Lợi thế của phòng văn hóa - xã hội cấp xã khi tham mưu các chính sách về giáo dục

22/07/2025 07:00
NGUYÊN KHANG
Theo dõi trên Google News

GDVN - Điều thuận lợi là nhiều lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục trước đây của các địa phương được về công tác tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã.

Khi thực hiện chính quyền 2 cấp, phòng giáo dục và đào tạo cũng chấm dứt hoạt động nên cấp xã (phường) sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục ở các cấp học: mầm non; tiểu học; trung học cơ sở. Vì thế, nhiều chức năng, nhiệm vụ được chuyển giao về cho cấp xã thực hiện.

Việc thay đổi này dẫn đến phòng văn hóa - xã hội cấp xã sẽ thực hiện nhiều đầu việc và trong đó có tham mưu các chính sách về giáo dục trên địa bàn nhằm giúp cho đảng ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã có những quyết sách đúng để phát triển giáo dục tại địa phương.

Điều thuận lợi là nhiều xã.phương lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo trước đây của các địa phương được phân công về công tác tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã nên họ sẽ tiếp tục kế thừa được những công việc. Đồng thời, họ có thể tham mưu tốt các chính sách về giáo dục trên địa bàn.

Chính vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường để lấy ý kiến góp ý sẽ có nhiều thuận lợi.

gdvn-cap-xa.jpg
Ảnh minh họa: Phạm Thi

Nhiều chức năng, nhiệm vụ của phòng giáo dục trước đây được giao cho cấp xã thực hiện

Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 142/2025/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2025, trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã trong quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục như sau:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng giáo dục, hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý;

Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Nghị định 142/2025/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục theo quy định;

Tiếp nhận hồ sơ đánh giá chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý để thẩm định trước khi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo; tham mưu cấp có thẩm quyền về chính sách hỗ trợ cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương;

Tổ chức quản lý cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục tiểu học, cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn quản lý;

Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội;

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; Thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Thông tư quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục - đào tạo thuộc phòng văn hóa - xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây, theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ không được giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, gồm:

Tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí;

Tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.

Những chức năng, nhiệm vụ của cấp xã được quy định tại Nghị định 142/2025/NĐ-CP và dự thảo Thông tư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến góp ý cho thấy trong thời gian tới đây, cấp xã sẽ đảm đương rất nhiều đầu công việc về phát triển giáo dục trên địa bàn.

Điều đáng mừng là tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã, phường hiện nay nếu có có nhân sự của phòng giáo dục và đào tạo trước đây nên các công việc tham mưu sẽ có nhiều thuận lợi.

Nhiều lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục trước đây về công tác tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã

Trước khi thực hiện chính quyền 2 cấp, chức năng, nhiệm vụ của cấp xã, phường đối với giáo dục rất ít vì khi đó có phòng giáo dục và đào tạo đảm nhận việc quản lý giáo dục ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Nay, khi thực hiện chính quyền 2 cấp thì cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục các cấp học này.

Trước khi thực hiện chính quyền 2 cấp, một số ý kiến lo ngại cấp xã sẽ khó khăn trong việc quản lý nhà nước về giáo dục vì nhân sự có thể không phải là những người am hiểu về chính sách giáo dục. Tuy nhiên, sau ngày 01/7/2025 thì mọi việc đã sáng tỏ và những băn khoăn trước đây đã không còn nữa.

Khi các xã, phường cũ được sáp nhập lại thành những xã, phường mới thì mỗi quận, huyện trước đây giờ dao động chỉ còn 3- 5 xã, phường. Trong khi, số lượng lãnh đạo, chuyên viên của các phòng giáo dục trước đây có trên chục người.

Thời điểm chấm dứt hoạt động của cấp huyện thì những lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục được điều động về công tác tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã, phường. Có người đảm nhận vị trí trưởng phòng, phó phòng văn hóa - xã hội cấp xã hoặc chuyên viên của phòng này.

Mỗi xã, phường có thể sẽ có khoảng 1-2 nhân sự từ phòng giáo dục trước đây nên họ đã kế thừa những công việc ngày trước và dễ dàng tiếp cận công việc mới. Bởi, trước khi về phòng giáo dục- họ đã từng là các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các nhà trường nên những công việc mới ở xã không mấy khó khăn.

Vì thế, có thể thời gian đầu có một chút lạ lẫm với mô hình cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và có thể tới đây sẽ thực hiện việc “công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ…” hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như dự thảo Thông tư đã đề cập. Nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ quen dần với chức năng, nhiệm vụ của cấp xã. Đặc biệt là phòng văn hóa - xã hội cấp xã trong việc quản lý, tham mưu các chính sách về giáo dục trên địa bàn các xã. Bởi thực tế, nhiều lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo trước đây về công tác tại phòng văn hóa - xã hội cấp xã nên họ đã am hiểu về giáo dục và sẽ làm tốt công việc mới nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở các địa phương.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG