Theo lời tướng Hahn Sung-chu, ban đầu ông không tin rằng Triều Tiên có thể đào một đường hầm đến Seoul. Nhưng gần đây, nhiều người dân Seoul phàn nàn rằng họ cảm thấy các rung chấn dưới lòng đất như khi tàu điện ngầm chạy qua. Tuy nhiên, trong khu vực đó lại không hề có đường tàu điện ngầm.
Một đường hầm được quân đội Triều Tiên tạo ra trên biên giới với Hàn Quốc. |
Sử dụng máy quét, quân đội Hàn Quốc đã tìm thấy ba đường hầm, mỗi chiếc rộng khoảng 4-5 mét, nằm ở độ sâu khoảng 12 mét.
Nhóm của tướng Hahn sau đó đã khoan hai lỗ xuống lòng đất để đặt một máy quay, nhưng trước khi họ đặt được máy thì đã xảy ra hai vụ nổ dưới lòng đất làm lấp các lỗ khoan của họ.
Tướng Hahn tin rằng các binh sĩ Triều Tiên đã phá hủy các lỗ khoan này để bảo vệ đường hầm và tuyên bố động thái trên của Bình Nhưỡng là "hành vi xâm lược", đồng thời bày tỏ lo ngại về việc các binh sĩ Triều Tiên đang hoạt động bên dưới lãnh thổ của Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã phát hiện tổng cộng 4 đường hầm từ Triều Tiên kéo dài sang lãnh thổ của mình từ năm 1990. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng số lượng đường hầm này có thể lên tới 20 chiếc và một số trong đó được đào ở dưới khu vực DMZ.
Đường hầm được quân đội Triều Tiên tạo ra ở khu vực DMZ bị phát hiện năm 1974. |
Triều Tiên trước đó thừa nhận về sự tồn tại của chúng, nhưng nói rằng các đường hầm này được tạo ra không phải vì mục đích xâm lược mà là một phần của hoạt động khai thác khoáng sản.
Hàn Quốc chưa từng tin rằng Triều Tiên có thể đào được đường hầm kéo dài tới tận Seoul vì công việc này rất phức tạp do có rất nhiều mạch nước ngầm ở bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, Hàn Quốc và Mỹ liên tục giám sát từ trên không để ngăn chặn các động thái này từ Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một cựu quan chức tình báo Triều Tiên đã đào thoát cho biết, khả năng trên có thể có thật bởi quân đội Triều Tiên thường vận chuyển đất đá ra ngoài vào ban đêm để tránh bị vệ tinh của Mỹ và Hàn Quốc phát hiện.
Ngoài ra, họ thường đào đường hầm theo chiều dọc từ 100 đến 150 mét và có độ dốc trước khi đào ngang để phòng trường hợp đào trúng mạch nước ngầm thì nước sẽ chảy về phía Triều Tiên.
Cựu quan chức này cho biết ông biết một số thông tin về kế hoạch này của quân đội Triều Tiên khi còn sống ở đất nước. Người này nói rằng hoạt động đào đường hầm phát triển mạnh vào những năm 1980 và ông tin rằng Bình Nhưỡng hiện vẫn bí mật bảo vệ chúng.
Cựu quan chức Triều Tiên nhấn mạnh thêm rằng các đường hầm trước kia không được làm dài đến Seoul vì lo sợ dễ bị phát hiện. Thay vào đó, nó chỉ kết nối với các hệ thống cống rãnh nối với các khu vực quan trọng để giúp nhắm vào các mục tiêu như Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống...
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Triều Tiên sẽ đưa quân mặc đồng phục của binh sĩ Mỹ hoặc Hàn Quốc di chuyển qua đường hầm này tới láng giềng. Sau đó, họ sẽ phá hủy đường hầm để cắt đường rút lui, cựu quan chức Triều Tiên cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã phát hiện một số đường hầm, nhưng sau đó nó được chứng minh là không phải của Triều Tiên. Do đó, nước này đã chuyển sang tập trung mối quan tâm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Dẫu vậy, các thợ săn đường hầm Triều Tiên ở Hàn Quốc vẫn hoạt động, dù không phải lúc nào họ cũng nhận được sự tôn trọng. Tướng Hahn là một người trong số đó. Ông đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm kiếm chúng./.