Tư vấn nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Y dược - Nông lâm

20/02/2012 17:31
Theo Tuổi trẻ
Mở đầu phần tư vấn sáng 19-2, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cung cấp cho thí sinh những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn theo phương thức ba chung: chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. 
Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối thi này sẽ thi vào đợt 1 cùng với khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây. Đợt 1 diễn ra ngày 7 và 8-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 14 và 15-7 cho khối B, C, D và các khối còn lại, đợt 3 ngày 21 và 22-7 thi CĐ cho tất cả các khối
Năm nay Bộ không qui định thời gian xét tuyển NV2, 3 như những năm trước đây. Các trường tự qui định thời gian xét tuyển của mình, hạn chót xét tuyển là 31-12. Với thời gian này, các trường công lập sẽ kết thúc sớm thời gian xét tuyển. 
Khi muốn xét tuyển NV2, 3 của trường nào thí sinh cần theo dõi thời gian xét tuyển của các trường chứ không phải trường nào cũng xét NV2, 3 đến 31-2. Nếu chủ quan có thể chúng ta sẽ mất cơ hội xét tuyển. 
Thí sinh cần chú ý thời gian và thông tin xét tuyển của trường mình muốn xét tuyển để có thể nộp hồ sơ đúng thời gian qui định.
Năm nay Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. Thí sinh không được dùng cuốn sách này của những năm trước đây để đăng ký dự thi vì mã ngành năm nay thay đổi hoàn toàn so với trước đây. 
Muốn thi vào trường nào, thí sinh cần chú ý đến mã trường và mã ngành của các trường. Cần vào trang web của các trường để xem thông tin mã ngành, mã trường cho chính xác. Điểm mới nữa là học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ. 
Nếu học sinh đạt giải học sinh giỏi mà không sử dụng quyền tuyển thẳng mà dự thi thì làm hồ sơ và dự thi bình thường như những thí sinh khác. Nếu có kết quả thi ĐH từ điểm sàn trở lên, không có môn bị điểm không, các trường sẽ xét tuyển thẳng các em vào ngành mà em đăng ký. Trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải vào ngành hoặc các ngành gần mà thí sinh có môn thi đạt giải.
Khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - y dược - nông lâm - Ảnh : Hoàng Thạch Vân
Khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - y dược - nông lâm - Ảnh : Hoàng Thạch Vân
Học sinh chăm chú lắng nghe các tư vấn - Ảnh : Hoàng Thạch Vân
Học sinh chăm chú lắng nghe các tư vấn - Ảnh : Hoàng Thạch Vân

* Em muốn học quản lý doanh nghiệp. Em phải thi ngành nào, cần phải có tố chất gì?

- ThS Lâm Tường Thoại: Hiện có một số ngành như QTKD: cung cấp kiến thức về quản trị nhân sự, tài chính kế toán, hành chính văn phòng... Ra trường có thể làm trợ lý giám đốc hay trưởng một bộ phận nào đó. Tuy nhiên sinh viên mới ra trường có thể làm nhân viên, có kinh nghiệm mới có thể làm công tác quản lý. Bên ĐH Bách khoa TP.HCM có ngành quản lý công nghiệp, nhiều trường có đào tạo ngành kinh doanh.

Tùy từng trường, ngành QTKD sẽ chia ra các lĩnh vực chuyên sâu hơn như quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản trị hành chính văn phòng... Tuy nhiên thí sinh cần cân nhắc năng lực và sở thích của mình bởi điểm chuẩn ngành này dao động từ 13 đến 20 điểm tùy từng trường khác nhau. 

* Theo học ngành kinh tế nào để dễ tìm việc gần nhà?

- ThS Nguyễn Vĩnh An: các em đến dự ngày hội hôm nay hầu hết là học sinh các tỉnh ĐBSCL. Trường ĐH Cần Thơ có khoảng 10 ngành đào tạo về kinh tế. Khi học ở đây, điều kiện sinh hoạt và chi phí sẽ dễ chịu hơn so với học tại TP.HCM. Trường đào tạo theo tín chỉ nên sau năm thứ nhất, nếu kết quả tốt các em có thể đăng ký học thêm một ngành thứ 2 ngay tại trường và có được 2 bằng ĐH. 

* Chuyên ngành marketing đòi hỏi những tố chất nào? Ra trường có thể làm việc ở đâu?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Hiện có nhiều trường đang đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên ở một số trường, chuyên ngành này nằm trong ngành QTKD. Một số trường đã tách chuyên ngành ra thành một ngành độc lập. Ngành này gồm nhiều chuyên ngành như marketing tổng hợp và quản trị thương hiệu. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về marketing, phân khúc thị trường... 
Ngành này đòi hỏi sinh viên phải năng động, chịu khó tìm tòi và phải dấn thân. Các tỉnh ĐBSCL phát triển hệ thống siêu thị khá nhiều. Khi tốt nghiệp ngành này có thể tham gia làm việc tại hệ thống siêu thị này. 

