Đài phát thanh ABC của Úc ngày 27/5 đưa tin cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại nước này, Mã Triều Húc đã bất ngờ bị triệu hồi về Bắc Kinh để tham vấn.
Hôm 24/5, Đại sứ quán Trung Quốc đã thông báo với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc về việc ông Mã Triều Húc sẽ trở về Bắc Kinh vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đột ngột bị thay đổi và Đại sứ Trung Quốc đã trở về nước hôm 26/5.
Alan Dupont, một cựu quan chức ngoại giao, Giáo sư tại Khoa An ninh quốc tế của Đại học New South Wales. |
Động thái này diễn ra một thời gian ngắn sau khi Trung Quốc khuấy động căng thẳng ở Biển Đông, đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, chương trình tin tức buổi sáng của đài ABC đã có cuộc phỏng vấn với Alan Dupont, một cựu quan chức ngoại giao và hiện đang là Giáo sư giảng dạy tại Khoa An ninh quốc tế của Đại học New South Wales.
Dupont cho biết, Trung Quốc đang gây hấn với một loạt các nước láng giềng ven biển, từ Nhật Bản ở Hoa Đông tới một nửa các nước ASEAN ở Biển Đông, gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Ông cho rằng việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là nhằm mục đích khẳng định yêu sách lãnh thổ và tài nguyên của nước này trong khu vực.
Theo ông, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật và ngày càng trở nên tự tin hơn. Trước năm 2010, Trung Quốc sử dụng chiến thuật "tấn công quyến rũ" để nhằm vào các nước láng giềng châu Á để tập trung phát triển kinh tế và giúp láng giềng cùng hưởng lợi. Nhưng từ sau năm 2010, Bắc Kinh bắt đầu hành động quyết đoán hơn đối với các yêu sách của mình ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo Giáo sư Dupont, đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã trở nên tự tin hơn, khả năng quân sự cũng đã gia tăng đến mức giúp Bắc Kinh bắt đầu có thể khẳng định tuyên bố của mình theo một cách đáng lo ngại - đơn phương và không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với các nước láng giềng hoặc không có bất kỳ sự công nhận hợp pháp nào cho các tuyên bố của mình.
Và đó là mối quan tâm lớn đối với tất cả các nước trong khu vực, gồm cả Úc, Giáo sư Dupont nói. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, trong khi đó, Mỹ là một đồng minh quân sự quan trọng không kém của nước này. Do đó theo Giáo sư Dupont, Úc đang ở trong một tình thế khó khăn.
Úc muốn thúc đẩy thương mại với Trung Quốc, nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục hành xử như hiện nay, Úc có thể sẽ xem xét lại mối quan hệ này để bảo vệ lợi ích an ninh của mình.
Giáo sư Dupont nhấn mạnh rằng cần phải để Trung Quốc hiểu rõ rằng họ không thể khẳng định bản thân mà không cần quan tâm tới tuyên bố của người khác hoặc cố gắng hành động một cách bất hợp tác.