Luật Cán bộ, công chức số 80/2025/QH15 được Quốc hội thông qua đã mở ra nhiều cơ chế mới, trong đó đáng chú ý là quy định cho phép ký hợp đồng với chuyên gia, doanh nhân để đảm nhiệm một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao bên ngoài hệ thống công.

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến đề xuất chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục tham gia thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm của công chức lãnh đạo, quản lý, chẳng hạn như công việc xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tư thục của thành phố. Chọn nhân sự từ chính đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục thục để tạo điểm đột phá cho phát triển giáo dục tư thục ở khu vực có lợi thế như Hà Nội.

"Những nhà quản lý giáo dục giỏi - dù trong hệ thống công lập hay tư thục, đều là tài sản quý của quốc gia"

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội nhìn nhận, đề xuất nêu trên hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.

Việc chọn lọc và sử dụng trí tuệ từ những người đang trực tiếp vận hành các mô hình giáo dục tư thục hiệu quả - những người không chỉ am hiểu thực tiễn mà còn sở hữu tầm nhìn và năng lực lãnh đạo đổi mới sẽ giúp các chính sách giáo dục sát với thực tế.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc huy động lực lượng tinh hoa từ khu vực tư để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách giáo dục. Bản chất giữa khu vực công và tư không phải là sự đối lập về chất lượng, mà chỉ khác nhau ở hình thức tổ chức và nguồn đầu tư. Những nhà quản lý giáo dục giỏi - dù trong hệ thống công lập hay tư thục, đều là tài sản quý của quốc gia", ông nhấn mạnh.

le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Theo ông Lê Như Tiến, trên thực tế, nhiều chuyên gia, doanh nhân từng học tập, nghiên cứu ở nước ngoài trở về nước mở các cơ sở giáo dục tư nhân với mô hình vận hành hiện đại, hiệu quả, sát với thực tiễn và mang lại nhiều giá trị xã hội. Đây chính là lực lượng có thể đóng vai trò then chốt trong việc tư vấn chính sách, thiết kế các chương trình phát triển, và thậm chí dẫn dắt các dự án lớn trong lĩnh vực giáo dục - nhất là tại các trung tâm lớn như thành phố Hà Nội.

Với tinh thần cởi mở mà Luật Cán bộ, công chức năm 2025 mang lại, đề xuất mời gọi những chuyên gia đầu ngành, nhà sáng lập các cơ sở giáo dục tư thục tham gia vào bộ máy tư vấn, hoạch định và quản trị giáo dục công đang trở thành xu hướng cần được thể chế hóa rõ ràng, minh bạch. Không chỉ giúp tận dụng được chất xám ngoài khu vực nhà nước, cơ chế này còn góp phần phá vỡ khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, thúc đẩy sự đột phá trong phát triển giáo dục.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đặt ra ranh giới giữa công lập và tư thục trong việc sử dụng nhân lực chất lượng cao. Nếu họ sẵn sàng đóng góp, tại sao chúng ta không tạo cơ chế để họ tham gia vào việc hoạch định và xây dựng các chính sách phát triển giáo dục”, ông Tiến cho hay.

Thực tế cho thấy, sự khác biệt giữa công lập và tư thục chủ yếu nằm ở hình thức đầu tư, không phản ánh bản chất hay chất lượng của hoạt động chuyên môn. Hơn thế, trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực then chốt cho tăng trưởng, thì việc cởi mở hơn trong thu hút trí tuệ từ khu vực tư nhân là điều cần thiết.

Về phía các cơ quan quản lý giáo dục, đặc biệt là ở cấp địa phương, theo ông Tiến, cần thực hiện công khai, minh bạch các nhóm nhiệm vụ chuyên gia tư thục có thể tham gia, cũng như vị trí việc làm cần thu hút nhân lực chất lượng cao. Chỉ khi có thông tin rõ ràng về nhu cầu, tiêu chí và kỳ vọng đối với từng vị trí, thì việc thu hút nhân tài từ khu vực tư nhân mới có thể thực chất và hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế đãi ngộ cũng cần đổi mới, dựa trên hiệu quả công việc và giá trị đóng góp thực tế.

“Người giỏi cần được trả công xứng đáng - đó là nguyên tắc để thu hút và giữ chân nhân tài, dù họ đến từ khu vực công hay tư,” ông Lê Như Tiến khẳng định.

Thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa hai khu vực công - tư trong lĩnh vực giáo dục

Cùng bàn luận về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ, đề xuất nêu trên phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và những sửa đổi trong Luật Cán bộ, công chức.