* Ngành điều dưỡng đào tạo những gì? Nếu sợ máu thì có nên theo ngành này không?

- ThS Nguyễn Minh Phương: Tốt nghiệp ngành này, sinh viên sẽ trực tiếp chăm sóc người bệnh, trợ lý cho bác sĩ đa khoa. Theo học ngành này, thí sinh phải tiếp xúc dần với máu, chẳng hạn đi hiến máu nhân đạo để làm quen dần.

* Bậc học cao nhất của ngành điều dưỡng là gì? Nếu không trúng tuyển vào ĐH Y dược Cần Thơ có thể xét tuyển ngành này ở đâu?

- ThS Nguyễn Minh Phương: Tốt nghiệp ngành này, các em được cấp bằng cử nhân điều dưỡng. Hiện trường chưa có chương trình đào tạo từ điều dưỡng lên bác sĩ đa khoa. Hiện trường đang đào tạo 4 ngành trung cấp, trong đó có ngành điều dưỡng. Nếu không trúng tuyển ĐH các em có thể xét tuyển vào bậc trung cấp. Khi tốt nghiệp trung cấp, công tác đủ 24 tháng ở các cơ sở y tế, các em có thể thi liên thông lên ĐH điều dưỡng. Người có bằng ĐH điều dưỡng có thể học lên thạc sĩ hay tiến sĩ điều dưỡng. 

* Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh khối A1 những ngành nào?

- ThS Nguyễn Vĩnh An: Năm nay Trường ĐH giữ các khối thi truyền thống, không tuyển sinh khối A1 đối với các ngành tuyển sinh của trường. 

* Em muốn học ngành kỹ thuật liên quan đến con người thì có thể học những ngành nào?

- PGS-TS Hồ Thanh Phong: trường có đào tạo một số ngành kỹ thuật liên quan đến con người như ngành kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Những ngành này tạo ra các thiết bị để phục vụ cho cuộc sống cho con người, liên kết kỹ thuật với con người. Ngoài ra, năm nay trường cũng dự kiến tuyển sinh ngành dược, đào tạo 5 năm. Trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

* Em nghe nói ngành QTKD đang bão hòa, liệu 4 năm nữa ra trường cơ hội việc làm như thế nào?

- ThS Lâm Tường Thoại: Quan tâm đến việc làm khi ra trường là cần thiết tuy nhiên chỉ đặt nó ở mức vừa phải. Điểm cần tập trung là mình thích học ngành nào, khả năng tới đâu để theo học ngành đó. Việc làm sau này không chỉ kiến thức tích lũy được mà còn có kỹ năng, hành vi và đạo đức của mình. Nếu giỏi mà không có kỹ năng cũng khó tìm việc. Trước mắt phải học thật tốt, chọn ngành phù hợp
- PGS-TS Hồ Thanh Phong: Hiện nay nhu cầu kinh doanh, trao đổi nhiều hơn nhu cầu nhân lực sản xuất ra sản phẩm đó. Nhà tuyển dụng sẽ nhìn sự thể hiện của mình chứ không phải họ nhìn mình học trường nào. QTKD là để đem sản phẩm đến cho tất cả mọi người. Công nghiệp hàng tiêu dùng sẽ rất phát triển và như thế cơ hội việc làm không hề nhỏ.
- TS Trần Thế Hoàng: trong lĩnh vực kinh tế, người ta đào tạo ra các nhà kinh tế, nhà quản trị hay các chuyên gia kinh tế. QTKD là ngành có nhiều chuyên ngành đào tạo chuyên sâu khác nhau như QTKD tổng hợp, marketing, thương mại, kinh doanh quốc tế... Như vậy không chỉ kinh doanh buôn bán trong nước mà còn giao thương với bên ngoài. 
Thí sinh quan tâm đến ngành QTKD cần lưu ý, nếu thi và học tại các nơi năng động về kinh tế, chúng ta sẽ tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau nên sẽ học hỏi được nhiều hơn, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn.
ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp nên thí sinh cần lưu ý đến nhóm ngành kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, trao đổi nông sản... Nhóm ngành thủy sản, dịch vụ di lịch cũng đang rất phát triển tại khu vực này. Do đó, thí sinh có thể tìm hiểu và chọn những ngành xã hội đang có nhu cầu.

* Từ nhỏ em đã thích làm công việc quản lý. Với sở thích như vậy em phù hợp với chuyên ngành nào của ngành QTKD?

