Giọng hát Việt thách thức khán giả vì thí sinh 'sính ngoại'

11/07/2012 06:06
Quốc Khánh
(GDVN) - Giọng hát Việt đã làm cho khán giả “bấn loạn” ngay từ màn chào sân ấn tượng. Ấn tượng không phải chỉ vì sự xuất sắc của các thí sinh, các “chiêu” lôi kéo của giám khảo mà còn ấn tượng bởi những bài hát thí sinh chọn đa phần là tiếng Anh.
Một chương trình phát sóng trên đài truyền hình quốc gia giành cho hàng triệu người xem để chọn ra những giọng hát hay nhưng đa phần thí sinh được khen lại hát bằng tiếng Anh. Xem xét ở góc độ đại bộ phận khán giả, thì nhiều người xem chương trình không thể hiểu thí sinh đang hát gì. Đành rằng, đó là những ca khúc nổi tiếng khắp thế giới nhưng không có nghĩa ở nước ta ai cũng biết và cũng từng nghe. Trình độ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của đại đa số người dân Việt còn chưa cao. Số người nói và nghe được tiếng Anh chưa nhiều thì việc các thí sinh chọn bài hát tiếng nước ngoài để thể hiện sẽ là một “thách thức” lớn đối với người xem.
Chương trình chỉ giành cho người nghe được tiếng Anh?
Chương trình chỉ giành cho người nghe được tiếng Anh?
Liệu có bao nhiêu người nghe được, hiểu và cảm nhận đó là một bài hát hay? Phải chăng, chương trình này chưa được “Việt hóa” hoàn toàn hay nhà tổ chức chỉ giành cho một bộ phận những người biết tiếng Anh? Hơn nữa, một ca sỹ có thể hát bài hát tiếng Anh rất hay nhưng chưa chắc đã hát tiếng Việt một cách “tròn vành rõ chữ” được. Ngay cả những ca sỹ nổi tiếng, trình bày những ca khúc tiếng Anh như Mỹ Tâm với ca khúc Hurt so much trong album Trở lại; ca khúc Leave me alone được Phương Vy thể hiện trong album Lúc mới yêu, Thu Minh "phiêu" với Last kiss goodbye, It's all over trong album I do… cũng chưa làm hài lòng người nghe. Điểm khó nhất của người Việt học tiếng Anh là cách phát âm. Chỉ riêng việc nói cho người bản xứ hiểu được đã là việc không đơn giản thì việc hát để người khác cảm nhận được bài hát đó thực sự hay lại càng khó hơn gấp trăm lần. Việc nối chữ, nuốt chữ cho chuẩn, ngân nga làm sao cho thể hiện rõ nét cảm xúc thực sự không phải là điều dễ làm. Ngay cả những ca sỹ chuyên nghiệp của chúng ta khi hát bằng tiếng Anh cũng có những chỗ “phô” thì những thí sinh không chuyên liệu có thể làm tốt hơn được không. Theo nhạc sỹ Hoài An, không hiếm ca sỹ Việt hát nhạc ngoại rất hay nhưng đằng sau họ là cả một chuỗi những tháng ngày khổ luyện. Và khi đã hát tiếng Anh tốt rồi, quay lại hát tiếng Việt thường dễ bị khô cứng. Ngược lại, với một giọng ca thường xuyên hát tiếng Việt và bắt đầu hát tiếng Anh như một cách làm mới thì hiệu quả không có gì đáng kể. Điều đó có nghĩa, cả khi ca sỹ đã thành danh thì việc lựa chọn tiếng Anh làm điểm bắt đầu cũng không phải là cách làm thông minh.
Những giọng hát tiếng Anh gây "sốt" kia có thực sự xuất sắc?
Những giọng hát tiếng Anh gây "sốt" kia có thực sự xuất sắc?
Chúng ta còn nhớ “hội chứng” nói được 6 thứ tiếng của Quỳnh Anh. Ở đây, chúng ta không lên án hay bình luận về những phát ngôn của cô bé hay những người liên quan mà chỉ nhìn nhận nó như một ví dụ về sự sính ngoại của giới trẻ nói chung, chương trình truyền hình thực tế ngoại lai nói riêng. Phải chăng ca khúc Việt không có bài nào đáng để hát. Hay những bài hát Việt không thể giúp cho các thí sinh thể hiện được. Hay giọng ca Việt chỉ có thể hát hay khi hát bằng tiếng Anh? Và một chương trình truyền hình thực tế được qua biên tập, chỉnh sửa, cắt gọt... thì liệu những giọng hát tiếng Anh gây "sốt" kia có thực sự xuất sắc?
Năm 2011, Đài truyền hình NBC của Mỹ lần đầu tiên đưa vào sản xuất với chương trình “The Voice”. Mùa thi khởi đầu đã được các đài truyền hình nổi tiếng của 47 quốc gia trên thế giới phát sóng: Canada, Pháp, Mexico, Argentina,New Zealand, Australia, Singapore, Đan Mạch… Cùng với X Factor, nó đã trở thành một trong hai chương trình uy tín, thu hút nhiều người xem với lượng rating số 1 thế giới.
Quốc Khánh