Tư nhân muốn đầu tư, nhưng việc tiếp cận với quỹ đất giáo dục không dễ

26/07/2023 06:32
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa qua, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con học lớp 10 đã gây ra rất nhiều băn khoăn, lo lắng trong dư luận.

Thực tế, tỷ lệ số lượng trường trung học phổ thông thấp hơn so với các trường trung học cơ sở, và tiểu học [*]. Mặt khác, Nhà nước chỉ quy định phổ cập giáo dục đến bậc trung học cơ sở. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được phân luồng, hướng nghiệp.

Theo đó, học sinh đủ điểm sẽ vào các trường trung học phổ thông công lập, số còn lại có thể lựa chọn vào học tại các trường trung học phổ thông tư thục hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.

Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh và học sinh muốn học tiếp bậc trung học phổ thông vẫn rất lớn. Trong đó, nhiều gia đình mong muốn con được học tại các trường công lập vì chi phí thấp hơn nhiều so với trường tư thục. Và đây cũng là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh mà chúng ta cần quan tâm.

Mặc dù vậy, thực tế việc phát triển thêm hệ thống trường công lập không hề đơn giản. Xây thêm trường mới còn liên quan đến vấn đề bố trí thêm giáo viên (giả sử có đủ quỹ đất và chi phí xây dựng trường). Trong khi đó, nếu xây trường công thêm nhiều thì chi phí thường xuyên, ngân sách sẽ đảm đương ra sao? Cùng với đó, không ít trường công hiện đang phải hướng tới tự chủ, lúc đó học phí phụ huynh phải đóng chắc chắn sẽ không thấp như hiện nay? Vấn đề tinh giản biên chế sẽ tiếp tục là câu hỏi. Rõ ràng, nếu xây thêm nhiều trường công để giải quyết bài toán vào lớp 10 cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết.

Hàng trăm phụ huynh đã ngồi chờ xuyên đêm trước cổng trường tiểu học Vạn Bảo, Hà Đông để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa: Phạm Minh

Hàng trăm phụ huynh đã ngồi chờ xuyên đêm trước cổng trường tiểu học Vạn Bảo, Hà Đông để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa: Phạm Minh

Cùng là thành phố đông dân, nhưng TP.HCM vẫn đảm bảo mỗi năm có 70% học sinh được học trường THPT công lập

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các bậc cha mẹ đều mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con đến trường, đến lớp. Đây là nhu cầu chính đáng và cần thiết.

Nhìn từ thực tế, ông Ngai thấy rằng, tỷ lệ học sinh vào trung học phổ thông công lập ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều hơn so với Hà Nội. Trong khi đó, số lượng học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 ở thành phố Hồ Chí Minh luôn tăng trong nhiều năm qua, tuy nhiên thành phố vẫn duy trì mức khoảng 70% học sinh dự thi có chỗ học công lập. Tỉ lệ này ở Hà Nội thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phân tích, từ lâu lãnh đạo thành phố đã thực hiện chủ trương dành đất xây trường nhằm đảm bảo học sinh có đầy đủ chỗ học. Theo đó, năm học nào, thành phố Hồ Chí Minh cũng xây thêm trường, mở thêm các phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của con em thành phố.

Bên cạnh đó, theo ông Ngai, mô hình các trường ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh cũng khá đa dạng và số lượng đủ lớn, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh trượt lớp 10 công lập theo học.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Ngai đề nghị, thành phố Hà Nội cần có quy hoạch mạng lưới trường lớp, dành quỹ đất xây trường.

Bên cạnh các trường công lập, nên mở rộng thêm hệ thống các trường ngoài công lập để “san sẻ” bớt gánh nặng với Nhà nước. Tuy nhiên, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục như giảm thuế, dành quỹ đất cho giáo dục,...

Không nên “cào bằng” tỉ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Cũng đồng ý quan điểm cho rằng cần có chính sách mở rộng thêm trường lớp, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Ủy ban phổ thông Tập đoàn EQuest nhấn mạnh thêm về việc cần có sự phối hợp hợp lý giữa công và tư.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng, phát triển giáo dục cần phải có sự phối hợp hợp lý giữa công và tư, vì trường công lập và trường tư thục đều có những vai trò, vị thế riêng khác nhau.

“Bài toán phát triển giáo dục với nhiều yêu cầu khác nhau, sẽ có những vấn đề một mình khối các trường tư thục rất khó để giải quyết hết như vấn đề về an sinh xã hội, môi trường học phí thấp,...

