Nhà văn Mạc Ngôn từng coi thường Củng Lợi

22/10/2012 15:48
Long Hy
(GDVN) - Nhớ lại thời gian đạo diễn Trương Nghệ Mưu khởi quay phim “Cao Lương đỏ” dựa theo tiểu thuyết “Gia tộc Cao Lương đỏ” của nhà văn Mạc Ngôn, khi nói về nữ diễn viên Củng Lợi, Mạc Ngôn tỏ ra không hài lòng khi Trương Nghệ Mưu mời cô đảm nhiệm vai nhân vật nữ chính.

Ngày 11/10/2012, làng văn học Trung Quốc tự hào khi giải Nobel Văn học đã xướng danh nhà văn Mạc Ngôn. Trong điện ảnh, Mạc Ngôn cũng có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, trong đó phải kể đến tiểu thuyết “Gia tộc cao lương đỏ” được đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim điện ảnh “Cao Lương đỏ”, từng đoạt vô số giải thưởng cao quý tại các kỳ LHP quốc tế như giải Gấu Vàng (Golden Bear Award) tại LHP Quốc tế Berlin 1988, giải Gấu bạc tại LHP Montreal 1988, Top 10 phim tiếng Trung Quốc hay nhất tại LHP Hồng Kông 1989, giải Gà trống vàng 1988, giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1994…

Đoàn phim "Cao Lương đỏ" (từ trái qua): nữ diễn viên Củng Lợi, nhà văn Mạc Ngôn, nam diễn viên Khương Văn và đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Đoàn phim "Cao Lương đỏ" (từ trái qua): nữ diễn viên Củng Lợi, nhà văn Mạc Ngôn, nam diễn viên Khương Văn và đạo diễn Trương Nghệ Mưu.


Quá trình chuyển thể kịch bản thành phim

Nói về quá trình tiểu thuyết được truyển thể thành phim, nhà văn Mạc Ngôn tâm sự: “Khi chuyển thể tác phẩm của tôi thì người ta thích biến hóa thế nào thì làm, tôi cũng không có một chút yêu cầu gì đối với Trương Nghệ Mưu. Tôi từng nói với anh ấy rằng tôi không như nhà văn Lỗ Tấn hay nhà văn Mao Thuẫn, chuyển thể tác phẩm của họ thì phải trung thành với nguyên tác. Còn chuyển thể tác phẩm của Mạc Ngôn thì thích chuyển thể thế nào thì làm thế nấy. Anh thích lấy những nhân vật như “ông tôi” hay “bà tôi” trong “Cao Lương đỏ” ra để thử nghiệm bom nguyên tử cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi chỉ biết cổ vũ để cho anh có thêm dũng khí mà làm phim thôi. Làm tốt thì Trương Nghệ Mưu hưởng hết, nếu làm không tốt thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi”.

Về Cao Mật quay phim "Cao Lương đỏ"

“Khi đó đã có quy định thế này, chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim thì phía đoàn phim trả cho người sáng tác 800 tệ (khoảng 2,6 triệu đồng). Ngay từ lúc đầu tôi đã không muốn tham gia vào việc chuyển thể thành kịch bản, thế nhưng Trương Nghệ Mưu đã ra sức mời vì trong truyện có liên quan đến một vài thứ thuộc về văn hóa dân gian. Đội chuyển thể kịch bản gồm có 3 người là anh Trần Kiếm Vũ, anh Châu Vỹ và tôi, bản thảo do anh Trần Kiếm Vũ - giám đốc xưởng phim Phúc Kiến đảm trách. Năm 1987, tôi tới vùng Cao Mật, Trương Nghệ Mưu đưa bản thảo của anh ấy cho tôi xem, khi xem tôi thấy hoàn toàn không giống với bản thảo trước đó 3 người chúng tôi làm, bởi thực tế là Trương Nghệ Mưu đã giản lược đi rất nhiều. Lúc đó tôi đã lấy làm lạ về điều này vì chỉ có ngần này với vài chục cảnh quay, hơn chục tình tiết thì làm sao quay được thành phim?”, Mạc Ngôn thắc mắc về cách chuyển thể từ tiểu thuyết của ông sang kịch bản phim của Trương Nghệ Mưu.

Một cảnh trong phim "Cao Lương đỏ".
Một cảnh trong phim "Cao Lương đỏ".

“Quãng thời gian tháng 6, tháng 7 năm 1987, Trương Nghệ Mưu đã gửi cho tôi bức điện mời tôi trở lại vùng Cao Mật để giúp anh ấy gặp gỡ với lãnh đạo huyện  này đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ từ lãnh đạo và quần chúng địa phương khi tiến hành quay phim, đặc biệt là giúp trồng cây cao lương. Nói thực là mới đầu khi anh ấy chọn vùng Cao Mật để quay ngoại cảnh thì tôi đã ra sức phản đối. Bởi, vùng đông bắc Cao Mật hiện giờ đã thay đổi quá nhiều, tất cả những gì tôi miêu tả về vùng đất Cao Lương là nơi mà ông bà tôi từng sinh sống khi họ còn trẻ chứ thực ra tôi còn chưa tới đó bao giờ. Thế nhưng Trương Nghệ Mưu thì vẫn giữ lập trường là phải quay ở Cao Mật.

