Bỏ chia hạng, sẽ có bảng lương, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo từ 01/01/2026

22/07/2025 08:32
Bùi Nam
Theo dõi trên Google News

GDVN - Theo Luật Nhà giáo, chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026 với rất nhiều điểm mới về lương, chính sách và kỳ vọng giáo viên sẽ sống được bằng lương, tuyển đủ giáo viên thiếu, hạn chế giáo viên nghỉ việc, bỏ việc trong thời gian tới.

gdvn-minh-hoa-536.jpg
Ảnh minh họa.

Bỏ chia hạng, sẽ có bảng lương, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo từ 01/01/2026

Một trong những điểm mới trong trọng của Luật Nhà giáo được giáo viên quan tâm là từ 01/01/2026 sẽ chính thức không còn chia hạng I, II, III như hiện nay, giáo viên không còn hạng mà chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Và, giáo viên sẽ được hưởng thêm nhiều chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù khác,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thông tin dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo từ 01/01/2026.

Dẫn lời ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, tại dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như: giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định hệ số lương đặc thù đối với nhà giáo với mức từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm lương nhà giáo cao hơn viên chức cùng bảng lương áp dụng của các ngành, lĩnh vực khác; giảm cách biệt về tiền lương giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm ở cùng vị trí việc làm. [1]

Cùng với những chính sách như: Chính sách thu hút, trọng dụng bao gồm ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận; tiền lương, phụ cấp; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm; điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; phúc lợi và các chính sách khác theo quy định của pháp luật,…là tiền đề, nền tảng để xây dựng lương, phụ cấp hợp lý đúng tinh thần giáo viên được ưu tiên xếp lương cao nhất khối hành chính sự nghiệp.

Bảng lương giáo viên từ 01/01/2026 sẽ xếp theo từng cấp học và trình độ đào tạo?

Hiện nay, giáo viên chia thành các hạng I, II, III vướng mắc vô cùng bất cập như giáo viên cùng có trình độ đại học, cùng công tác chung 1 cấp học, công việc như nhau nhưng có người hưởng lương hạng I, II có người hưởng lương hạng III chênh lệch khá lớn, gây bất công; có giáo viên hạng III làm tốt công việc, thực hiện nhiều nhiệm vụ hiệu quả hơn nhưng lương lại thấp hơn nhiều so với giáo viên hạng I, II; có hiệu trưởng làm công việc vô cùng vất vả, áp lực nhưng xếp lương hạng III, giáo viên không kiêm nhiệm gì vẫn xếp lương hạng I, II; có giáo viên đang hưởng lương 3,0 hay 3,33 được chuyển sang hệ số lương mới 4,0 dù không giữ nhiệm vụ gì,…

Vô số bất cập, phát sinh từ thực tiễn khi xếp lương theo chia hạng đối với nhà giáo, nên Luật Nhà giáo mới bỏ chia hạng này nhận được sự đồng thuận rất lớn, kỳ vọng sẽ chấm dứt bất cập, bất công trong trả lương cho nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Theo Luật Nhà giáo, chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Như vậy trong mỗi cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông sẽ có bảng lương phù hợp với trình độ đào tạo.

Giáo viên có trình độ đào tạo cao hơn sẽ được hưởng lương cao hơn là hợp lý, giáo viên trung học phổ thông có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ sẽ hưởng lương cao hơn giáo viên có trình độ đại học.

Tuy nhiên, giáo viên có trình độ đại học nhưng thực hiện nhiều công việc, hiệu quả cao hơn sẽ được các khoản thưởng cao hơn, đó là ý nghĩa của việc trả lương theo trình độ đào tạo, hiệu quả công việc.

Lương tăng, có thêm nhiều phụ cấp, chính sách đặc thù,...cần đi kèm với trách nhiệm, cấm tuyệt đối dạy thêm tiêu cực, dạy thêm trái phép, trả lại sự tôn nghiêm, uy tín và vị thế của nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/du-kien-xep-lai-bang-luong-chuc-danh-nha-giao-119250706155036365.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam