SN1945) ở xóm 9, xã Nam Anh lại không đồng tình vì theo họ, cả ba ông cùng nhập ngũ vào năm 1964, đến ngày 3 - 9 - 1965 lúc các ông đang trên đường vượt sông Semănghiên, tỉnh Samanakhẹt (Lào) thì thuyền bị lật và ông C. bị chết đuối. Chính ông Thành, ông Thường là người trực tiếp vớt xác và an táng cho ông C ở Lào. Nay không thể người chết được chôn ở Lào mà mộ lại bốc ở rừng Bình Dương được. Ông Võ Văn Kỷ ở xóm Nam Bình, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn cũng phản đối việc tìm mộ của đồng đội là liệt sỹ T.Q.T. vì theo ông, ông và ông T. cùng nhập ngũ một đợt và đóng quân tại xã Bình Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Khi ông T. hi sinh, ông Kỷ và một vài đồng đội khác đến tìm thì chỉ còn thấy súng và quần áo, không thấy xác nữa. Thời điểm đó, đồng đội và người dân địa phương đều cho rằng ông T. đã bị cá sấu ăn mất (vì khu vực đầm lầy nhiều cá sấu). Nay gia đình Liệt sỹ T. lại tìm thấy mộ ông ở tỉnh Bình Phước (cách Long An khoảng 200km) là điều vô lý...
Nghiên cứu tiềm năng con người
Nghiên cứu tiềm năng con người là một nhiệm vụ quan trọng của khoa học hiện đại. Nghiên cứu để phát huy tiềm năng, để nâng cao năng lực chinh phục thế giới của con người, phục vụ cho sự phát triển xã hội loài người. Tuy nhiên, trong thời gian qua tại một số tổ chức mang danh nghiên cứu về tiềm năng con người ở Việt Nam đang hoạt động theo một hướng khác lạ. Đó là dùng một số thử nghiệm, một số thí nghiệm nhằm biến khái niệm chưa được chứng minh bằng khoa học thành khái niệm có thể tin được, để cổ vũ, bào chữa cho nhiều hoạt động mê tín dị đoan mà áp vong, gọi hồn là một ví dụ. Gần như tất cả các “nhà ngoại cảm” tìm mộ liệt sĩ đều có liên hệ với các trung tâm nghiên cứu này và thường đem ý kiến, hoặc các văn bản, bằng khen, chứng nhận của các loại trung tâm này để làm chiêu bài hành nghề. Chính các chiêu bài này nhiều khi đã ngăn cản việc xử lý theo đúng các quy định pháp luật hoặc các quy định về trật tự trị an.
Phỏng vấn một ông Trưởng công an xã ở một huyện thuần nông tỉnh Hưng Yên về hoạt động lùm xùm, nhiều tai tiếng của một nhà ngoại cảm khá có tiếng tăm, hành nghề tại địa phương. Ông than phiền: “Nhiều kiện cáo lắm, những đợt tập hợp đông người, cúng bái om sòm, chúng tôi cũng muốn dẹp lắm. Nhưng mà ông ấy là thành viên hội này hội nọ, lại có cả bằng chứng nhận về khả năng ngoại cảm của trung tâm nào đấy nữa. Chúng tôi không biết ăn nói thế nào”.
Như vậy với chiêu bài giả khoa học với mục đích giả nhân nghĩa: Đền ơn liệt sĩ, các nhà ngoại cảm lao vào khai thác túi tiền của các gia đình liệt sĩ. Theo ước tính từ các con số tự “khai báo” qua những lời khoe thành tích của một số nhà ngoại cảm có tiếng và một số trung tâm tìm mộ liệt sĩ, trong mấy năm qua đã có trên 10.000 vụ đi tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Nếu tính trung bình mỗi gia đình phải tốn cỡ 20 triệu đồng cho một lần tìm mộ, thì doanh số của thị trường này lên đến 200 tỷ đồng, con số không hề nhỏ. Đó cũng là lý do để người ta thấy các nhà ngoại cảm giàu lên rất nhanh. Có những người vừa mới năm nào còn buôn thúng bán bưng ngoài chợ làng, chợt thành nhà ngoại cảm, mấy năm sau đã xây nhà tòa dọc tòa ngang, giàu có nổi tiếng.
Đã đến lúc phải lập lại trật tự
Kết luận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc không công nhận ngoại cảm là căn cứ để công nhận danh tính liệt sỹ đã tạo ra một hành lang pháp lý để ngăn chặn tệ nạn lừa đảo trong việc tìm mộ liệt sĩ. Từ nay các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ phải qua công đoạn xác định ADN trước khi được công nhận là hài cốt liệt sĩ, trước khi được lập mộ trong nghĩa trang liệt sĩ và hưởng các chính sách hỗ trợ trong việc tìm mộ và thờ cúng. Về thỏa mãn nhu cầu xác định ADN trong việc xác định danh tính liệt sĩ, Bộ LĐ-TB & XH cũng đã công bố các quy định tạo mọi điều kiện cho các gia đình liệt sĩ. Gia đình chỉ cần viết đơn đề nghị Phòng LĐ-TB và XH huyện, trách nhiệm của cơ quan chức năng là thực hiện việc tổ chức giám định, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí giám định.
Cũng theo các tài liệu của Bộ LĐTB & XH trong những năm vừa qua chúng ta đã quy tập được 300.000 mộ liệt sĩ, trong đó rất nhiều mộ thiếu thông tin, kể cả thông tin xác thực về danh tính liệt sĩ. Cũng trong tài liệu này ước tính còn 200.000 liệt sỹ nữa chưa xác định được hài cốt, cần phải tiếp tục quy tập. Chắc chắn với sự tăng cường công tác truyền thông, định hướng, tình trạng các nhà ngoại cảm lừa đảo gia đình liệt sĩ sẽ chấm dứt.
Chúng tôi cũng tin một điều, nếu biết trước sau khi tìm được hài cốt liệt sĩ sẽ phải đi xác định ADN thì một kết quả thấy ngay: 99% các nhà ngoại cảm sẽ không dám đi tìm mộ liệt sĩ nữa…
Không công nhận ngoại cảm là phương pháp xác định danh tính liệt sĩ Các bộ, ngành đã thống nhất giám định gen là phương pháp chủ yếu xác định danh tính liệt sĩ và không coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn. Về quyết định này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các nhà ngoại cảm tham gia vào quá trình tìm kiếm, chứ chính thức công nhận đấy là một phương pháp tìm kiếm đảm bảo 100% là chính xác, thì Bộ LĐ-TB & XH không có ý kiến về vấn đề này”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Văn Lạng khẳng định: “Cần phải có quy định về tiêu chuẩn, định chế xác định nhà ngoại cảm, nên xem xét rà soát lại tất cả các trung tâm để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động tìm kiếm bằng ngoại cảm”. Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB & XH) cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ. Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã nở rộ các trung tâm tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhiều yếu tố tâm linh không được kiểm chứng, nhiều người mạo danh ngoại cảm lừa đảo dẫn đến nhiều gia đình liệt sĩ bị lừa. Bộ LĐ-TB & XH sẽ sớm có chủ trương nhằm xử lý tình trạng mạo danh ngoại cảm lừa đảo trong việc tìm mộ liệt sĩ. |
Trần Việt/ANTĐ