Thực hiện đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội", Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lựa chọn 5 trường để thí điểm gồm: Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên), Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa), Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng). [1]
Mô hình nhiều ưu điểm nhưng cần lộ trình rõ ràng
Là 1 trong 5 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn để thí điểm mô hình giáo dục thông minh, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Long Biên, Hà Nội) cũng có một số thế mạnh sẵn có.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho biết: “Quận Long Biên đã sớm xây dựng mô hình trường học điện tử và nhà trường đã đáp các ứng tiêu chí của mô hình này. Nền tảng ban đầu này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường khi thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác giảng dạy. Chúng tôi chủ trương luôn cập nhật, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.
Theo thầy Tuấn, trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng.
Do đó, các thầy, cô Trường Trung học cơ sở Chu Văn An luôn phấn đấu để đáp ứng và nâng cao chuẩn trình độ đào tạo. Hằng năm, nhà trường có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin.
Thầy Tuấn cũng nhìn nhận: “Nếu mô hình này được thực hiện một cách phù hợp, hiệu quả sẽ đem lại nhiều kết quả, tác động tích cực trong công tác dạy và học của các nhà trường.
Giáo viên biết cách sử dụng linh hoạt, thành thạo các thiết bị, phần mềm sẽ giúp nội dung bài giảng phong phú, lôi cuốn học sinh. Ngoài ra, mô hình giáo dục thông minh còn hỗ trợ rất nhiều cho các thầy cô trong việc soạn bài, giao bài tập, kiểm tra và đánh giá học sinh,...
Hơn nữa, học sinh sẽ được mở mang nhiều kiến thức, có kỹ năng sử dụng các thiết bị hiệu quả khi sớm được tiếp cận với công nghệ".
Đánh giá về tính khả thi của mô hình này, vị hiệu trưởng cho hay, bước đầu có thể nhìn thấy mô hình này có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cần phải có chủ trương, lộ trình rõ ràng.
Tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô Vũ Thúy Hường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình giáo dục thông minh là một bước tiến lớn của ngành giáo dục Thủ đô, nhà trường rất tự hào được lựa chọn thí điểm và hứa hẹn sẽ mang lại những thành quả tích cực cho các thế hệ học sinh.
Hiện nay, nhà trường đã và đang tích cực triển khai các giải pháp công nghệ thông tin và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học. Cụ thể, lồng ghép giáo dục kỹ năng công dân số vào các môn học, tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu công nghệ”, giáo dục kỹ năng công dân số sau giờ học chính khóa, tổ chức ngày hội STEM,... giúp học sinh được tiếp cận với công nghệ, thể hiện năng lực sáng tạo. Qua các hoạt động này, các em có thể nhận được rất nhiều giải thưởng, giấy khen của các cấp, các ngành.
Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư các trang thiết bị công nghệ, bao gồm: hệ thống máy tính, máy chiếu, và kết nối Internet ổn định trong các phòng học. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động dạy học số và sử dụng công nghệ trong công tác dạy và học của nhà trường”.
Cô Hường cũng cho hay, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã được tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới.
Bên cạnh đó, nhà trường nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh trong việc trang bị thiết bị học tập cho các em, điều này đã tạo nên những thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Chia sẻ về những "điểm sáng" của mô hình giáo dục thông minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ ra, với công nghệ và trí tuệ nhân tạo, có thể giúp học sinh tăng cường sự tương tác trong lớp học; cá nhân hóa quá trình học tập; làm quen và phát triển khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, mở ra cơ hội để học sinh, giáo viên và phụ huynh kết nối, trao đổi thông tin.
Kinh phí hạn hẹp, phải giải quyết bài toán khai thác tối đa hiệu quả từ nguồn lực hiện có
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện thực tế, nhà trường còn tồn tại một số khó khăn trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy:
"Đội ngũ giáo viên của nhà trường vẫn đang thực hiện bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm thực hiện tốt nội dung, yêu cầu của chương trình. Do vậy, khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đặt ra yêu cầu đội ngũ giáo viên phải liên tục học hỏi, đổi mới dẫn đến bước đầu có một số khó khăn về việc tạo sự đồng thuận, tâm lý sẵn sàng của các thầy cô.
Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cần có nguồn lực đầu tư không chỉ với các thiết bị mà còn cả vấn đề phần mềm, hệ thống kết nối dữ liệu. Với kinh phí hạn hẹp, nhà trường phải giải quyết bài toán làm sao để khai thác được tối đa hiệu quả từ những nguồn lực hiện có.
Đồng thời, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh cũng là yếu tố quan trọng để việc thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin diễn ra thuận lợi. Do vậy, nhà trường cần chú trọng việc kết nối với phụ huynh, chứng minh hiệu quả qua kết quả học tập, sự thích thú của học sinh để từ đó có được sự đồng thuận từ phía gia đình của các em" - vị hiệu trưởng phân tích.
