Ông thấy những đóng góp của mình cho ngành công an thành phố ra sao?
Công an TP Hà Nội năm 2010 đã được đặc cách nhận Huân chương Sao vàng, các năm có hàng ngàn cán bộ chiến sỹ được tặng thưởng huân, huy chương. Trước đó, năm 2004, Công an thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Công an TP Hà Nội có truyền thống 67 năm. Tôi là người kế tục từ những thế hệ đi trước và tự hào về truyền thống của Công an TP.
Mọi thành tích, tôi rất tự hào và phấn khởi nhưng tôi tự hào nhất là công lao của gần 2 vạn cán bộ chiến sỹ. Nhiều cán bộ tận tụy ngày đêm lập nên chiến công. Tôi chỉ là người chỉ huy và góp phần nhỏ bé thôi.
Điều gì khiến Trung tướng tự hào nhất khi nói về cuộc đời binh nghiệp của mình và ngành công an Hà Nội?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh. Ảnh: Nguyễn Dũng. |
Tôi vào ngành công an từ năm 1969 và trưởng thành từ một chiến sỹ. Tôi trải qua nhiều cương vị, nhiều công việc, từ người chiến sỹ, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, hình sự, điều tra, phó giám đốc, giám đốc công an TP…
Trên lĩnh vực chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự nói chung, Công an Hà Nội đã gặt hái nhiều chiến công, nhất là điều tra trọng án, Hà Nội luôn luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước.
Có đến 90% số vụ trọng án đã được điều tra, khám phá, xử lý. Thời gian phá án rất nhanh, có những vụ chỉ sau vài chục giờ đồng hồ.
Chúng tôi rất tự hào về công tác phòng ngừa. Ở Hà Nội, có rất ít những vụ cướp tiệm vàng, vũ khí nóng, súng, lựu đạn…
Hà Nội cũng giải quyết tốt những vụ bắt cóc con tin như vụ cướp cháu bé người Nhật. Công an phải truy đuổi lên tận Hữu Lũng – Lạng Sơn giải cứu cháu bé…
Chúng tôi đã được đại sứ quán Nhật biểu dương và khen ngợi. Họ khâm phục công an Việt Nam có trách nhiệm và giải cứu cháu bé an toàn.
Rồi vụ án ma túy lớn nhất lúc bấy giờ là vụ án Vũ Xuân Trường. Sau vụ án này, Quốc hội đã phải sửa đổi điều luật về vấn đề phòng chống ma túy, thay đổi tội danh theo hướng tăng nặng trong lĩnh vực tội phạm ma túy.
Đặc biệt, việc triển khai kế hoạch 141 được xã hội ghi nhận, nhân dân ủng hộ, báo chí động viên. Trước khi tôi nghỉ hưu, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo CATP tiếp tục duy trì 141 để giải quyết những điểm nóng về an ninh trật tự công khai trên địa bàn Thành phố.
Có rất nhiều người hỏi tôi khi nào 141 “giải tán”, tôi trả lời chỉ khi nào Hà Nội thật sự bình yên, không còn tội phạm thì lúc ấy không còn cần 141, 142. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên dùng từ “giải tán” mà tùy vào tình hình để chuyển hóa thành những biện pháp khác bảo đảm an ninh trật tự cho Thủ đô.
Ông đánh giá đội ngũ kế cận của mình ra sao?
Tôi mong muốn những người kế nhiệm phải giỏi hơn tôi, phấn đấu xuất sắc và lập nhiều chiến công hơn tôi, bởi xã hội ngày càng tiến bộ nhưng cũng ngày càng phức tạp đòi hỏi anh em phải tài giỏi, cố gắng hơn mới có thể đáp ứng yêu cầu được.
Và tôi rất yên tâm, bởi lẽ những người kế nhiệm khi tôi còn làm việc thì họ đã là phó giám đốc, trưởng, phó phòng, trưởng, phó công an các quận huyện, trưởng phường, trưởng đồn…các đơn vị chiến đấu, an ninh, cảnh sát. Họ là những người lính dày dạn kinh nghiệm trong công việc.
Khi tôi làm giám đốc thì họ cũng là những cộng sự đắc lực của tôi. Khi tôi nghỉ, tôi tin tưởng, yên tâm vì những người cộng sự họ gánh vác trách nhiệm, tiếp tục công việc và tôi tin họ sẽ hoàn thành xuất sắc. Họ là những người đã có kinh nghiệm cộng với tuổi trẻ.
Chúng tôi để ý thấy nhiều cán bộ, chiến sỹ trẻ yêu mến ông ở đức tính luôn lo cho họ, nghĩ cho họ…
Khi còn làm giám đốc và kể cả bây giờ khi đã nghỉ hưu, đi trên đường phố tôi rất hay để ý.
Tôi quan sát xem anh em cảnh sát giao thông làm việc như thế nào. Cái nào được tôi hoan nghênh, còn những vấn đề chưa được thì tôi “bí mật” góp ý cho anh em biết.
Có những khi trời nắng quá, tôi thấy anh em cảnh sát giao thông đứng trực cháy hết cả tay vì mặc áo ngắn tay. Tôi liền báo cáo với Bộ cho anh em mặc cảnh phục giao thông dài tay để đỡ cháy nắng.
Rồi tôi thấy anh em đội mũ kepi lớp vải mỏng trong cái nắng như thiêu đốt cháy hết cả mặt. Tôi cũng báo cáo Bộ cho phép anh em đội mũ cối.
Thấy anh em khi lập biên bản vi phạm kê cuốn biên bản trên yên xe máy hoặc trên nắp capô xe hơi nhìn không được lịch sự cho lắm, tôi báo cáo cấp trên cho phép làm bục, cũng là để che nắng che mưa cho anh em đỡ khổ.
Tôi nhớ năm Hà Nội lụt, anh em mặc những chiếc áo mưa màu bộ đội thì dân không biết là công an. Tôi báo cáo với Bộ là phải mặc áo mưa trong suốt để dân nhìn thấy cảnh phục.
Hay trước đây đi trên đường Láng Hòa Lạc, tôi thấy anh em làm nhiệm vụ trên đường nhiều bụi, tôi đã đồng ý với đề xuất để anh em đeo khẩu trang, đeo kính để bảo vệ sức khỏe… nhưng cũng nhắc nhở rằng khi tiếp xúc với nhân dân phải bỏ khẩu trang, kính để giữ tác phong.
Như ông nói, đa số cán bộ chiến sỹ CATP Hà Nội là tốt, lập nhiều chiến công, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những ‘hạt sạn”, Trung tướng có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Công an TP Hà Nội rất quân tâm đến việc xây dựng lực lượng, con người công an… nhưng không thể tránh khỏi, một số cán bộ còn thiếu trách nhiệm cửa quyền, hách dịch, thái độ không đúng khi cư xử với nhân dân…
Tôi và tập thể lãnh đạo công an TP đã xử lý rất nghiêm những trường hợp vi phạm, không có bao che trong nội bộ. Có những vụ phải khởi tố, tước quân tịch, đưa khỏi ngành… Bên cạnh đó, công tác quản lý cán bộ được tiến hành chặt chẽ nhưng không thể tránh khỏi đối với cá nhân này, cá nhân kia… trong điều kiện xã hội phức tạp hiện nay.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Hải Hà - Nguyễn Dũng/
VTC