Có không gian quảng bá, trải nghiệm, nón làng Chuông thu hút nhiều du khách quốc tế

17/07/2025 07:40
Mạnh Đoàn
Theo dõi trên Google News

GDVN - Nghệ nhân Lê Văn Tuy vui mừng khi vào năm 2024, gian hàng trưng bày, quảng bá, trải nghiệm làm nón được nhà nước hỗ trợ đi vào hoạt động. 

Cách cổng làng Chuông (xã Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) trên Quốc lộ 21B khoảng một cây số là Đình làng Chuông, nếu như những năm về trước, nơi đây chỉ là nơi họp chợ, thì kể từ tháng 6/2024, đã có 2 gian hàng "Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm Ocop, làng nghề nón Chuông, xã Phương Trung (cũ)" của hai nghệ nhân. Đây là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm làm nón.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy (sinh năm 1969) không giấu nổi niềm vui mừng khi cơ sở trên được hoạt động. Bởi trước đây, trăn trở, ước mơ lớn nhất của cuộc đời ông là mong có một gian hàng gần chợ, để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, về nghề nón.

gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-6.jpg
Gian hàng trưng bày, giới thiệu thiệu sản phẩm nón của gia đình nghệ nhân Lê Văn Tuy. Ảnh: Mạnh Đoàn
gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-7.jpg
Bên trong gian trưng bày sản phẩm, có nhiều mẫu mã, chủng loại nón.

"Tôi rất vui khi Thành phố, chính quyền địa phương có chính sách, tạo điều kiện để phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng. Qua đó, giúp tôi thực hiện được ước mơ là có một khu trưng bày giới thiệu về nghề làm nón để lan tỏa ngành nghề, cũng như để du khách được trải nghiệm làm nghề", nghệ nhân Lê Văn Tuy nói.

Ông đã gắn bó với nghề làm nón đến nay cũng gần bằng tuổi đời của mình. Ông cho hay, khi bốn, năm tuổi, ông đã theo nghề truyền thống của dân làng và gia đình. Dù thu nhập không phải là khá giả nhưng ông vẫn kiên quyết bám trụ lấy nghề.

gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-13.jpg
Nghệ nhân Lê Văn Tuy đang thực hiện công đoạn quét dầu bóng lên mặt ngoài chiếc nón. Nghệ nhân Lê Văn Tuy được Hội liên hiệp làng nghề xét tặng danh hiệu nghệ nhân làm nón vào năm 2018 và đến năm 2020, ông được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu nà. Ảnh: Mạnh Đoàn

"Đáng lẽ, tôi giờ phải là giáo viên mới đúng, bởi năm xưa người thân khuyên tôi học sư phạm để sau làm giáo viên tiểu học nhưng tôi không học. Đó cũng là một sự duyên nợ", nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ.

Trong 51 năm làm nghề, nghệ nhân Tuy nhận thấy thời điểm khó khăn nhất với gia đình ông cũng như các hộ gia đình khác làm nghề là vào đợt dịch Covid-19. Khi đó, sản phẩm không có đầu ra, người dân ế ẩm nhiều nón. Nhận thấy điều đó, ông Tuy đã đứng ra thu mua cho dân làng để bán sau.

"Để có vốn thu mua nón của bà con dân làng, tôi đã đi vay vốn ở ngân hàng", ông Tuy nhớ lại.

Uy tín làm nghề giúp đơn hàng ổn định

Phát triển nghề đến nay đã nhiều năm, giờ đây gia đình ông luôn có các đơn hàng ổn định, đảm bảo đầu ra của sản phẩm.

Theo đó, các mặt hàng của ông đã được xuất khẩu đi quốc tế cho các công ty du lịch. Nếu như trước đây, sản phẩm của gia đình ông phải thông qua trung gian thì nay đã đến trực tiếp đơn vị lữ hành với mức giá bán như ở địa phương.

Với mức giá hợp lí, việc này giúp ông bán được số lượng lớn sản phẩm. Qua đó, người dân địa phương ổn định đầu ra sản phẩm và thu nhập. Đơn cử như ngày 25/7 tới đây, gia đình ông sẽ xuất khẩu 3.000 chiếc nón đi Bungaria.

gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-3.jpg
Hai chiếc nón có có màu sắc được tạo hình bằng vải in màu. Ảnh: Mạnh Đoàn
gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-4.jpg
Những chiếc nón với mẫu mã đa dạng bắt mắt. Ảnh: Mạnh Đoàn

Để làm ra một chiếc nón, thời gian có thể là chỉ vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Điều này đồng nghĩa, thời gian dài tương đương với chất lượng chiếc nón.

"Với một chiếc nón thông thường, tôi làm trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Còn với nón được khách đặt hàng, dựa trên yêu cầu của họ, có thể mất 2-3 ngày", nghệ nhân Lê Văn Tuy cho biết.

Bắt nhịp xu thế của thời đại, nghệ nhân Lê Văn Tuy cũng cho ra nhiều chiếc nón đa dạng mẫu mã, chủng loại. Bản thân ông cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu mẫu nón, nhưng ước tính con số cũng lên đến hàng trăm. Đơn cử, ông cho ra loại nón nhà sư, nón quai thao, nón Huế, nón in ảnh, nón vẽ...

nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-9.jpg
img-1808.jpg
Vào năm 2022, nghệ nhân Lê Văn Tuy có 5 sản phẩm nón được công nhận Ocop đạt 4 sao.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy cho hay, giá một chiếc nón cũng rất đa dạng. Giá từ 30.000 đồng đến hàng triệu đồng. Hiện nay, gia đình có hơn chục nhân công tham gia làm nón, bên cạnh đó, ông cũng thu mua hàng của người dân làm ra.

