Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tự hào là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về ngành Vật lý kỹ thuật tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thanh Khẩn - Trưởng ngành Vật lý kỹ thuật, Khoa Lý – Hóa, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã chia sẻ những thông tin thú vị về sự phát triển của ngành Vật lý kỹ thuật trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.

Theo Tiến sĩ Khẩn, trong bối cảnh nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Đảng và Nhà nước xác định một trong những trọng tâm của phát triển kinh tế đất nước là ngành công nghệ bán dẫn và năng lượng hạt nhân. Đây cũng là hai lĩnh vực đang rất phát triển trên thế giới hiện nay.
Để đáp ứng được mục tiêu đào tạo hơn 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên trong lĩnh vực này của Chính phủ đề ra, các trường đại học trên cả nước đã và đang mở nhiều ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó có Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.

“Khoa Lý – Hóa của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng có đội ngũ giảng viên có chuyên môn và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng hạt nhân nên chúng tôi xác định mình không thể đứng ngoài xu hướng này. Hơn nữa, hiện nay trên cả nước mới chỉ có một số trường đại học hàng đầu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật. Còn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên chỉ có Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đào tạo ngành này.
Hơn nữa, thành phố Đà Nẵng vừa được tiếp nhận chủ trương đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, sẽ mang tới nhiều vị trí việc làm phù hợp với sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật. Dự án nhà máy điện nguyên tử đã được khởi động trở lại, nhu cầu nhân lực sẽ tăng cao trong những năm tới.
Chính những điều này đã thôi thúc Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng phát triển chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật”, thầy Khẩn chia sẻ.
Chương trình đào tạo gắn với thực tiễn
Trên thực tế hiện nay, có không ít cơ sở giáo dục đại học cùng đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật. Tuy nhiên, chương trình đào tạo ngành này ở Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng có nhiều điểm nổi bật.
Theo chia sẻ của thầy Khẩn, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật theo hướng chuyên ngành hẹp, sinh viên sẽ chọn một trong những chuyên ngành để học và phát triển nghề nghiệp. Trong khi đó, sinh viên theo học ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng sẽ được đào tạo cả hai chuyên ngành gồm Công nghệ bán dẫn và Kỹ thuật hạt nhân - “Điều này giúp sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm hơn”, thầy Khẩn cho biết.
Chưa kể, nhà trường đã xây dựng được những mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp/tổ chức để hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực tế và cơ hội nghề nghiệp. Cụ thể, nhà trường ký kết, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu như Công ty FPT semiconductor, Công ty TNHH Giải pháp điều khiển & Tự động hóa CAS, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (vinatom)… để người học có thể liên hệ thực tập, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu và làm quen với công việc sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, Khoa cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với một số Khoa Vật lý của các trường đại học nổi tiếng về hợp tác đào tạo và nghiên cứu. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp tại Khoa Lý – Hóa, sinh viên có thể nhận được các học bổng để học lên các trình độ cao hơn tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng như các nước phát triển khác.
“Vật lý kỹ thuật là một ngành đang rất phát triển hiện nay, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật của nhà trường sẽ được đào tạo trong một môi trường năng động, hiện đại với đội ngũ giảng viên trẻ, có trình độ chuyên môn cao (trên 80% là phó giáo sư, tiến sĩ và đa số được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới) và cơ sở vật chất rất hiện đại”, thầy Khẩn cho hay.
Được biết, sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật của nhà trường đã được tham gia và quen với việc làm dự án, tham quan, thực tế chuyên môn và nghiên cứu khoa học liên quan đến chuyên ngành.
Thầy Khẩn cũng cho biết, ngay từ năm nhất, tất cả sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật đều được phân vào các nhóm nghiên cứu khoa học. Điều này giúp cho các em được làm quen với các thiết bị thực nghiệm của Khoa từ sớm, tự tay làm thí nghiệm. Sang năm 2-3 đại học, sinh viên đều có thể làm thí nghiệm một cách thành tạo.

Với chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật, có một số học phần vừa kết hợp lí thuyết và thực hành, yêu cầu sinh viên chia nhóm làm dự án học tập liên quan đến môn học và ngành học. Ví dụ như môn Năng lượng tái tạo, mỗi nhóm sinh viên phải làm 1 mô hình về việc sử dụng một nguồn năng lượng tái tạo để tạo ra điện năng. Môn Phương pháp nghiên cứu khoa học yêu cầu mỗi nhóm sinh viên phải đề xuất và thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học,...
