Tướng Mai Bộ: Tội phạm tham nhũng là “giặc nội xâm”, không thể khoan nhượng

19/07/2022 06:28
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, tội phạm tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, không nên khoan nhượng với nhóm này.

Tham nhũng là “nội xâm”, không nên khoan nhượng

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Ý kiến này đang thu hút nhiều tranh luận của các chuyên gia.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Đại biểu quốc hội khóa XIV) cho biết, ông không ủng hộ đề xuất này.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phân tích: “Chúng ta cần khẳng định, tội phạm là tội phạm, không thể phân biệt tội phạm kinh tế với tội phạm hình sự như một số phân tích. Trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người ta chia ra thành các nhóm tội phạm. Chẳng hạn, tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội xâm phạm trật tự công cộng... Cho nên tội phạm kinh tế nói chính xác là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thì cũng đều là tội phạm hình sự.

Và đã phạm tội, đều phải chịu hình phạt. Ngoài trách nhiệm hình sự, đối tượng còn phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt, hay còn gọi là bồi thường thiệt hại đã gây ra. Theo Điều 439 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có quy định một biện pháp pháp lý hình sự nữa, đó là: Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Đại biểu quốc hội khóa XIV). (Ảnh: quochoi.vn).

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Đại biểu quốc hội khóa XIV). (Ảnh: quochoi.vn).

Tức là, đối với những tài sản đã tham nhũng chiếm đoạt, buộc phải bồi thường, chứ không phải là bồi thường rồi thì không phải đi tù nữa.

Cũng phải khẳng định cơ chế ít nhiều có tính chất giảm nhẹ, đó là điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;). Theo đó, chúng ta chỉ có thể coi đó là một tình tiết giảm nhẹ, không thể coi đó là tình tiết thay thế cho trách nhiệm hình sự.

Ở điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Không thi hành án tử hình đối với “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Luật đã quy định rất rõ.

“Đặc biệt, về phương diện chính trị pháp lý, phải nói tội phạm tham nhũng chính là bè lũ “giặc nội xâm”. Cho nên, về quan điểm chính trị, tôi cho rằng không nên khoan nhượng với tội phạm này.

Chúng ta sẽ thấy một điều rất đau buồn! Trong khi trên cả nước, tính đến thời điểm hiện tại, có biết bao nhiêu các em, các cháu đã phải mất đi bố mẹ vì dịch bệnh Covid-19. Vậy mà, trong khi đó, một số người có chức, có quyền lại lợi dụng chính dịch bệnh ấy để trục lợi”, ông nhấn mạnh.

Luật đã quy định rõ, yếu tố con người luôn quan trọng nhất

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, trong diễn biến của tội phạm, thường chỉ bị phát hiện khi “gạo đã nấu thành cơm”, khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Đương nhiên, trong lúc đó, tội phạm đã có quỹ thời gian để tẩu tán tài sản.

Do vậy, ông nhận định: “Việc tẩu tán tài sản đương nhiên là một khó khăn khách quan trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Tuy nhiên, còn một lý do mang tính chất chủ quan, từ phía các cơ quan chức năng thực thi. Đó là câu chuyện không điều tra triệt để, để tìm xem dòng tài sản đó đi đâu... .

Những kẻ tham nhũng chắc chắn là những kẻ có chức, có quyền và phần đa các vị đã có nhà cao cửa rộng, có tài sản.

Luật Tố tụng hình sự quy định hai biện pháp: Kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản. Việc này, theo tôi, trước đây chưa được áp dụng triệt để. Đáng lẽ, khởi tố bị can, mà đây là án tham nhũng thì phải làm ngay động tác kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản, thì sẽ ngăn chặn được dòng chảy của tài sản tham nhũng. Đó là giải pháp mà nhiều đại biểu quốc hội đã đề cập từ trước đây.

Chính sự chậm trễ trong việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn tới nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp. Mặc dù, theo quy định pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án. Song, để làm rõ được nguồn gốc tài sản bất minh là chuyện không dễ.

Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”.

Quy định trên của pháp luật cũng có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được quyền áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được “miễn trừ trách nhiệm”... Đây chính là “kẽ hở” của pháp luật, vô hình trung biến thành thời cơ giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

Luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên, yếu tố con người trong việc thực thi pháp luật vẫn luôn luôn là quan trọng nhất, để không còn chuyện lợi dụng “kẽ hở” mà làm bậy”.

Ngân Chi