Khách du lịch hào hứng trải nghiệm làm nón

Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu nón của gia đình ở địa phương, bản thân nghệ nhân Lê Văn Tuy còn tham gia nhiều sự kiện trong nước của các bộ ngành, đơn vị. Ông cũng đến các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học để hướng dẫn các cháu học sinh, sinh viên quá trình làm ra sản phẩm. Tính riêng cuối năm 2024, ông Tuy đã đón 10.000 học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội về trải nghiệm làm nón.

"Tôi cũng về nhiều địa phương ở Hà Nội để hướng dẫn, quảng bá về kinh nghiệm làm nón từ bản thân tôi", nghệ nhân Tuy chia sẻ.

Không những vậy, gian hàng của gia đình ông là địa chỉ quen thuộc với khách du lịch quốc tế đến tham quan trải nghiệm. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó đặc biệt người Anh, Pháp rất thích trải nghiệm dịch vụ này.

Theo đó, chỉ với 50 nghìn đồng, du khách sẽ được trải nghiệm làm nón trong khoảng 30 phút. Nếu du khách muốn trải nghiệm thêm, gia đình ông cũng rất vui lòng phục vụ.

Đối với người học làm nghề nón, công đoạn khâu nón (thắt nón) là khó nhất. Theo đó, khi đâm kim qua lớp lá nón phải qua một đoạn tròng, và thắt càng chặt thì chiếc nón sẽ càng cứng cáp.

gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-10.jpg
Anh Aren (đến từ Marocco) đang trải nghiệm công đoạn khâu nón. Ảnh: Mạnh Đoàn
img-1769.jpg
Theo chia sẻ từ anh Aren, anh và vợ biết đến điểm trải nghiệm này thông qua bạn bè. Hai vợ chồng anh đã thuê xe trong ngày để đến đây được trải nghiệm làm nón, anh cảm thấy nghề làm nón rất thú vị nhưng cũng rất khó khi thực hiện khâu nón. Ảnh: Mạnh Đoàn
gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-14.jpg
Vợ chồng anh Aren cùng nghệ nhân Lê Văn Tuy chụp lưu niệm với chiếc nón được vợ chồng anh tô màu hoàn thiện. Ảnh: Mạnh Đoàn

Trên một chiếc nón thường sẽ có 16 vòng, tượng trưng cho độ tuổi đẹp nhất của một người con gái. Đầu tiên là vòng cạp, nó giống như bộ xương sống của con người, gánh nặng cho cả chiếc nón, kế đến là 5 vòng tròn, tiếp đó là 5 vòng chân, 5 vòng nứa. Lá nón được làm từ lá cọ non (lấy từ tỉnh Thanh Hóa) hoặc lá cọ già (lấy từ tỉnh Phú Thọ cũ).

Bên cạnh hoạt động trải nghiệm làm nón, du khách còn được gia đình ông Tuy đưa đi trải nghiệm Chùa làng Chuông, ngôi nhà cổ trăm năm của một hộ dân ở địa phương. Nếu du khách có nhu cầu ăn uống, ông cũng sẽ sắp xếp tổ chức cho họ.

gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-23.jpg
Nghệ nhân Lê Văn Tuy giới thiệu nguyên liệu làm nón. Ảnh: Mạnh Đoàn
gdvn-nghe-nhan-lang-chuong-lam-non-le-van-tuy-8.jpg
Nghệ nhân Tuy thực hiện công đoạn là lá cọ non để chiếc lá được phẳng. Công đoạn này là từ một bó vải được buộc chặt là chiếc lá trên một tấm kim loại được làm nóng. Ảnh: Mạnh Đoàn

Sau khi hai vị khách đến từ Marocco rời cơ sở của gia đình ông Tuy, một đoàn du khách đến từ Israel đã đến trải nghiệm làm nón.

Anh Chu Hà (hướng dẫn viên du lịch) cho hay, các du khách nước ngoài thường rất thích đến trải nghiệm văn hóa các làng nghề tại Hà Nội. Hôm nay, anh đưa đoàn du khách đến trải nghiệm làm nón tại gia đình nghệ nhân Lê Văn Tuy và họ rất thích thú khi được làm công đoạn là nón, vẽ.

"Việc kết hợp du lịch gắn với làng nghề là điều rất tốt để phát triển kinh tế địa phương, quảng bá sản phẩm đến bạn bè quốc tế", anh Hà cho hay.

Chia sẻ thêm về gia đình, nghệ nhân Lê Văn Tuy cho hay, hai người con của ông đã biết làm nghề từ nhỏ nhưng có thiên hướng chọn học lên cao.

"Nghề làm nón tuy thu nhập không cao nhưng tạo ra việc làm ổn định cho những người cao tuổi ở địa phương. Bên cạnh đó, vào dịp nghỉ hè các cháu học sinh cũng có công việc làm thêm để tránh tụ tập, chơi bời", nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ.

Theo một cán bộ xã Thanh Oai, các làng nghề nông thôn được Thành phố Hà Nội rất quan tâm. Tính riêng năm 2025, vào tháng 3 vừa qua, Thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố trong năm 2025, trong đó có mục tiêu phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm.

Đến tháng 4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản đề nghị Hội đồng thủ công thế giới xem xét công nhận Hà Nội trở thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo Thế giới.

Mạnh Đoàn