Bên cạnh những lợi ích trên, cô Vũ Thúy Hường cũng chỉ ra một số khó khăn: "Mặc dù đã có sự đầu tư cơ bản, nhưng việc áp dụng công nghệ đòi hỏi ngân sách lớn để duy trì và nâng cấp liên tục. Đặc biệt là khi muốn ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các thiết bị tiên tiến hơn vào lớp học.
Hơn nữa, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện sở hữu thiết bị cá nhân hoặc kết nối Internet mạnh ở nhà, điều này gây khó khăn cho các em khi làm bài tập trực tuyến hay tự học với các phần mềm học tập.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng cần thời gian bồi dưỡng, học hỏi để có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng, thiết bị công nghệ mới.
Dù còn nhiều việc phải làm để mô hình này có thể triển khai một cách hoàn chỉnh, nhưng chắc chắn, với sự quyết tâm và hợp tác của nhà trường, phụ huynh và học sinh, sẽ tạo ra một môi trường học tập tiên tiến và hiệu quả nhất”.
Để mô hình giáo dục thông minh được triển khai toàn diện và hiệu quả tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô, cô Hường đề xuất cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục tổ chức đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh xây dựng kho tài nguyên học liệu số dùng chung cho các trường.
“Để mô hình giáo dục thông minh đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp quản lý tổ chức thêm các chương trình, hội thảo giúp phụ huynh nắm vững cách hỗ trợ con em mình trong việc học tập với công nghệ tại nhà.
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục là một quá trình đổi mới, cần có các sáng kiến từ thực tiễn của từng trường để phù hợp với nhu cầu học sinh.
Chúng tôi đề xuất các cơ quan giáo dục mở rộng các chương trình thí điểm, hỗ trợ các trường triển khai các mô hình giáo dục thông minh khác nhau, từ đó đúc kết kinh nghiệm và mở rộng phạm vi áp dụng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà trường về tài chính, cơ sở vật chất, hoặc hợp tác phát triển các phần mềm, ứng dụng phù hợp với giáo dục tiểu học để giúp trường học tiếp cận công nghệ một cách toàn diện và bền vững hơn”, cô Hường chia sẻ.
Tương tự, để giải quyết những khó khăn trên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị,... cho các nhà trường. Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các cơ quan chuyên môn cần sớm có quy trình thẩm định rõ ràng, lựa chọn mô hình tổng thể để các nhà trường có hướng đi chắc chắn, bài bản, đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí nguồn lực.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Nhà trường sẽ bám sát chỉ đạo của các cấp ngành theo định hướng chỉ đạo phát triển chuyển đổi số trong giáo dục.
Ngoài ra, nhà trường có định hướng về nguồn lực để đầu tư vào các hạng mục như cơ sở vật chất, trang thiết bị,...; phối hợp với các đơn vị để lựa chọn và xây dựng phần mềm hiệu quả; tiếp tục bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Quan điểm của nhà trường là chuyển đổi số một cách hiệu quả, từng bước, vững vàng để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nguồn lực”.
Cán bộ quản lý phải thấy được sự cần thiết, hiệu quả để có sự nghiên cứu, đầu tư hiệu quả
Đánh giá về những thuận lợi, thách thức khi thực hiện đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng (Đại học Bách khoa Hà Nội) - Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện đề tài chia sẻ: “Ngành giáo dục Thủ đô hiện đang có khá nhiều thuận lợi. Hầu hết các trường, từ mầm non tới trung học phổ thông đều có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin, các phòng học đạt tiêu chuẩn, đội ngũ giáo viên có năng lực và hiểu biết về công nghệ thông tin,...
Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin hiện có vẫn đang ở mức độ cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của các lớp học truyền thống. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu của lớp học thông minh cần có sự trang bị đồng bộ hơn, các thiết bị đạt tiêu chuẩn cao hơn.
Theo tôi, để nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cần phải có lộ trình cụ thể. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nhận thấy được sự cần thiết, hiệu quả của mô hình giáo dục thông minh để có sự nghiên cứu, đầu tư hiệu quả”.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, bên cạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, công tác nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên cũng là yếu tố quan trọng.
Qua công tác truyền thông, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cần làm cho giáo viên hiểu rõ được thế nào là giáo dục thông minh, sự cần thiết của mô hình này trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, thúc đẩy đội ngũ giáo viên liên tục đổi mới, bồi dưỡng và nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào giảng dạy.
“Tôi kỳ vọng, mô hình giáo dục thông minh này sẽ đem lại sự thay đổi tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Kết quả từ những cuộc khảo sát, phỏng vấn lãnh đạo, giáo viên, học sinh ở 5 trường đã thí điểm đều cho thấy mô hình này đã đem lại những tác động tích cực. Do đó, tôi hy vọng mô hình giáo dục thông minh sẽ được nhân rộng ra các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội”, vị phó giáo sư bày tỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hanoi.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ha-noi-nhan-rong-mo-hinh-giao-duc-thong-minh-su-dung-tri-tue-nhan-tao/ctmb/525/15733