Theo đó, những người tham gia quản lý, điều hành các cơ sở giáo dục tư thục, nếu chứng minh được năng lực và có những đóng góp đột phá, cần được xem xét, trọng dụng một cách phù hợp.

Đại biểu đánh giá cao đề xuất được gợi mở từ Luật Cán bộ, công chức: chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục tham gia thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý, chẳng hạn như công việc xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tư thục của thành phố. Chọn nhân sự từ chính chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục tư thục để tạo điểm đột phá cho phát triển giáo dục tư thục ở khu vực có lợi thế như Hà Nội.

gdvn-db-cu.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Thi Thi.

Tuy nhiên, Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng lưu ý, để đảm nhận tốt vai trò trong khu vực công, các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục cần được bổ sung kiến thức chuyên môn và bồi dưỡng kỹ năng quản lý trong khu vực công theo quy định hiện hành.

Việc mở rộng các chương trình bồi dưỡng dành riêng cho lực lượng nhân sự có trình độ cao từ khu vực tư nhân sẽ tạo điều kiện để họ phát huy thế mạnh, đóng góp hiệu quả cho hệ thống giáo dục công. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược thu hút nhân tài, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa hai khu vực công - tư trong lĩnh vực giáo dục.

"Quan điểm của tôi là cần có sự hỗ trợ cho sự phát triển mới mẻ trong nhận thức về vai trò của khu vực tư nhân và công, cùng chung trách nhiệm để tiến bộ và phát triển.

Hiện nay, tại Hà Nội, chúng ta thấy nhiều trường tư nhân phát triển tốt và có truyền thống lâu đời. Chúng ta có thể mời những cá nhân này tham gia trực tiếp vào việc quản lý hoặc hợp tác với họ để xây dựng chính sách giáo dục sát với thực tiễn", đại biểu nhấn mạnh thêm.

Về chính sách đãi ngộ, đại biểu cho rằng, chính sách đãi ngộ cần thực tế, nếu quá lớn cũng khó khả thi, nhưng nếu quá ít cũng không đủ sức hấp dẫn. Tất cả cần có thời gian, lộ trình và cơ chế minh bạch để thực hiện tốt hơn.

"Ngành giáo dục có thể vận động các cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư tham gia vào việc hoạch định chính sách. Chiến lược này giống với việc chuyển từ tham vấn sang đồng kiến tạo chính sách. Bởi trên thực tế, những trường tư đã có những đổi mới và sáng tạo, vì vậy việc tham vấn chính sách cần được thực hiện từ những kinh nghiệm thực tế sâu sát này.

Công khai các nhóm nhiệm vụ để thu hút chuyên gia khối tư thục là điều cần thiết

Cùng bàn luận, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao đề xuất để chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục được tham gia vào việc hoạch định chính sách, phát triển giáo dục.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, đề xuất này được gợi mở từ quy định mới của Luật Cán bộ, công chức là một bước đi đột phá, đổi mới cho hệ thống.

ong-nguyen-ba-thuyen-2867-8916-7139.jpg
Ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Luật Cán bộ, công chức số 80/2025/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2025. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 (trừ trường hợp quy định về đánh giá công chức tại Mục 3 Chương IV của Luật được thực hiện từ ngày 1/1/2026).

Điểm a, Khoản 1, Điều 21 luật này nêu: Căn cứ tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thời điểm và thực trạng, nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, cơ quan quản lý công chức quyết định ký hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.

"Có lẽ vấn đề này chủ yếu liên quan đến chính sách trọng dụng nhân tài. Việc chọn được người tài thực sự là rất quan trọng, nhưng định nghĩa về "người tài" cũng cần có sự hiểu biết và sáng suốt. Trong thực tế, không phải ai cũng được coi là tài năng và việc xác định những người thực sự có khả năng đóng góp cho sự phát triển đất nước là rất cần thiết.

Những chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tư thục, với kinh nghiệm của mình, sẽ nghiên cứu và đề xuất các chính sách phù hợp với thực tiễn, góp phần để tiếng nói của khối tư thục được lắng nghe. Ðể thực hiện tốt điều này, cần có một chính sách hợp lý. Chúng ta phải chọn được những chuyên gia tài năng thực sự, không phân biệt khu vực công hay tư để tạo ra bước đột phá trong chính sách giáo dục", ông bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo ở các thành phố lớn như Hà Nội công khai các nhóm nhiệm vụ cũng như vị trí công việc để thu hút chuyên gia khối tư thục là điều cần thiết. Bởi, nếu không có vị trí rõ ràng để chọn, việc tìm kiếm nhân tài sẽ có phần khó khăn.

Thi Thi