Có những người tối mắt vì tiền, lợi dụng thánh thần để làm trò bịp bợm

02/03/2019 06:39
Tùng Dương
(GDVN) - Nghi lễ hầu đồng đang bị nhiều thanh đồng lợi dụng biến thành những trò mê tín dị đoan nhằm lôi kéo và kiếm tiền từ những người nhẹ dạ cả tin.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Nhưng có lẽ đây cũng là di sản khiến các nhà nghiên cứu và quản lí văn hóa của Việt Nam đau đầu nhất vì nỗi lo biến tướng, thương mại hóa của loại hình văn hóa này.

Trên thực tế nghi lễ hầu đồng đang bị lợi dụng  biến thành những trò mê tín dị đoan nhằm lôi kéo và kiếm tiền từ những người nhẹ dạ cả tin.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: H.Anh.
“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: H.Anh.

Trước vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Nghiên cứu viên cao cấp - Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Phó Giáo sư Yên chia sẻ: “Tín ngưỡng hầu đồng bị đứt đoạn mấy chục năm do cấm đoán, nay lại được khôi phục trở lại nhưng gặp thời cơ chế thị trường nên đã có xảy ra rất nhiều biến đổi, biến tướng.

Bản thân những người ra trình đồng có nhiều dạng, người có căn có số theo cách gọi của dân gian, mỗi năm người đó bỏ tiền ra mở một canh hầu đồng với số tiền không nhiều.

Mục đích chính của họ là giải tỏa tâm lí về mặt tâm linh thì đó hoàn toàn không phải là trục lợi hay lôi kéo mê tín dị đoan.

Loại thứ hai là các ông đồng thầy chủ bản đền, khi mà hoạt động hầu đồng là nghề kiếm tiền chính của họ thì họ sẽ mở các canh hầu quanh năm để phục vụ các con nhang đệ tử.

Đã là nghề thì càng nhiều người đến nhờ mở phủ trình đồng càng tốt vì sẽ có nhiều lợi nhuận, những ông thầy lợi dụng tâm linh để trục lợi thì mỗi canh hầu có giá hàng 100 triệu

Đối với những thầy có tâm thì chỉ cần 15 triệu đồng là họ đã có thể làm được một lễ trình đồng mở phủ cho con nhang, đệ tử”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.Ảnh: Tùng Dương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.Ảnh: Tùng Dương.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Yên: “Lâu nay đã có một số thanh đồng lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi, trong số đó có cả những người nổi tiếng trong giới. Họ áp dụng chiêu trò phổ biến là gặp ai cũng phán bừa rằng có căn có số, phải ra trình đồng mở phủ thì mọi chuyện mới hanh thông. Đó có thể là do mặt trái của cơ chế thị trường tác động, làm cái gì người ta cũng nghĩ đến kiếm lợi.

Nhiều người do thiếu hiểu biết hoặc đang gặp trắc trở trong cuộc sống mà nghe thầy phán hùng hồn, chắc như đinh đóng cột thì thường tâm lí bị lung lay và dễ xuôi theo, nhiều khi không có tiền nhưng cũng cố vay mượn để làm, tốn kém hàng trăm triệu”.

Kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở Văn hóa thông tin Hà Nội năm 2018 chỉ ra: “Sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, phường xã với khoảng 1.900 đền, điện thờ Mẫu.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ không chỉ diễn ra tại các đền, phủ nổi tiếng, quy mô lớn, mà còn diễn ra tại chùa, đền, đình, miếu, trong điện thờ tư gia… những nơi mà trước đây rất hạn chế những hoạt động này.

Thậm chí thực hành tín ngưỡng còn xuất hiện tại các cuộc khai mạc hội nghị, hội chợ hay sự kiện... làm sai lệch giá trị tín ngưỡng”.

Hầu hết những người đã tham dự vào nghi lễ hầu đồng đều không hiểu được bản chất, thậm chí còn huyễn hoặc vào những điều không có. Ảnh: H.Anh.
Hầu hết những người đã tham dự vào nghi lễ hầu đồng đều không hiểu được bản chất, thậm chí còn huyễn hoặc vào những điều không có. Ảnh: H.Anh.