- TS Trần Thế Hoàng: nếu như vậy thì em rất phù hợp với ngành này. Với sở thích quản lý người khác, em có thể theo học ngành quản lý tài chính hay quản trị nhân sự. Trong công ty có rất nhiều bộ phận như sản xuất kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị nhân sự... 
Trong thời gian học, chúng ta sẽ nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực mà chúng ta ưa thích để bổ sung thêm.
Để làm nhà quản trị như em mong muốn, cần phải có nhiều tố chất. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về chuyên môn chúng ta cần khả năng quản lý và thuyết phục, trao đổi đàm phán, kiến thức về luật pháp, quyết đoán, sức khỏe tốt để chịu đựng được áp lực công việc. Làm công tác quản lý rất vất vả chứ không hề nhẹ nhàng. Các trường ĐH không thể dạy hết các điều này. Biển học là mênh mông, chúng ta phải tự trang bị thêm cho mình.

* Ngành thủy sản có những chuyên ngành nào, triển vọng nghề nghiệp thế nào, đòi hỏi tố chất gì?

- ThS Nguyễn Vĩnh An: Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này. Ngành này có một số chuyên ngành như nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, nuôi trồng - bảo tồn sinh vật biển. ĐBSCL có thế mạnh về thủy sản và phát triển mạnh kinh tế thủy sản, đem lại nguồn lợi ngoại tệ thông qua xuất khẩu. 
Do đó, ngành này cần nhu cầu nhân lực rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm viêc ở các chi cục quản lý nguồn lợi thủy sản, sở nông nghiệp, làm trong các công ty nuôi trồng chế biến thủy sản...Ngành này đòi hỏi phải học tập nhiều vấn đề thực hành, nghiên cứu... nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ thế mạnh của mình. Thí sinh thường cho rằng học ngành nông nghiệp sẽ chân lấm tay bùn nhưng không phải như thế. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vào trường đặt hàng nhân sự nhóm ngành này. 

* Em thích làm việc trong các ngân hàng nhưng điểm chuẩn ngành này cao. Em có thể học ngành khác để sau đó làm việc trong ngân hàng không?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Chúng ta cần xác định tố chất của chúng ta có phù hợp với ngành nghề mà chúng ta dự định sẽ học hay không. Nếu tố chất phù hợp, chúng ta sẽ học rất tốt và cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Muốn làm trong lĩnh vực tài chính ngần hàng, không nhất thiết phải học ngân hàng. Lĩnh vực ngân hàng có nhiều nhóm công việc khác nhau. 
Chẳng hạn học CNTT, quản trị, marketing vì ngân hàng có bộ phận CNTT, cần người quản trị nhân lực... Ra trường, làm việc ở đâu tùy thuộc vào khả năng của các em.

* Em muốn thi hai ngành công nghệ thực phẩm và thú y. Cơ hợi việc làm ngành nào cao hơn?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Hai ngành này có rất nhiều trường đào tạo. Ngành công nghệ thực phẩm là một trong những ngành rất phù hợp với các tỉnh ĐBSCL. Các sản phẩm chế biến từ ngành này đều có nguồn gốc từ nông nghiệp mà ĐBSCL lại có thế mạnh về ngành này. Sản lượng trái cây của VN cả triệu tấn và việc chế biến sẽ nâng cao giá trị của trái cây hơn so với tiêu thụ sản phẩm thô. Do đó, công nghiệp chế biến sẽ hết sức phát triển.
Ngành thú y cũng giống ngành y nhưng đối tượng chữa trị là động vật. Tốt nghiệp ra trường là bác sĩ thú y. Tình hình dịch bệnh xảy ra, nếu không có biện pháp phòng trừ, chữa trị sẽ rất nguy hiểm. Bác sĩ thú y có thể làm việc ở cơ quan kiểm dịch động vật, trạm thú ý... Ngoài ra có thể mở phòng khám bệnh cho động vật. Cơ hội việc làm ngành này không hề nhỏ.

* Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) có thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT quốc tế hay vẫn phải thi ĐH?

- PGS-TS Hồ Thanh Phong: Trường cũng tham gia thi tuyển sinh theo hình thức 3 chung như các trường ĐH. Khi đậu vào trường, nếu có TOEFL 500 sẽ được học thẳng chuyên ngành, nếu chưa đủ thì sẽ phải học Anh văn bổ sung. Nếu thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT quốc tế trường sẽ xem xét để tuyển vào học. 

Danh sách ban tư vấn

PGS-TS Ngô Kim Khôi Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM;
TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM;
PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM);
ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính - marketing;
ThS Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật TP.HCM,
ThS Nguyễn Minh Phương, phó trưởng phòng đào tạo ĐH Y dược Cần Thơ.
Theo Tuổi trẻ