CNBC ngày 7/4 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, bài toán, thách thức lớn đặt ra cho tương lai của châu Á đang tập trung vào Biển Đông. Trong vòng 3 tháng tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Phán quyết này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi chiến dịch xây đảo nhân tạo và quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông có thể biến vùng biển chiến lược quan trọng này thành "eo biển riêng" của Trung Quốc.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Châu Viên, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: tribune.com.pk. |
Các chuyên gia nói với CNBC rằng, Trung Quốc có thể sẽ thua trong một vài nội dung của vụ kiện này. Dù Bắc Kinh kiên quyết từ chối tham gia, phán quyết của PCA vẫn có tính ràng buộc với cả hai phía.
Ngoài bản thân những tuyên bố địa lý ở Biển Đông, PCA cũng đang xem xét liệu yêu sách của Bắc Kinh đối với hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Biển Đông (cụ thể là một số bãi cạn ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ 1988, 1995 đến nay) mà Bắc Kinh đang kiểm soát như các vùng biển pháp lý, các vùng trời pháp lý có "thái quá, bành trướng" so với quy định của UNCLOS hay không.
Trước phán quyết của PCA, có hai khả năng có thể xảy ra với phản ứng của Trung Quốc. Một là họ chấp nhận từ bỏ các yêu sách bành trướng, hai là thách thức và bỏ qua luật pháp quốc tế.
Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp trong chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nói với CNBC: "Suy đoán của tôi là Trung Quốc đã cơ bản tính toán rằng, họ sẽ chấp nhận mất một số lợi ích ngắn hạn để đổi lấy những gì họ cho là lợi ích chiến lược lâu dài".
Lý do thực sự để Bắc Kinh mạo hiểm đánh đổi cả danh dự, vị thế của mình trên toàn cầu để đoạt lấy một số thực thể ở Biển Đông vẫn là cuộc tranh luận mở.
Hầu hết tin rằng Trung Quốc đang chỉ dựa vào cái gọi là "quyền lịch sử" để yêu sách "chủ quyền" với Biển Đông, còn nguồn tài nguyên năng lượng tương đối ít ỏi ở Biển Đông hầu như không có ý nghĩa nhiều với chính sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thay vào đó là giá trị chiến lược của vùng biển này.
Peter Dutton, Giáo sư - Giám độc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc từ Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa đáng kể các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và xây dựng đường băng quân sự cỡ lớn, cầu cảng, ra đa quân sự cao tần...nhàm mục tiêu thống trị Biển Đông theo ý muốn.
Ông nói: "Xây dựng đảo nhân tạo theo quan điểm của tôi là hoạt động có ý đồ chiến lược. Họ muốn biến Biển Đông trong tương lai trở thành một "eo biển Trung Quốc" chứ không phải một tuyến đường hàng hải huyết mạch toàn cầu".
Dutton giải thích, có ít trường hợp Trung Quốc muốn hạn chế hoạt động tự do thương mại trong khu vực, nhưng vấn đề là thực sự Bắc Kinh có thể làm điều này nếu nổ ra khủng hoảng hay xung đột.
Trong khi đó đảm bảo tự do thương mại là lợi ích quan trọng, cốt lõi của Hoa Kỳ. Do đó Washington phải xem xét kỹ khả năng một quốc gia có khả năng "khóa" các nước khác, Dutton lưu ý. Ông ví ý đồ của Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành "eo biển chiến lược" do họ kiểm soát.
Phán quyết của PCA sắp tới theo Dutton có thể là một kích hoạt thực sự cho tương lai khu vực, nó cũng có thể khiến Trung Quốc lấy cớ để đẩy mạnh hơn nữa hành vi quân sự hóa (bất hợp pháp).