Ngay từ đầu năm 1987, anh ấy đã cử phó đạo diễn Dương Phượng Lương đến Cao Mật để làm hợp đồng cho việc quay sắp tới, đồng thời tiến hành cho trồng cây cao lương trên một khoảnh đất rộng. Khi tôi nhận được điện báo từ Trương Nghệ Mưu thì anh Dương đã từ Cao Mật về rồi. Lúc tôi đứng trước cửa của một gia đình họ Tôn, cảnh vật tí nữa làm tôi muốn rơi  nước mắt, cây cao lương thì nhìn gật gù, sống dở chết dở, cao chưa đến một mét, lá thì quăn lại và phủ một lớp rệp dày đặc. Thời tiết khi đó lại phải mùa hạn  hán. Sang ngày thứ hai khi tôi gặp lại Trương Nghệ Mưu, anh ấy nói đã gặp được ông chủ tịch huyện, ông này đồng ý phê duyệt cung cấp cho đoàn phim 5 tấn phân bón, ngoài ra vị này còn cho tổ chức hẳn một buổi họp về việc trồng cây cao lương. Việc làm sáng suốt này của lãnh đạo huyện Cao Mật đã làm tôi vô cùng cảm động”, Mạc Ngôn nhớ lại thời gian về lại Cao Mật tìm bối cảnh quay cho “Cao Lương đỏ”.

Mạc Ngôn sợ Củng Lợi làm hỏng phim “Cao Lương đỏ”

“Ngày khởi quay cũng sắp tới, khi đó tôi muốn mời các thành viên đoàn phim tới nhà tôi chơi và nói chuyện anh em cho gần gũi. Thời gian ấy, đoàn phim không gọi là đoàn “Cao Lương đỏ” mà gọi là đoàn phim “Cửu cửu thanh sát khẩu”.

Khi tôi báo tin mời mọi người đến chơi nhà thì ai nấy đều tỏ ra vui vẻ và phấn khởi. Vừa sáng ra, mẹ tôi đã vội vàng đi lăn bột làm bánh, chị dâu cũng tất bật ra chợ mua rau. Khoảng 10 giờ sáng đã xuất hiện một chiếc xe tải lù lù xuất hiện bên cạnh vựa lúa trong sân nhà tôi, Trương Nghệ Mưu từ xe bước xuống cùng phó đạo diễn Dương Phượng Lương, theo sau là Khương Văn đóng nhân vật “ông tôi”, Củng Lợi vai “bà tôi”, quay phim Cố Trường Vệ… đều tề tựu đông đủ.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đang chỉ đạo cho Củng Lợi trong quá trình quay phim "Cao Lương đỏ".
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đang chỉ đạo cho Củng Lợi trong quá trình quay phim "Cao Lương đỏ".

Nói thật lòng là lúc đầu ấn tượng của tôi về Củng Lợi khá bình thường. Khi ấy, cô ấy đứng trong sân của nhà văn hóa huyện Cao Mật, có rất nhiều người dân địa phương đứng vây quanh. Thế nhưng cô ấy ăn mặc chẳng ra làm sao, mặt mũi lúc nào cũng có vẻ nơm nớp lo sợ. Mới nhìn tôi đã thấy khác xa so với hình tượng nhân vật “bà tôi” trong tác phẩm của tôi viết.

Trong đầu tôi, hình ảnh nhân vật “bà tôi” phải là một cô gái tràn đầy sức sống đồng thời lại có nét gai góc như một bông hồng có gai. Trong khi nhìn Củng Lợi lúc đó lại không khác một cô nữ sinh người ta vẫn thường gặp thời bấy giờ. Tôi đã thấy thắc mắc và nghi ngờ đôi mắt nhìn người của Trương Nghệ Mưu có vấn đề, tôi cũng lo rằng bộ phim này để Củng Lợi đóng rồi thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Nhưng trên thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại so với những gì tôi nghĩ, phán đoán của tôi đã sai.

Tôi cũng đã xem lại sau khi bộ phim hoàn thành, thực sự là tôi cảm thấy sốc. Phải nói là về thị giác cũng như cảm giác về màu sắc được vận dụng trong phim đã gây ra cho người xem một sự căng thẳng đến tột cùng, ảnh hưởng mà bộ phim mang lại có thể nói là đã vượt xa giá trị mà một tiểu thuyết của tôi có thể làm được.

Tiểu thuyết tôi viết xong thì chỉ có người trong giới văn quan tâm chứ chẳng ai biết đến. Nhưng sau tết năm đó, có lần giữa đêm đi trên đường cái vẫn còn nghe thấy tiếng nhiều người hát ca khúc trong phim. Gặp được con người như đạo diễn Trương Nghệ Mưu đối với tôi quả thật là một điều vô cùng vinh hạnh!”.

Nhà văn Mạc Ngôn từng coi thường Củng Lợi  ảnh 4
Long Hy