Ngoài học trên lớp, sinh viên được Khoa hỗ trợ, tổ chức đi tham quan, tham dự hội thảo tại một số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, bệnh viện, trung tâm chiếu xạ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bật mí những tố chất để sinh viên học tốt ngành Vật lý kỹ thuật
Từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy lĩnh vực Vật lý kỹ thuật, theo thầy Khẩn, để thuận lợi theo học và làm việc, sinh viên ngành này cần hội tụ những tố chất như: đam mê nghiên cứu và học hỏi. Bởi, đây là ngành công nghệ cao và luôn thay đổi, đòi hỏi người học phải không ngừng cập nhật kiến thức và công nghệ mới.
Người học cần có tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Thầy Khẩn cho rằng, Vật lý kỹ thuật là sự kết hợp giữa kiến thức vật lý nền tảng và ứng dụng kỹ thuật, do đó sinh viên cần có khả năng phân tích, tư duy logic để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần có khả năng làm việc nhóm và độc lập. Điều này là vì môi trường làm việc trong lĩnh vực công nghệ thường đòi hỏi sự hợp tác, nhưng đôi khi cũng cần khả năng tự chủ trong công việc.
Ngoài ra, để học tốt và có thể tiếp cận đến nguồn tài liệu nước ngoài, cập nhật công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, cũng như mở rộng hơn nữa cơ hội việc làm, theo thầy Khẩn, sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật cần học tốt tiếng Anh.
Cơ hội việc làm rộng mở, khả năng phát triển nghề nghiệp tốt
Khi được hỏi về lý do lựa chọn học ngành Vật lý kỹ thuật, em Nguyễn Tuấn Thiện - sinh viên Lớp 22CVK, ngành Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng chia sẻ rằng: “Em lựa chọn học ngành này vì chương trình đào tạo tích hợp sâu kiến thức vật lý cơ bản và ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cũng theo Thiện, nhà trường có bề dày truyền thống nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo và kỹ thuật hạt nhân trong y sinh. Thiện tin rằng môi trường này sẽ giúp sinh viên phát triển chuyên môn lẫn tư duy sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Bản thân Thiện rất tin tưởng vào đội ngũ giảng viên của nhà trường với sự tận tâm, giàu kinh nghiệm, cùng với môi trường học tập thân thiện, năng động. Qua tìm hiểu và tiếp xúc với các anh chị tiền bối, Thiện nhận thấy đây là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở và khả năng phát triển nghề nghiệp tốt sau khi ra trường - “Đó là những yếu tố đã thuyết phục em đặt niềm tin và lựa chọn ngành Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng”, Thiện chia sẻ.
Hiện tại, Thiện đang là sinh viên năm cuối ngành Vật lý kỹ thuật của nhà trường. Chia sẻ cảm nhận về chương trình đào tạo của ngành, Thiện cho biết, từ những buổi học đầu tiên, sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật của nhà trường được tiếp cận hệ thống kiến thức vật lý nền tảng, song song với việc tìm hiểu về vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo và kỹ thuật hạt nhân trong y sinh. Chính chương trình đào tạo tích hợp này giúp cho sinh viên vừa nắm vững kiến thức lý thuyết, vừa phát triển tư duy phân tích và giải quyết vấn đề theo cách tiếp cận khoa học, chuẩn bị bước đệm vững chắc cho hành trình nghiên cứu hoặc làm việc chuyên sâu về sau.
Còn về kỹ năng chuyên môn, Thiện cho biết được rèn luyện thành thạo trong việc phân tích mạch điện, mô phỏng hệ thống năng lượng tái tạo và thực hành an toàn bức xạ khi làm việc với kỹ thuật hạt nhân. Cùng với đó là khả năng sử dụng thành thạo các công cụ lập trình như Python, Gnuplot, Linux, MCNP5 và phần mềm CAD/CAE để thiết kế, tính toán và tối ưu hóa dự án.
Việc thường xuyên thực hiện báo cáo khoa học, thuyết trình nhóm và thảo luận bài tập lớn cũng giúp sinh viên nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và trình bày kết quả một cách tự tin, chuyên nghiệp.
Một trong những điểm ấn tượng đối với Thiện đó là nhà trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Cụ thể, phòng thí nghiệm vi mạch hiện đại của nhà trường được trang bị máy đo quang phổ, máy nhiễu xạ tia X, máy khắc quang học, phòng thử nghiệm pin năng lượng mặt trời và mô hình tua-bin gió, cùng với phòng an toàn bức xạ chuyên biệt cho ứng dụng y sinh.
“Mỗi kỳ học, chúng em được tham gia dự án thực hành kéo dài trong phòng lab và được hướng dẫn bởi giảng viên giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, chương trình thực tập, thực tập bắt buộc không chỉ tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và bệnh viện mà còn ở trường đại học ở một số quốc gia láng giềng như Trường Đại học Hoàng gia Udon Thani (Thái Lan) liên kết kéo dài từ 6 đến 12 tuần không chỉ giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hoá, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, Thiện chia sẻ.
