Hàng loạt nghi vấn về "Xách ba lô lên và đi" 25 nước của Huyền Chíp

19/09/2013 15:14
Đỗ Tuyết
(GDVN) - Những dòng nhật ký của cô gái trẻ được kể trong cuốn sách “Xách balô lên và đi” của tác giả Huyền Chip, cho biết cô đi qua 25 nước bắt đầu từ 700 USD đã khiến dân mạng xôn xao và nghi ngờ về sự thật trong câu chuyện.
Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) năm nay 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Toán (ĐH Quốc gia Hà Nội),  cô quyết định đi làm ngay mà không học Đại học. Khi mệt mỏi với công việc tại Malaysia, cô nảy ra ý muốn du lịch một số nước. Với vỏn vẹn 700 USD, năm 2010, Khánh Huyền đã du lịch 25 quốc gia ở châu Á, châu Phi. 

Hai năm sau chuyến đi, trở về, Huyền cho ra mắt cuốn nhật ký “Xách ba-lô lên và đi” tập 1 mang tên: “Châu Á là nhà. Đừng khóc”. Những trang viết đầy cảm xúc của Huyền Chip - cô gái dám đi, dám trải nghiệm đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

Cộng đồng đặt ra nghi ngờ về hành trình qua 25 nước của Huyền Chip khi phần 2 'Đừng chết ở châu Phi' sắp ra mắt
Cộng đồng đặt ra nghi ngờ về hành trình qua 25 nước của Huyền Chip khi phần 2 'Đừng chết ở châu Phi' sắp ra mắt

Tuy nhiên trong những ngày đầu Huyền Chip gặp phải nghi ngờ từ độc giả vì họ không tin một cô gái còn quá trẻ lại cầm số tiền ít ỏi trong tay có thể chu du nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng thời gian qua đi, sự nghi hoặc ấy cũng dần lắng xuống.

Mới đây, Huyền Chip trở về từ Nam Mỹ và tiếp tục chuẩn bị ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 vào tháng 9. Nhưng cũng một lần nữa tác giả trẻ lại khiến nhiều ý kiến được đưa ra về sự thật của câu chuyện một cô bé chu du trên 25 nước (Châu Á, Châu Phi và châu Mỹ) chỉ với số tiền ban đầu có 700$ (khoảng 14,7 triệu VNĐ). 

Có không ít nghi vấn khiến dư luận đặt ra xoay quanh việc cuốn sách còn có nhiều điểm mơ hồ như chứng minh khả năng tài chính, xin visa, xin việc làm thêm... Chính bởi vậy, rất nhiều độc giả mong muốn tác giả chứng tỏ được “hành trình đi hơn 20 nước bắt đầu bằng 700 USD trong túi là có thật”. “Chỉ cần em đưa ra cuốn hộ chiếu + Visa + thị thực xuất nhập cảnh của đầy đủ 25 nước em từng đi qua…”.

Một độc giả chia sẻ: "Đọc cuốn sách này thấy phi lý ngay từ tập 1. Theo tôi biết thì đi nước ngoài, mà ở đây là đi du lịch, thì với nhiều nước bạn phải chứng minh tài chính của mình không dưới 100 triệu (người ta lo sợ bạn sang bên đấy ở lại lao động lâu dài)”.

Bên cạnh nghi vấn về việc xin visa của Huyền Chip, nhiều người còn cho rằng việc cô gái này kể lại quá trình xin việc làm thêm ở các nước là quá dễ dàng và “phi thực tế”. Trong cuốn sách, Huyền kể lại rằng cô luôn được thần may mắn ưu ái khi thời gian cư trú dưới 30 ngày mà luôn xin được việc để làm, thu nhập lại cao hơn cả dân bản xứ có bằng cấp hẳn hoi. Ví dụ như tại thành phố Dar es Salaam thuộc Tanzania (một nước châu Phi), nơi Huyền làm host tại Casino.

Thành viên trên trang diễn đàn dành cho dân “phượt”  nhận xét: “Nếu không phải là người bản xứ thì còn lâu casino mới cho làm dealer chia bài, đừng nói là làm manager - vậy các bạn nghĩ một cô gái với visa du lịch được phép làm manager trong casino?”.

“Để xin việc trong sòng bài, người chia bài thường được học từ bé. Thí dụ như ở Macao, theo mình biết thì một số người dân được nuôi ăn học và được đào tạo chia bài để làm trong sòng bài. Như vậy có thể thấy sòng bài là nơi cần được đào tạo bài bản, host là người quản lý hoặc là người hướng dẫn chơi, cũng có thể là người dẫn chương trình tạp kỹ. Nhưng tất cả đều được đào tạo rõ ràng”.

Trên một số  diễn đàn, nhiều tài khoản thẳng thừng rằng, đứng sau toàn bộ mọi câu chuyện này là một công ty truyền thông. Thậm chí trang fanpage Hội những người mong chờ sự thật về Huyền Chip được lập ra ngay sau tranh cãi cũng bị cho là "có người nằm vùng".


Một thành viên mạng lkpro91 tự nhận là du học sinh tại châu Âu phân tích: “Bản thân mình đang học tập tại châu Âu, cũng được tiếp xúc với khá nhiều các sinh viên quốc tế, mình nhận thấy việc đi du lịch 25 quốc gia trong một thời gian ngắn, với 1 số tiền ít ỏi ở những nước "kém phát triển" là khá bất khả thi. Đến ngay cả châu Âu, việc đi lại giữa các quốc gia đã là tương đối dễ dàng nhưng để tồn tại được chỉ với tiếng Anh cũng đã vô cùng khó. Đơn cử như những quốc gia như Đức, Pháp, Na Uy, Thuỵ Điển...

