Nguyễn Cường: Đặng Lê Nguyên Vũ là con đại bàng

17/05/2011 00:15
(GDVN) - "Vũ chính là con đại bàng, sẽ đốt cháy mình để dâng hiến. Đó là những khát vọng mang tâm hồn đại bàng..." - Nguyễn Cường.

(GDVN) - Trong khi dư luận còn đang bàn luận về rất nhiều khía cạnh của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" và về doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ khi được xếp bên cạnh các vĩ nhân, để rộng đường dư luận, Giáo dục Việt Nam trân trọng đăng tải bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Cường.

{iarelatednews articleid='2148,2380,2323,2213,2128,2115,2105,2063,2081,2046'}

Bởi lẽ, góc nhìn của một nhạc sĩ và cũng là một trí thức lớn, một tâm hồn đậm cốt cách Tây Nguyên như Nguyễn Cường cũng sẽ góp cho chúng ta cái nhìn đa chiều hơn về nhân vật đang được dư luận chú ý - ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Có thể Vũ là Đôn Kihôtê...

- Ông đã bao giờ tiếp xúc với Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch của cà phê Trung Nguyên chưa?

Không nhiều lắm. Hai ba chục lần gì đó thôi.

- Những lần gặp đó cho ông những ấn tượng gì về Đặng Lê Nguyên Vũ?

Đó là khát vọng lớn lao của con người này. Vũ đã truyền được cái lửa khát vọng của riêng mình cho cả tập đoàn để có được thương hiệu cà phê Trung Nguyên như hiện nay. Có thể trên con đường ấy, Vũ sẽ là Đôn Kihôtê nhưng kể cả anh ta có là Đôn Kihôtê thì tôi cũng rất yêu vì khát vọng là cái rất đáng trân trọng, đáng quý vô cùng.

- Theo ông, con người của Đặng Lê Nguyên Vũ là Đôn Kihôtê hay đường đi của ông ấy là hành động của Đôn Kihôtê?

Tôi không quan trọng Vũ là “sốt” hay “nóng”, mà vấn đề là anh ta thấy đó là nhiệm vụ mình phải làm, thấy cối xay gió vẫn đâm vào, dù cối xay gió đó có là con quỷ hay không.

- Ông có nhiều ca khúc viết do được các doanh nghiệp đặt hàng và nó khá nổi tiếng. Bài “Ly cà phê Ban Mê” có phải là “ngành ca” của cà phê Trung Nguyên?

Không phải. “Ly cà phê Ban Mê” tôi viết là do gợi ý của ông Quốc Cường, trưởng đoàn nghệ thuật Đắc Lăk. Đó là khoảng năm 1983, nay thì ông Cường đã mất rồi. Khi đó, Cường nói với tôi, ông hãy sáng tác một bài về cà phê đi, cà phê của Ban Mê Thuột hay lắm, không ở đâu có được đâu. Nhưng rồi phải mấy năm sau, năm 1989 tôi mới thực hiện được sự gợi ý đó. Duyên phận đến rất nhanh khi tôi đang ngồi ở một quán cà phê ở Đắc Lăk. Thưởng thức hương vị của ly cà phê, câu chữ trào về như cà phê đang nói chứ không phải mình.

Còn bài do Trung Nguyên đặt hàng lại là bài khác. Khi Vũ đề nghị, tôi nghĩ đó phải là một bản hợp xướng giao hưởng chứ không thể là một ca khúc đơn thuần. Suốt 6 tháng trời, tôi và nhạc sĩ Minh Đạo đã làm việc ròng rã để viết nên tác phẩm “Đại bàng giọt nắng” gồm 3 chương.

- Tôi đã được ông cho nghe cả 3 chương của tác phẩm này khi đang ở dạng demo, nhưng thấy không có một câu từ nào nhắc đến cà phê, trái ngược hoàn toàn với bài được đặt hàng trước đó là “Ly cà phê Ban Mê”. Vậy thì có thể hiểu, “Đại bàng & giọt đắng” là ông viết về Đặng Lê Nguyên Vũ?

