Người Sài Gòn nghe nhạc Trịnh dưới mưa

01/04/2012 12:39
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - Tối 31/3 tại Hồ Bán nguyệt (Q7, TP.HCM), gia đình nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã kỷ niêm 11 năm ngày mất của ông bằng một đêm nhạc đặc biệt.
20h đêm nhạc mới bắt đầu, nhưng từ 17h dòng người đã ùn ùn đổ về khu vực Hồ Bán Nguyệt, già có, trẻ có. Dòng người háo hức,dập dìu, bước chân vội vã đi qua cầu Ánh Sao để vào khu vực sân khấu trung tâm, tranh thủ  tìm cho mình một chỗ ngồi tốt nhất. Mới thấy, những giai điệu, ca từ đẹp đầy tính triết lý, nhân văn của người nhạc sĩ tài hoa này có một sức cuốn hút mãnh liệt, dù ông đã về với “cát bụi”  tròn 11 năm.
Đây là năm đầu tiên, đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn không diễn ra tại khu du lịch Hội ngộ quán Bình Quới, như đã diễn ra suốt 10 năm qua.

Hàng ngàn ngọn nến được khán giả thắp lên để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Hàng ngàn ngọn nến được khán giả thắp lên để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Đêm, sân khấu được bày trí đơn giản, chỉ điểm tô những đoá sen hồng, mộc mạc như chính những dòng nhạc đi vào lòng người của ông. Không gian lộng gió, dù trời đang âm u, báo hiệu một cơn mưa sắp đến.

Hàng ngàn ngọn nến đã được khán giả thắp lên. Trong không lung linh, bà Trịnh Vĩnh Trinh bước lên sân khấu, xúc động nói lời khai mạc đêm diễn: “10 năm đã trôi qua, nhưng chưa ai nghĩ Trịnh Công Sơn đã rời cõi trần gian, có cảm giác ông vẫn ngồi cạnh chúng ta mỗi ngày, bằng chính kho báu ca khúc của mình…”

Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói lời cảm ơn khán giả đã yêu mến nhạc của anh trai mình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói lời cảm ơn khán giả đã yêu mến nhạc của anh trai mình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Hợp xướng hai ca khúc Hôm nay tôi nghe Để gió cuốn đi đã mở màn cho đêm nhạc của những tấm lòng, của sự tôn vinh, tưởng nhớ một tài năng đã mất.  
 
11 năm  trôi qua, ca sĩ Lan Ngọc vẫn đúng hẹn, đều đặn có mặt trongđêm nhạc đặc biệt như thế này của ông. Đêm nay, chị phải huỷ lịch diễn tại phòng trà của mình, có mặt từ rất sớm,t ất bật trong hậu trường, dặn dò từng ca sĩ đàn em, trước giờ biểu diễn. Hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn từ lúc tuổi còn đôi mươi, lúc nhạc sĩ còn sống, đến nay đã gần 40 năm, nhưng cảm xúc của Lan Ngọc vẫn còn nguyên vẹn, qua hai ca khúc: Thương một người và Diễm xưa.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thương ca sĩ Lan Ngọc như người em gái. 11 năm nay, kể từ ngày mất của ông, chị luôn có mặt trong đêm nhạc tưởng nhớ... Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thương ca sĩ Lan Ngọc như người em gái. 11 năm nay, kể từ ngày mất của ông, chị luôn có mặt trong đêm nhạc tưởng nhớ... Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Một Đức Tuấn vui nhộn, gợi nhớ tuổi thơ “giấu kín” của Trịnh Công Sơn vì chiến tranh, trong một liên khúc rộn rã tiếng chim hót, tiếng nói, tiếng cười, một khát khao cháy bỏng đến một ngày, đất nước Việt Nam thống nhất, những em nhỏ được nô đùa trên những cánh đồng thanh bình…

Tiết mục vui nhộn của Đức Tuấn, gợi nhớ về tuổi thơ khép kín thời chiến tranh của nhạc sĩ họ Trịnh. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Tiết mục vui nhộn của Đức Tuấn, gợi nhớ về tuổi thơ khép kín thời chiến tranh của nhạc sĩ họ Trịnh. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Hai tiết mục Mưa hồng, Con mắt còn lại của nhóm It’s time, đã làm “trẻ” thêm những giai điệu của Trịnh Công Sơn, được ông viết từ khi các chàng trai của nhóm còn chưa chào đời. Tiết mục này gây ấn tượng mạnh, bởi cách hoà âm, phối khí hiện đại, cũng như sở trường vừa chơi nhạc cụ, vừa hát của 3 chàng trai trẻ.