Nếu bạn không biết nói tiếng bản địa thì rất khó để có thể xin được việc, kể cả là công việc tay chân đi nữa. Mà trong list những quốc gia mà HC đi qua mình chưa thấy có quốc gia nào nói tiếng Anh cả. Đó là chưa kể tới mức lương 10$/h là tương đương mức lương "chuẩn" ở các nước châu Âu nhưng chắc chắn với một người làm "chui" thì con số thật sự còn thấp hơn thế. Còn những công việc trí óc lương cao thì với những người không bằng cấp như HC thì liệu có cạnh tranh được khi có đến hàng dài người chầu chực với vài tấm bằng Master trong tay, nói được 3,4 ngôn ngữ?

Đa phần những người bạn nước ngoài của mình khi muốn đi tới 1 hay 1 vài quốc gia trong châu Âu, cách khả thi nhất mà hầu hết họ thường chọn là làm việc cật lực ở quê nhà để tiết kiệm đủ tiền trước khi lên đường. Tôi cũng từng đọc về anh chàng từng đi du lịch trong suốt gần 10 năm với 2 bàn tay trắng lúc ban đầu nhưng anh chàng đó đã phải tìm cách để trở thành 1 polyglot mới có thể tồn tại được.

Nhưng đó là đối với châu Âu, trình độ dân trí cao thì khả năng đi "phượt" còn khả thi chứ mình cũng không hiểu bạn HC kia chỉ với 700$ thì đi "du lịch bụi" kiểu gì ở những quốc gia còn không bằng Việt Nam? Còn tất nhiên nếu trong thẻ visa của bạn có vài chục ngàn thì đó lại là chuyện khác”.

Ngoài ra, cuộc trò chuyện của Huyền Chip với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đăng tải cách đây không lâu thể hiện đây là cuộc gặp gỡ xã giao bình thường và Huyền Chip cũng trả lời hài hước rằng xin không được visa thì xin lên cấp trên và cứ thế tiếp tục theo cách "ăn vạ". Tuy nhiên, không ít người giật mình khi bìa sách lại trích đúng phần câu hỏi đó khiến nhiều người cũng dấy lên những nghi ngờ về việc cấp thẻ visa.

Đoạn đối thoại giữa Huyền Chip và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan được Huyền Chíp đăng lên trang cá nhân khiến nhiều người ngỡ ngàng về chuyện xin visa quá dễ. Ảnh chụp màn hình.
Đoạn đối thoại giữa Huyền Chip và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan được Huyền Chíp đăng lên trang cá nhân khiến nhiều người ngỡ ngàng về chuyện xin visa quá dễ. Ảnh chụp màn hình.

Về phần mình, Huyền đã diễn giải rằng đó chỉ là câu "nói chơi" với nguyên Phó Thủ tướng. Và vì vậy, nhiều người đặt nghi vấn rằng, với Nguyên Phó Thủ tướng, một người chức vụ rất cao, còn bị đùa chơi thì không biết với người hâm mộ thì nói đùa ra sao nữa.

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng Huyền Chíp không nên quá quan tâm từ phía dưa luận: "Bạn có thể giải thích cho họ một cách thiện chí, còn tin hay không là chuyện của họ”, một độc giả lớn tuổi chia sẻ.

Hay độc giả Thuvien cho biết "Đọc status của em, chị vội vàng đọc bài "Đừng chết ở Châu Phi của em" (vì chị không hiểu sao lại có chuyện "bị công kích"). Đến giờ chị vẫn không biết việc bị công kích của em là gì, nhưng chị chỉ muốn bày tỏ là cách viết của em càng ngày càng hay! Mang đến cho người đọc 1 chút (hay nhiều chút) gì đó để khao khát!".

Xoay quanh những khúc mắc, thậm chí công kích của nhiều bạn trẻ dành cho mình, Huyền chỉ đăng tải một đoạn hội thoại giữa cô bạn và người bố của mình, với nội dung thể hiện sự ủng hộ của gia đình, bên cạnh ngụ ý “mình còn bao nhiêu việc phải làm, hơi đâu mà cãi nhau với thiên hạ”.

Tuy nhiên, dư luận vẫn không hết xôn xao, trước sự việc này Huyền Chip đã thốt lên: “Tôi ghét nhất là bị chụp mũ lừa dối. Có thể chê tôi xấu, chê tôi viết không hay, nhưng tuyệt đối không được cho rằng tôi lừa dối”.

Dòng chia sẻ của Huyền Clip khiến nhiều người bức xúc
Dòng chia sẻ của Huyền Clip khiến nhiều người bức xúc

Sau đó, để đáp trả những lời chỉ trích, Huyền Chip cho biết, cô "đã uỷ quyền cho một cơ quan pháp lý xử lý những kẻ có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân”. Những dòng chia sẻ này của cô nhanh chóng bị rất nhiều độc giả bức xúc.

Cũng ngay sau đó, trên trang cá nhân của mình, Huyền Chip cho biết, hôm nay (19/9), cô sẽ cho ra mắt cuốn sách ‘Xách ba lô lên và đi’ tập 2: Đừng chết ở châu Phi. Cô cho biết sẽ trả lời mọi thắc mắc và nghi vấn của độc giả trong buổi họp báo.
Đỗ Tuyết