Đúng là toàn bộ tác phẩm không có một chữ nào là cà phê, nhưng nếu nghe kỹ thì sẽ hiểu tôi đang nói về cà phê. Chương 1 tôi bắt đầu bằng một câu chuyện: Từ trong núi bay ra một con đại bàng. Con đại bàng đó là người trí thức bay đi khắp nơi, thu thập về cho mình những gì tinh hoa nhất trong vũ trụ, sau đó nó tự đốt cháy mình. Thân xác của nó toả ra thành đất đỏ bazan. Tinh thần của nó, tình yêu của nó thì cô đọng lại thành một viên ngọc đen chảy ra, chạy dài trên dải đất cao nguyên và nở ra thành bông hoa trắng.

Chương 2 của tác phẩm có một câu như là đồng giao: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen”. Màu đen chính là những giọt cà phê tinh túy.

Tất nhiên, tác phẩm không chỉ nói về cà phê, mà cao hơn là khát vọng được dâng hiến, khát vọng được sáng tạo của những doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ.

Chủ tịch Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ.
Chủ tịch Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ.

Khát khao của Vũ là thương hiệu chứ không phải chỉ có cà phê

- Vậy hiểu theo nghĩa của cụm “Đại bàng & giọt đắng” thì Đặng Lê Nguyên Vũ là con đại bàng trong lĩnh vực cà phê?

Vũ chính là con đại bàng, sẽ đốt cháy mình để dâng hiến. Đó là những khát vọng mang tâm hồn đại bàng. Nếu chỉ là chuyện thương hiệu cà phê thì tôi đã không viết “Đại bàng & giọt đắng”. Người Việt Nam mình cần phải có nhiều cái khát khao như thế.

- Khi nhận lời đặt hàng của ai đó, ngoài vấn đề cát-sê, ông có quan tâm đến tính cách, nhân cách của “khách hàng”?

Có chứ. Và đó chính là lý do tôi chọn hình thức thể hiện cho cà phê Trung Nguyên là hợp xướng giao hưởng với 200 người hát, kinh phí dàn dựng chừng 2 tỉ đồng, chứ không phải là một ca khúc đơn thuần.

- Gần đây, việc Đặng Lê Nguyên Vũ được xếp chung với nhiều danh nhân trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” gây không ít tranh cãi, cho rằng chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên chưa xứng tầm. Ông thấy sao?

Tôi có biết cuốn sách này và biết cả những tranh cãi về sự lựa chọn đó. Cá nhân tôi thấy Vũ hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ đây không phải chuyện đáng tầm hay không đáng tầm mà là khát vọng bay cao. Đó là chuyện một người cả đời chỉ làm một việc khát khao đưa hạt cà phê của Việt Nam ra thế giới.

Cần phải thấy rằng, thời của Vũ, vấn đề cơm no áo ấm đang là nỗi lo thường trực thì Vũ đã có khát vọng phát triển cà phê từ hai bàn tay trắng, tất nhiên có nhiều doanh nhân từ bàn tay trắng làm lên sự nghiệp và họ thành công hơn cả Vũ. Nhưng cái mà Vũ làm được ở lúc chưa ai làm đó là người đầu tiên đặt ra vấn đề thương hiệu “made in Vietnam”.

Nhưng cà phê chỉ là một thế mạnh của Vũ và muốn phát triển thương hiệu hơn nữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào cái hồn thiêng sông núi.

- Nhưng khát vọng thì ai cũng có, kể cả một người dân bình thường chứ không chỉ những tri thức như Đặng Lê Nguyên Vũ mới có...

Đó chỉ là mong muốn. Còn khát vọng chính là ở việc người ta có đạp được đôi cánh hay không. Có những con đại bàng có ước mơ, có khát khao nhưng không dám đạp cánh để khát vọng được bay lên.

- Ông vừa nói đến từ “hồn thiêng sông núi”. Đó là điều mà ông thấy còn thiếu ở ông chủ của cà phê Trung Nguyên?

Tài năng là một chuyện, vấn đề còn lại tưởng là trừu tượng nhưng nó phụ thuộc vào việc người đó có được lịch sử chọn hay không ? Nhưng biết đâu đấy, thời của Vũ sẽ tới nay mai...

- Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện !

Lê Nguyễn