Di sản hầu đồng có mặt tích cực về văn hóa nghệ thuật, về trang phục, hóa trang và những điệu múa, diễn xướng rất đẹp.

Nhưng về bản chất của hầu đồng lại là tín ngưỡng nên dễ dẫn dắt con người ta đến niềm tin và đây là cơ hội để các thầy phán truyền bừa bãi nhằm trục lợi, kiếm chác.

Hai vấn đề đó hiện nay các nhà quản lí vẫn chưa đưa ra được quy ước cụ thể, nếu kiểm tra thì các thanh đồng thường nói: “Đây là di sản đã được công nhận và họ không sai”.

Thanh đồng An Thanh Huyền cho biết: “Những người thực sự muốn thực hành nghi lễ tôn giáo hầu đồng nghiêm túc sẽ rất kín đáo, họ không bao giờ lôi kéo nhiều người tham gia, không có chuyện tung tiền có mệnh giá lớn trong khi múa và sẽ không có việc tranh cướp lộc.

Nếu suy nghĩ cứ đua nhau làm các giá đồng tiền tỷ, lễ vật thật hoành tráng, tung nhiều tiền, thì sẽ được các thánh thần phù hộ muốn cầu gì được nấy, đó là quan niệm rất sai và vô nghĩa.

Tôi biết có nhiều người tham gia hầu đồng nhưng vẫn lụi bại, có người không đến mức căn quả, cũng chẳng làm ăn buôn bán gì nhưng nghe thầy phán cũng vay tiền để ra trình đồng, hiện tượng đó gọi là đồng đua”.

“Sau khi tín ngưỡng tôn giáo này được vinh danh, vì chưa có luật cụ thể nên các nhà quản lí lúng túng, vô tình tạo thời cơ để các thầy lợi dụng.

Vinh danh sẽ có những việc khen ngợi, tôn vinh nên rất nhiều các thanh đồng, chủ bản đền tư nhân xin được công nhận.

Nếu được công nhận thì đó là một vinh dự nhưng cũng đồng thời là có một thứ giấy phép để quảng bá, hành nghề hợp pháp.

Nhiều thầy được phong nghệ nhân nhưng cũng có nhiều trường hợp chạy bằng tiền.

Vấn đề loạn vinh danh đã diễn ra phổ biến, nhiều tổ chức xã hội phi chính phủ đến tận nơi mời chào các thanh đồng, chủ đền làm công nhận với thủ tục cũng có thể nói là lợi dụng thu tiền.

Nhiều Thanh đồng, chủ đền chỉ phải nộp một khoản tiền nào đó là đã được vinh danh nghệ nhân hoặc công nhận dẫn đến cuộc chạy đua của các ông bà đồng.

Một bản đền được công nhận và ông thầy ở đó lại được vinh danh nghệ nhân thì các con nhang đệ tử kéo đến nhiều, thì đồng nghĩa với tăng lợi nhuận.

Đó là những tấm lá chắn văn hóa giúp ích cho việc nhiều thanh đồng trục lợi tâm linh một cách hợp pháp”, Phó Giáo sư Yên nói.

Việc thực hành mà không hiểu giá trị của tín ngưỡng sẽ tiếp tay cho việc trục lợi, buôn thần bán thánh. Ảnh: H.Anh.
Việc thực hành mà không hiểu giá trị của tín ngưỡng sẽ tiếp tay cho việc trục lợi, buôn thần bán thánh. Ảnh: H.Anh.

Giáo sư Nguyễn Chí Bền khẳng định: “Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng giống như các tín ngưỡng khác, tất cả các nghi lễ đều phải diễn ra trong không gian thiêng của tín ngưỡng đó.

Chỉ những nơi có ban thờ mẫu (gồm tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ vạn linh, tất cả thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu) mới đủ khả năng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ngoài ra, còn phải có đức tin của tín đồ, đặc biệt đồng đền, thủ nhang có hiểu biết cặn kẽ về Tín ngưỡng thờ Mẫu thì mới dắt dẫn được các con nhang để tử hoạt động có văn hóa.

Việc người dân tham gia thực hành nghi lễ tôn giáo hầu đồng mà không hiểu giá trị của tín ngưỡng sẽ tiếp tay cho việc trục lợi, biến tướng, buôn thần bán thánh”.

Tùng Dương