The Straits Times Singapore ngày 4/4 có bài viết cho rằng, trong mấy chục năm, bờ biển yên lặng của đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) về cơ bản không có cư dân hoặc công trình dân dụng, chỉ có một số ngư dân nghỉ chân tạm thời ở căn nhà gỗ trên đảo.
Năm 2012, tất cả đã thay đổi trên hòn đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa. Năm đó, Trung Quốc đã thành lập ra cái gọi là chính quyền "thành phố Tam Sa", để "quản lý" các đảo đá và vùng biển xung quanh trên Biển Đông.
Rất nhanh, Trung Quốc đã xây mới (bất hợp pháp) 1 thư viện, 1 trường học, 1 bệnh viện, thậm chí 1 đài truyền hình vệ tinh. Đến nay, Trung Quốc còn mở nhà ăn và siêu thị ở hai bên đường chính mang tên "Bắc Kinh".
Sự thay đổi mau chóng như vậy làm cho dư luận chú ý đến Hải Nam, tỉnh cực nam của Trung Quốc, cùng với sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tầm quan trọng địa-chính trị của hòn đảo này đã tăng lên.
Hải Nam không chỉ quản lý cái gọi là "Tam Sa", mà còn có căn cứ hải quân Du Lâm và "công sự" tàu ngầm, hơn nữa ngoài vài km là khu nghỉ dưỡng ven biển Tam Á. Hải Nam thực sự có tầm quan trọng chiến lược.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |
Nhà phân tích an ninh Tạ Diễm Mai từ Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) cho rằng: "Hải Nam là 'đầu ngọn giáo' của Hải quân Trung Quốc, rất quan trọng đối với việc điều động lực lượng của Trung Quốc".
Theo Tạ Diễm Mai, tỉnh này có căn cứ tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Trong tương lai Trung Quốc cũng có khả năng triển khai tàu sân bay ở đây.
"Cách đây không lâu, Trung Quốc mở rộng (bất hợp pháp) trạm tiền tiêu (các tiền đồn quân sự) trên Biển Đông, một phần nguyên nhân cũng là để gia tăng rủi ro và khó khăn cho bên ngoài (Mỹ...) trong việc do thám các căn cứ ở đảo Hải Nam, mở rộng chiều sâu phòng ngự của Hải Nam" - Tạ Diễm Mai phân tích.
Tầm quan trọng của Hải Nam đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc thúc đẩy Trung Quốc mở đường dây nóng chống gián điệp 24/24 đầu tiên ở tỉnh này vào năm 2015.
Theo báo chí Trung Quốc, mục đích mở đường dây nóng này là để tấn công "mạng lưới tình báo nước ngoài nóng lòng muốn tìm hiểu sức mạnh quân sự của Trung Quốc".
Căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam. Trong hình có 1 tàu khu trục Type 052D và 4 tàu hộ vệ Type 054A. |
Nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore cho rằng, nếu Trung Quốc quyết định thiết lập cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông, Hải Nam sẽ có thể phát huy vai trò quan trọng.
"Trung Quốc nếu tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở phía bắc Biển Đông, phạm vi sẽ có thể bao trùm từ đảo Hải Nam hoặc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam)" – Ian Storey nói.
Hải Nam không chỉ có "phần cứng" quân sự. Ở khu vực khác của hòn đảo này, ngư dân thường cũng bị Trung Quốc sử dụng để tìm cách áp đặt yêu sách chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ở Tam Á, từ năm 2013 trở đi, Trung Quốc đã tổ chức cho các tàu biển để thực hiện các chuyến du lịch (bất hợp pháp) ra quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Trung Quốc thông qua tất cả những hành động (bất hợp pháp) này đều nhằm áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý và phi pháp. Dự kiến vài tháng tới Trung Quốc sẽ còn có nhiều hơn các thủ đoạn tương tự.
Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina) |
Theo Tạ Diễm Mai: "Nhiều năm qua, quan chức Hải Nam luôn tập trung gia tăng khai thác Biển Đông. Họ thường nói, loại hành động này rất quan trọng đối với bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc".