Chúng tôi thiết nghĩ, trước hết cần nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác các tuyên bố và cách thức ứng xử của phía Philippines trong thời gian hậu phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016.
Bởi vì việc này có liên quan cũng như ảnh hưởng đến vai trò của Philippines khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: CNN / Getty. |
Qua những gì giới phân tích đã quan sát và bình luận có thể thấy rằng, trong nội bộ chính giới và dư luận Philippines cũng đã có những nhận thức, quan điểm khác nhau về kế sách có thể áp dụng cho thời kỳ hậu Phán quyết Trọng tài.
Nhóm quan điểm thứ nhất:
Tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với Trung Quốc, nhưng bằng lý lẽ ôn hòa, trên cơ sở thống nhất nhận thức về tính khả thi của Phán quyết Trọng tài trong điều kiện và bối cảnh quốc tế hiện nay để có sách lược đấu tranh thích hợp;
Lựa chọn này có thể giúp Manila vừa không đẩy tranh chấp lên đỉnh điểm dễ dẫn đến đối đầu, xung đột, vừa tiếp tục duy trì giá trị của Phán quyết Trọng tài để sử dụng trong quá trình đàm phán và đấu tranh pháp lý với Trung Quốc trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, chống lại các hành động bất chấp luật pháp của Bắc Kinh.
Nhóm quan điểm thứ hai:
Trước sức ép của Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế, chính trị trong quan hệ với Bắc Kinh, Philippines xuống thang, nhân nhượng Trung Quốc bằng cách trực tiếp hay gián tiếp phớt lờ thành quả đấu tranh pháp lý của chính mình do Phán quyết Trọng tài mang lại.
Nhiều người, kể cả người Philippines, cho rằng Philippines đã nghiêng về chiều hướng ứng xử thứ 2.
Tuy nhiên, quan sát và phân tích kỹ những tuyên bố và cách ứng xử của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng ông chủ Điện Manacanang - Tổng thống Rodrigo Duterte - đã thể hiện một cách xuất sắc kế sách của nhóm quan điểm thứ nhất.
Ngư dân Philippines đã có thể quay trở lại đánh bắt tại Scarborough mà không bị tàu Trung Quốc quấy phá kể từ khi Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này năm 2012. Đây là thành quả bước đầu của Tổng thống Rodrigo Duterte sau thắng lợi Phán quyết Trọng tài. Ảnh: ABS-CBN News. |
Nhờ đó ông đã mang về 24 tỉ USD cam kết viện trợ, đầu tư từ Trung Quốc; 8,7 tỉ USD cam kết viện trợ và đầu tư từ Nhật Bản, hai kỳ phùng địch thủ ở Đông Á.
Ông Perfecto Yasay khi còn là Ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố rằng, Manila sẽ không nêu Phán quyết Trọng tài ra các cuộc họp của ASEAN và các hội nghị, diễn đàn liên quan năm 2017 với tư cách Chủ tịch luân phiên của khối.
Bởi vì, đó chỉ là vấn đề song phương giữa Manila và Bắc Kinh.
Nhưng Chủ tịch ASEAN sẽ không ngăn cản các thành viên khác của khối nêu vấn đề này lên bàn hội nghị.
Như thế, Bắc Kinh cũng khó nói được gì Manila, vì Trung Quốc cũng phải hiểu rằng Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng cần phải tôn trọng và lắng nghe tiếng nói từ các thành viên.
Manila không chủ động nêu vấn đề đã là giữ thể diện cho Bắc Kinh rồi.
Nói cách khác, đây chỉ là đòn "mượn hoa dâng Phật" của Điện Manacanang mà thôi.
Phải chăng đây chính là những ứng xử thể hiện vai trò của Chủ tịch luân phiên của Philippines trong sứ mệnh tìm cách lái con tàu Biển Đông vượt qua song gió của cuộc canh tranh địa- chính trị giữa các siêu cường trong năm 2017?
Việt Nam có cần đánh giá lại chiến lược của Mỹ với châu Á và Biển Đông? |
Thiết nghĩ đó cũng là phương cách xử lý khôn ngoan của Philippines trong quan hệ “bất tương xứng” với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam và Philippines là hai thành viên của Cộng đồng ASEAN, là đối tác chiến lược của nhau. Đặc biệt, hai nước có khá nhiều điểm tương đồng, cùng chung hoạn nạn trước tham vong của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông;
Do đó hai nước có cùng mục đích, vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông, vừa góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển vì thịnh vương chung của khu vực và quốc tế.
Vì vậy, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm đàm phán song phương, đa phương hoặc thông qua các cơ quan tài phán quốc tế…, là chủ trương chung.
Đây là lựa chọn đúng đắn nhất, thích hợp nhất, văn minh nhất, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang biến đổi khôn lường, rất phức tạp và nhạy cảm.
Để giải quyết tranh chấp Biển Đông theo chủ trương đó, trong thời gian qua Philippines đã thu được thành công trong việc triển khai áp dụng một số giải pháp cụ thể.
Vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, với việc Tòa Trọng tài đã ra Phán quyết 12/7/2016, là có lợi không những cho Philippines mà còn có lợi cho công đồng khu vực và quốc tế.
Chiến tranh pháp lý với cái gọi là “Tứ Sa” |
Phán quyết Trọng tài vì công lý, thượng tôn pháp luật và đặc biệt là đã góp phần duy trì, phát huy hiệu lực của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đang đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi các yêu sách vô lý của Trung Quốc trong Biển Đông.
Nhưng công lý luôn luôn là mục tiêu, đích đến của nhiều nỗ lực đấu tranh, chứ không tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Đặc biệt là trong bối cảnh chính trị quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới II có nhiều biến động, Trung Quốc nổi lên thành đối thủ cạnh tranh quyền lực với Hoa Kỳ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó, Phán quyết Trọng tài là thắng lợi quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu.
Hiện thực hóa các nội dung Phán quyết còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính Philippines, cũng như các nước khác ven Biển Đông và các quốc gia hưởng lợi từ tuyến hàng hải huyết mạch qua khu vực này.
Trong bối cảnh hiện tại, giữ cho được hòa bình, ổn định và tìm kiếm hợp tác trên Biển Đông chính là chìa khóa để thực hiện Phán quyết. Nói gì thì nói, ngồi xuống được với nhau thì mới có cơ hội đàm phán và đấu tranh bằng căn cứ pháp lý.
Do đó, chúng tôi đánh giá rất cao Nội các Tổng thống Benigno Aquino III trong việc mang lại cho Biển Đông một Phán quyết Trọng tài đầy thuyết phục, rõ ràng về ứng dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982;
Chúng tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ cách Tổng thống kế nhiệm, Rodrigo Duterte xử lý tình huống để giữ vững thành quả Phán quyết Trọng tài, bằng cách đối thoại với Trung Quốc.
Hậu Phán quyết Trọng tài, giữ được hòa bình và ổn định trên Biển Đông là đóng góp rất lớn của ngài Rodrigo Duterte.
Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi phần tiếp theo: Biển Đông năm 2018 có “yên ả”, Singapore sẽ chèo lái con thuyền ASEAN ra sao?