Trong khi đó, Lê Phan Thanh Trúc - sinh viên Lớp 22CVK, ngành Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng chia sẻ nhiều ấn tượng khi học tại nhà trường. Nhất là chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật của nhà trường khá toàn diện, giúp sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức nền tảng mà còn được rèn luyện các kỹ năng thực hành mô phỏng kỹ thuật và nghiên cứu khoa học.
Cũng theo Trúc, Khoa luôn chú trọng việc liên kết đào tạo và thực tập với các đơn vị uy tín như CAS, VinaGamma, FPT Semi,… trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, kỹ thuật hạt nhân hay vi mạch bán dẫn. Nhờ vậy, sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế từ sớm, được tham quan các công ty về vi mạch, về Năng lượng mặt trời (như CAS, EPC Solar) ngay từ năm đầu.
“Chúng em thường xuyên được làm thí nghiệm trong phòng lab của Khoa, được thực hành trên các thiết bị nghiên cứu hiện đại như XRD, SEM, Raman, PL… từ các buổi học cơ bản cho đến việc tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Khi đã thành thạo các kỹ năng cần thiết, sinh viên chúng em có thể cùng giảng viên thực hiện các dự án khoa học hoặc có thể tự đề xuất và triển khai đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Đây là một lợi thế lớn khi bước ra làm việc thực tế hoặc tiếp tục học lên cao. Nhờ môi trường học tập như vậy, sau hơn 3 năm học, em nhận thấy bản thân được trau dồi khả năng thích nghi và phát triển rất tốt”, Trúc chia sẻ.
Trước khi lựa chọn học ngành Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trúc cho biết bản thân có niềm đam mê với vật lý từ khi học phổ thông. Trúc luôn tò mò về cách thế giới vận hành, về các nguyên lý tự nhiên đằng sau những hiện tượng xung quanh.
“Khi chuẩn bị đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, em đã tìm hiểu về ngành Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và nhận ra rằng chương trình đào tạo của ngành có sự kết hợp hài hòa giữa khoa học cơ bản và ứng dụng thực tiễn. Điều này không chỉ giúp sinh viên thỏa mãn niềm yêu thích nghiên cứu mà còn có thể phát triển các sản phẩm, công nghệ phục vụ đời sống”, Trúc bày tỏ.
Qua quá trình học tập, Trúc nhận ra rằng, việc quyết định lựa chọn theo học ngành Vật lý kỹ thuật với bản thân là điều đúng đắn. Bởi, sinh viên ngành học này vừa hiểu sâu về các nguyên lý vật lý, vừa có thể vận dụng vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như vi mạch, năng lượng tái tạo và kỹ thuật hạt nhân. Trúc tin rằng đây là nền tảng tốt để phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu công nghệ ngày càng cao.
Từ thực tiễn cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm hấp dẫn trong các lĩnh vực như vi mạch, năng lượng, môi trường, y tế, và nghiên cứu. Các em có thể làm việc tại các tập đoàn lớn, tham gia vào các dự án khởi nghiệp, hoặc tiếp tục học lên cao hơn tại các trường đại học quốc tế.
Cụ thể như sau:
Lĩnh vực Vi mạch – Bán dẫn:
- Làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực Vi mạch – Bán dẫn.
- Kỹ thuật viên phân tích và quản lý chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
- Kỹ thuật viên tại các doanh nghiệp, tập đoàn, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến về điện, điện tử, viễn thông.
Lĩnh vực Năng lượng và Môi trường:
- Kỹ thuật viên tại các doanh nghiệp liên quan đến năng lượng, môi trường.
- Kỹ thuật viên tại các Nhà máy điện hạt nhân.
- Nghiên cứu viên và kỹ thuật viên tại Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, Lò phản ứng hạt nhân.
Lĩnh vực Y tế:
- Kỹ thuật viên tại các bệnh viện (liên quan đến thiết bị y tế sử dụng công nghệ vật lý).
- Nghiên cứu và Phát triển:
- Nghiên cứu viên chuyên nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới như vật liệu nano từ, nano quang điện tử, kỹ thuật màng mỏng.
- Kỹ thuật viên tại các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đo lường trong và ngoài nước.
Khởi nghiệp và Tư vấn:
- Sáng lập và điều hành các mô hình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao.
- Tư vấn chuyên môn cho các dự án khởi nghiệp.
Giảng dạy và Học thuật:
- Giảng dạy Vật lý tại các trường (nếu học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).
- Tiếp tục học lên các trình độ cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) tại Khoa Lý – Hóa hoặc các trường đại học quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc…).