Mặt khác, cũng có những yêu cầu khối trường tư thục lại làm tốt hơn các trường công lập như nhu cầu về trường chất lượng cao, môi trường đào tạo hội nhập quốc tế,...”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh phân tích.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Ủy ban phổ thông Tập đoàn EQuest. Ảnh: EQuest Education Group

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Ủy ban phổ thông Tập đoàn EQuest. Ảnh: EQuest Education Group

Theo chuyên gia, để phát triển toàn diện hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục Thủ đô - vùng trọng điểm của cả nước, cần có chiến lược phát triển giáo dục mang tính đặc thù của Thủ đô nhiều hơn, thay vì “cào bằng” theo các chỉ số phát triển chung toàn quốc như cách làm hiện nay.

Phân tích cụ thể, TS Đàm Quang Minh đã chỉ ra một số bất cập hiện nay trong chính sách phát triển giáo dục của Thủ đô:

Thứ nhất, về tỉ lệ phân luồng, theo chuyên gia, việc áp dụng chung theo tỉ lệ khung trong toàn quốc sẽ có những bất cập. Theo đó, tỉ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nên có sự phân bậc theo tỉ lệ đô thị hóa giữa các vùng trong cả nước.

Hà Nội có cơ cấu lao động bậc đại học cao hơn so với các tỉnh thành khác, do vậy không nên “cào bằng” tỉ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở giữa các vùng trên cả nước.

“Nhu cầu lao động bậc đại học ở Hà Nội cao hơn so với các địa phương khác, vì vậy không có lý do gì chúng ta lại tự hạn chế mình theo những chỉ số như vậy”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhận định.

Thứ hai, Hà Nội nhìn chung là địa bàn có diện tích khá rộng. Chuyên gia nhận định, sự thiếu hụt về trường lớp ở Thủ đô mang tính cục bộ nhiều hơn tính tổng thể, do vậy cần có giải pháp phù hợp với địa lý từng khu vực.

Lấy ví dụ, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nêu điển hình ở khu vực phía Tây Hà Nội. Theo đó, Hà Nội những năm gần đây phát triển đô thị về phía Tây rất mạnh, tuy nhiên số lượng trường ở khu vực này tăng không tương xứng với sự phát triển dân cư tại đây.

Việc tiếp cận quỹ đất giáo dục vẫn còn hạn chế

Cần có sự quan tâm, đầu tư hơn vào giáo dục mà việc ưu tiên nhất trong bối cảnh hiện nay là mở rộng thêm trường, lớp là nguyện vọng của nhiều bậc cha mẹ Thủ đô. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo dục công lập, theo nhiều chuyên gia, việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục là điều cần thiết. Trường tư càng nhiều sẽ càng cạnh tranh cả về mức học phí và sự đảm bảo chất lượng dạy học.

Tuy nhiên, thực tế tư nhân muốn đầu tư vào giáo dục cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho biết, khó khăn lớn nhất đối với tư nhân là cơ hội được tiếp cận các quỹ đất giáo dục.

“Hiện số lượng quỹ đất dành cho giáo dục khá ít, nhiều dự án giáo dục chưa triển khai, trong khi nhu cầu về triển khai khá nhiều. Nhiều đơn vị như EQuest, việc tiếp cận quỹ đất giáo dục tương đối hạn chế”, chuyên gia chỉ ra khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông, dường như chưa có quy định riêng về đấu giá sử dụng đất cho mục đích xã hội, mà vẫn thực hiện theo quy chế đấu giá chung. Với khung giá đất chung như vậy, mục đích đất cho thương mại dịch vụ sẽ phù hợp hơn mục đích sử dụng cho giáo dục.

“Đất sử dụng cho giáo dục bao giờ cũng phải có chi phí hợp lý thì mới có thể triển khai thành công được. Thực tế, giá đất giáo dục ngang bằng hoặc thấp hơn không đáng kể với đất thương mại dịch vụ thì về bản chất là sẽ triển khai dự án dịch vụ không khả quan”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nêu thực tế.

Ngoài ra, chuyên gia kiến nghị nên có những nguồn vốn tín dụng rẻ hơn để hỗ trợ cho đầu tư trong giáo dục. Theo ông, vì việc xây trường thường yêu cầu chi phí rất lớn ở giai đoạn đầu tư ban đầu, trong khi đó những năm hoạt động đầu tiên của trường, nguồn thu lại thường rất hạn chế.

Chuyên gia khẳng định, để phát triển toàn diện giáo dục, ngoài đầu tư của Nhà nước, cần phải phát huy nguồn đầu tư của tư nhân. Trong đó, cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển cần đảm bảo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đầu tư về giáo dục và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[*]: https://giaoduc.net.vn/trong-6-nam-qua-ca-nuoc-giam-2704-truong-pho-thong-post229227.gd

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 xác định, mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Doãn Nhàn