Năm 2011, cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” dày 700 trang gây tiếng vang trong giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tác giả công trình nghiên cứu này là họa sĩ, nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, người được xem là luôn "nặng lòng với văn hóa Việt”. NNC Phan Cẩm Thượng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ông cho biết, sở thích của ông là rong chơi, thích nhất được vẽ về các di tích, di sản mỹ thuật cổ. Chính nhờ có dịp đi nhiều nơi, nhiều vùng đất khác nhau đã giúp ông có kiến thức sâu rộng về văn hóa, mỹ thuật các vùng miền, triều đại, dân tộc khác nhau... làm tiền đề cho chặng đường khoa học gắn bó với văn hóa dân tộc của ông.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (ảnh N.Đ.Toán): “Cái chính khiến người ta cảm thấy văn hóa nước ta xuống dốc là do nhiều vấn đề đang phát triển lộn ngược". |
Nhiều vấn đề của văn hóa Việt đang phát triển ngược Có thể nói qua những cuốn sách nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật người đọc cảm nhận sự “đau đáu” của NNC Phan Cẩm Thượng về văn hóa Việt. NNC Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của người Việt hiện nay đang xuống dốc và “Xét cho cùng về mặt triết học, thì xã hội nào thiện – ác cũng gần ở thế cân bằng giữa 51% và 49%. Sự xuống dốc của đời sống văn hóa nước ta hiện nay khiến nhiều người lo ngại".
TS. Vương Quân Hoàng: “Nếu bạn làm thật, tôi sẽ đầu tư một nửa”
TS Nguyễn Nhã: Nền tảng của văn hóa Việt là “yêu nước trong xây dựng”
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã”
Cũng theo ông, ranh giới mỏng manh giữa 49% với 51%, chỉ hơn kém nhau 1% những giữa cái thiện cái ác, cái xấu cái tốt ấy rất quan trọng. Nó có thể là cái mốc để đánh giá xã hội đó ra sao. “Cái chính khiến người ta cảm thấy văn hóa nước ta xuống dốc là do nhiều vấn đề đang phát triển lộn ngược”, NNC Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh. Những vấn đề phát triển lộn ngược với quy luật này là kiến trúc, giao thông, giáo dục… “Ví dụ kiến trúc là phải xây dựng công trình ngầm – xây đường giao thông – rồi mới xây nhà, thì chúng ta đang làm ngược lại... những cái lộn ngược ấy làm cho văn hóa tụt dốc, và xã hội bất an”, NNC Phan Cẩm Thượng nói. Tuy nhiên, NNC Phan Cẩm Thượng cho rằng, văn hóa Việt vẫn có điểm mạnh và trong hoàn cảnh nhất định điểm mạnh đó tạo nên sức mạnh tổng hợp cho toàn dân tộc. Nguồn gốc hai điểm mạnh của văn hóa Việt Nam xuất phát từ cuộc chiến tranh vệ quốc và cuộc sống khó nghèo. “Thứ nhất, điểm mạnh trong văn hóa Việt Nam được thể hiện qua những cuộc chiến tranh vệ quốc, lúc đó toàn bộ dân tộc tạm trút bỏ những mâu thuẫn bên trong, sát cánh bên nhau với tinh thần tương thân tương ái. Điểm mạnh khi đó chính là tình hữu ái và sự đoàn kết, sự sáng tạo trong bảo vệ độc lập; Thứ hai do cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, nên người Việt thông minh, chịu học hỏi, bắt chước giỏi và vô cùng nhẫn nại. Đó cũng là điểm mạnh của nền văn hóa xuất phát từ cuộc sống nông dân làng xã”, NNC Phan Cẩm Thượng cho biết. Song, dường như những cái mạnh đó là chưa đủ trong thời kỳ hòa bình, cần xây dựng và hướng tới một tương lai bền vững trong sự phát triển kinh tế. “Chúng ta đã hủy hoại môi trường tự nhiên và thẩm mỹ xã hội để phát triển nhanh, nên hậu quả cũng rất nặng nề và tác động trực tiếp đến văn hóa ứng xử thường ngày”, NNC Phan Cẩm Thượng nêu bất cập. Điểm yếu văn hóa Việt Nam là “thiếu văn hóa” Bên cạnh đó, NNC Phan Cẩm Thượng cũng thẳng thắn chỉ ra văn hóa Việt Nam đang bộc lộ điểm yếu cần phải loại bỏ. Theo đó, văn hóa cần được hiểu ở nhiều góc độ trong các giai tầng và cấu trúc xã hội. “Ở bề mặt cuộc sống là đạo đức ứng xử, ở hoạt động thượng tầng là chiều sâu của các giá trị nghệ thuật và sự an lành tôn giáo, ở một nhà nước cấp tiến”, NNC Phan Cẩm Thượng nhận định. “Tất cả các mức độ trên hiện ở ta còn rất yếu, và biến tướng trong đời sống thường nhật với nhiều ứng xử thiếu văn hóa (giao thông, quan hệ xã hội giữa người với người, quan hệ giữa công quyền và nhân dân, giữa con người và môi trường). Thiếu văn hóa chính là yếu điểm của văn hóa Việt Nam hiện nay, đơn giản như đã là thầy giáo thì không thể nhận biếu gì từ học sinh”, NNC Phan Cẩm Thượng nói. NNC cho rằng, văn hóa hiện nay chỉ là sự cóp nhặt do vậy không có bản sắc riêng. Mặc dù cái gốc của một nền văn hóa không bao giờ mất đi hoàn toàn nhưng đang bị phủ nhận, che mờ, biến mất từng phần. “Văn hóa không phải là một mô hình cứng đờ, bất biến, trái lại nó luôn sống động và thay đổi nhiều nhất. Người Việt không có triết học, các tôn giáo lớn thì hoàn toàn nhập ngoại và không có đời sống tôn giáo hàng ngày cho đúng nghĩa, nên văn hóa dễ thay đổi, cóp nhặt những cái được gọi là hay từ bên ngoài, sao cho tiện lợi”, NNC Phan Cẩm Thượng nhận định. Cái gốc văn hóa Việt Nam không mất đi hoàn toàn nhưng để giữ gìn phát triển cần bảo tồn nó. Khái niệm bảo tồn văn hóa theo NNC Phan Cẩm Thượng cần phải hiểu theo nghĩa không có bảo tồn văn hóa chung chung mà cần hiểu chỉ có thể bảo tồn thiên nhiên, các di sản văn hóa truyền thống. Hiện việc bảo tồn giá trị thiên nhiên và di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam hiện nay chưa tốt. Nguyên nhân “do chúng ta quá chú trọng đến kinh tế, làm ăn sao cho chóng giầu, có lợi, mà phá nát tự nhiên, hủy hoại di sản, đôi khi điều này lại diễn ra dưới lòng hảo tâm, ví dụ cúng dường rất nhiều tiền để làm mới một di tích cổ, đó chính là tiêu diệt văn hóa chứ không phải là bảo tồn”, NNC Phan Cẩm Thượng cho biết.
Hoàng Lực