Vận động viên chuyên nghiệp đi thi đấu cho đội tuyển cấp tỉnh, cấp quốc gia đòi hỏi sự tập luyện gian khổ hằng ngày, đặc biệt vào dịp cận kề đợt thi đấu.
Vậy với vận động viên đi học đại học, họ sẽ phải cân bằng giữa việc học và việc tập luyện, thi đấu ra sao?
Để tìm hiểu về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi trao đổi với vận động viên Nguyễn Thị Thảo (20 tuổi, vận động viên lặn cự li 50-100m tỉnh Nam Định, sinh viên năm nhất ngành Quản trị nhân lực, Trường Đại học Hoa Sen).
Thảo chia sẻ, bản thân em lựa chọn ngành học này vì em muốn chuẩn bị cho tương lai sau khi giải nghệ, không còn là vận động viên.
Nữ vận động viên cho biết, em định hướng tương lai sẽ mở một công ty riêng kinh doanh về đồ thể thao, bởi vậy hiện tại em kết hợp giữa việc đi học và tập luyện.
Chia sẻ về quãng thời gian sinh hoạt, học tập, Thảo cho hay, hằng ngày em đến giảng đường từ 9h30 đến 15h30 hoặc muộn nhất là 18h30. Sau khi kết thúc ngày học, em tới bể bơi để luyện tập trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ.
"Có những hôm em nhà ăn uống, rồi học tập và đi ngủ vào lúc 1h sáng. May mắn, em ở cùng người thân nên cũng đỡ vất vả trong việc nấu ăn, sinh hoạt", Thảo chia sẻ.
Với khối lượng thời gian công việc cho học tập và tập luyện "kín mít" như trên, Nguyễn Thị Thảo thẳng thắn chia sẻ, em không nhận dạy thêm bơi lội và cũng không đi chơi vào ngày nghỉ Chủ nhật.
Vào ngày này, em sẽ ở nhà để thư giãn sau một tuần làm việc, học tập căng thẳng.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc chi tiêu cho sinh hoạt và học tập, Nguyễn Thị Thảo thẳng thắn chia sẻ, với mức hỗ trợ từ việc thi đấu trong một năm khoảng trên 100 triệu đồng, đủ để em chi tiêu sinh hoạt và đóng học phí. Nếu như bản thân Thảo đạt được huy chương tại các kỳ thi quốc tế, ví dụ như Seagame, em có thể được thưởng đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, nữ vận động viên môn lặn - Nguyễn Thị Thảo nhận định, việc đi học kết hợp với tập luyện đã ít nhiều ảnh hưởng lẫn nhau.
"Bản thân vận động viên sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi, tiếp đó, họ sẽ khó học được tốt cả trên lớp lẫn ở thao trường", nữ vận động viên chia sẻ.
Chia sẻ về việc học tập của các sinh viên của nhà trường đang là vận động viên, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho hay, một năm học tại đơn vị có ba học kỳ, nếu như sinh viên là vận động viên đi thi đấu cho đội tuyển hai đến ba tháng, nhà trường sẽ hỗ trợ cho hỗ trợ cho sinh viên hủy đăng ký môn học để học kỳ sau học lại.
"Đối với trường hợp tập huấn ngắn hạn một vài tuần, nhà trường sẽ có chỉ đạo với các khoa, phòng ban để hỗ trợ cho sinh viên nghỉ học không bị cấm thi. Đồng thời, đề nghị giảng viên gửi tài liệu cho sinh viên ôn tập", vị đại diện chia sẻ.
Chia sẻ về việc vừa đi học đại học vừa luyện tập để thi đấu, Phạm Đăng Quang (23 tuổi, vận động viên đội tuyển quốc gia Taekwondo) cho hay, bản thân đang học ngành Kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nếu như ngành học của em khung chương trình đào tạo có thời gian là 3,5 năm sẽ có thể tốt nghiệp, còn Quang đến nay đã gắn bó với nhà trường 5 năm, bởi một lý do.
"Có những đợt em đi thi đấu cho đội tuyển vài tháng trời nên phải tạm dừng việc học, điều này đã làm gián đoạn đến thời gian tốt nghiệp của em", Quang chia sẻ.
Chàng sinh viên Kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện, cho hay, thời gian học tập và tập luyện của Quang kín cả ngày. Một ngày Quang học ca sáng, còn chiều và tối, Quang sẽ đến nhà thi đấu để tập luyện khoảng bốn đến năm tiếng đồng hồ.
Có những hôm tập luyện mệt mỏi, về nhà, Quang vẫn phải ôn luyện bài vở trên lớp. Có những hôm mệt, em đã ngủ thiếp đi.
"Hôm nào em ngủ muộn là vào 1-2 giờ sáng. Do không có thời gian rảnh nên em cũng không nhận kèm cặp Taekwondo cho học sinh nào", Quang chia sẻ.
Theo Phạm Đăng Quang, về phía nhà trường đã tạo điều kiện cho em cũng như các bạn khác là vận động viên mỗi khi đến dịp đi thi đấu. Điều này giúp họ có thêm sự yên tâm trong quá trình tập luyện.
Chia sẻ về lý do chọn ngành, chọn trường đại học hiện tại, Phạm Đăng Quang cho biết, tương lai em muốn mở một câu lạc bộ để quảng bá môn võ Taekwondo tới công chúng nhiều hơn, để họ cùng được rèn luyện võ thuật. Kiến thức được học tập ở trường sẽ giúp Quang quản lý câu lạc bộ tốt hơn.
Về lý do theo đuổi Taekwondo, Phạm Đăng Quang cho biết, bản thân em có niềm đam mê với môn võ thuật này từ lúc năm tuổi, đến năm mười tám tuổi Quang được vào đội thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
"Khi em lựa chọn con đường theo nghiệp vận động viên, bố mẹ hoàn toàn ủng hộ, vì anh trai em cũng là vận động viên", Quang cho hay.
Nguyễn Quang Trí - vận động viên Taekwondo Thành phố Hồ Chí Minh (20 tuổi, sinh viên năm 2 ngành Ngôn Ngữ Anh, chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh, Trường Đại học Hoa Sen) chia sẻ, em nhận được học bổng Tài năng của trường Đại học Hoa Sen và để giữ được học bổng, em luôn phải cố gắng trong học tập. Tuy nhiên, khó khăn đối với em trong quá trình vừa đi học vừa tập luyện là phải cân đối quỹ thời gian.
“Nhà em đến trường khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Sau giờ học, vào chiều tối, em tập luyện tại nhà thi đấu khoảng ba đến bốn tiếng đồng hồ. Việc tập luyện vào buổi tối nên em phải chi tiền để mua đồ ăn cũng khá tốn kém”, Trí chia sẻ.
Theo nam sinh, thời điểm hiện tại là quãng thời gian vất vả đối với em vì sắp phải đi thi đấu giải vô địch Taekwondo Châu Á tại Đà Nẵng.
Đứng trước những khó khăn, vất vả, Trí đã nỗ lực cân bằng quỹ thời gian học tập và tập luyện, để đạt được học bổng. Kết quả, em đạt xếp loại giỏi trong năm nhất (điểm GPA là 3.69). Trí dự định sau khi tốt nghiệp có thể làm giáo viên giảng dạy tiếng Anh.
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục.
Cũng trong ngày 27/3/1946, trên báo Cứu Quốc đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”.
Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.