Sở trường chơi nhạc cụ nhuần nhuyễn, giọng hát tốt, cách hoà âm, phối khí hiện đại, 3 chàng trai nhóm It's time đã thổi sức trẻ vào hai ca khúc: Mưa hồng và Con mắt còn lại. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Sở trường chơi nhạc cụ nhuần nhuyễn, giọng hát tốt, cách hoà âm, phối khí hiện đại, 3 chàng trai nhóm It's time đã thổi sức trẻ vào hai ca khúc: Mưa hồng và Con mắt còn lại. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Một Trịnh Vĩnh Trinh sâu lắng, nhớ về kỷ niệm tuổi thơ với người anh trai tài hoa quá cố, qua hai ca khúc: Như cánh vạc bay, Ru tình. Một Ngọc Mai đằm thắm, điệu nghệ, dặt dìu trong ca khúc Đường xa vạn dặm.

Tiếng kèn saxo phone của Trần Mạnh Tuấn len lỏi vào lòng người, thể hiện hết chiều sâu nội tâm của nhạc sĩ qua ca khúc Ru ta ngậm ngùi. Xuân Phú thì thể hiện trọn vẹn cảm xúc của nhạc sĩ  một buổi chiều “nhớ nhớ, thương thương” của tác giả qua ca khúc Chiều một mình qua phố…

Tiếng kèn saxo phone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn dìu dặt ca khúc Ru ta ngậm ngùi.
Tiếng kèn saxo phone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn dìu dặt ca khúc Ru ta ngậm ngùi.

Cơn mưa bất chợt, làm cho mọi người lo lắng. Những chiếc áo mưa được chia sẻ… Mưa lất phất rồi dần nặng hạt, hàng chục ngàn khán giả vẫn say sưa ngồi nghe và nhẩm hát theo các ca khúc: Nối vòng tay lớn, Này em có nhớ, Biết đâu nguồn cội...

Khán giả dầm mưa để tiếp tục nghe nhạc Trịnh. Ảnh: Dương Cầm
Khán giả dầm mưa để tiếp tục nghe nhạc Trịnh. Ảnh: Dương Cầm

Và trên sân khấu, các nhạc công, ca sĩ cũng mặc áo mưa, tiếp tục biểu diễn. Một hình ảnh xúc động và hiếm có đối với một chương trình ca nhạc chỉ toàn vé mời như thế này. Tất cả mọi người đều đến với đêm nhạc này bằng một tấm lòng.

Các nhạc công đánh đàn dưới cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Ảnh: Dương Cầm
Các nhạc công đánh đàn dưới cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Ảnh: Dương Cầm

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân TP.HCM.Ảnh: Dương Cầm
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân TP.HCM.Ảnh: Dương Cầm
Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên (giữa) và vợ chồng em trai của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Trịnh Xuân Thịnh. Ảnh: Dương Cầm
Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên (giữa) và vợ chồng em trai của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Trịnh Xuân Thịnh. Ảnh: Dương Cầm
Cụ bà Lê Mộng Đào, dù đã 91 tuổi, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng đi xem đêm nhạc. Cụ và mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Thanh Tâm, từng là bạn bè thân thiết.Ảnh: Dương Cầm
Cụ bà Lê Mộng Đào, dù đã 91 tuổi, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng đi xem đêm nhạc. Cụ và mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Thanh Tâm, từng là bạn bè thân thiết.Ảnh: Dương Cầm

Kết thúc đêm nhạc, ca sĩ Lan Ngọc xúc động: “Tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào ở Việt Nam mà có sức hút đối với công chúng như ông. Tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ bằng những ca khúc, rất tự nhiên đi vào lòng người. Ông mất đi, hàng đêm vẫn còn nuôi sống những ca sĩ như chúng tôi… Các ca sĩ dù là sao lớn hay nhỏ vẫn hát ca khúc của ông trong cuộc mưu sinh bằng nghệ thuật”.
Lê Ngọc Dương Cầm