Quốc Trung bất ngờ tuyên bố chưa từng kết hôn Thanh Lam

15/12/2011 10:44
"Nếu đến với ai đó thì tôi sẽ khuyên họ không nên trông chờ ở tôi một tờ giấy hôn thú", NS Quốc Trung.
Trái với vẻ thâm trầm và lặng lẽ bề ngoài, nhạc sĩ- nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung luôn mang đến cho người đối diện một cảm nhận về sự gần gũi và cởi mở. Quốc Trung say sưa nói về âm nhạc nhưng lại kiệm lời về bản thân. Luôn luôn là như thế, anh thể hiện mình bằng những sản phẩm, để âm nhạc lên tiếng thay vì khắc họa chân dung mình bằng những phát ngôn.
 
Âm nhạc  nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng chưa  phải là khởi sắc

Thời điểm năm 2011 sắp qua đi, là người luôn theo sát đời sống âm nhạc anh có những nhận định gì về những thay đổi và biến đổi của âm nhạc nói chung?

- Tôi nghĩ, thứ nhất là sự lộn xộn, xuống cấp của âm nhạc dường như đã xuống đến đáy. Mọi người thấy đã đến lúc cần phải chấn chỉnh, cần phải đi theo những quy củ, nhất là đối với nghệ sĩ. Tôi nhận thấy họ đã ý thức được việc đó và làm việc một cách chuyên nghiệp hơn thay vì làm việc kiểu chộp giật, chạy sô mà không có kế hoạch lâu dài.

"Thực ra thì tôi và Thanh Lam chưa làm thủ tục kết hôn, nhưng ly hôn thì có"
"Thực ra thì tôi và Thanh Lam chưa làm thủ tục kết hôn, nhưng ly hôn thì có"
Thứ hai là, thị trường âm nhạc cũng bắt đầu có sự phân chia rõ ràng về các giá trị nghệ thuật, cũng giống như thị trường ở nước ngoài, tất nhiên là chậm hơn nhiều, nhưng cũng bắt đầu chú trọng vào show biểu diễn hơn là thị trường băng đĩa, mà thị trường băng đĩa thì chưa kịp hưng thịnh, đã thoái trào rồi. Đó không gọi là quy luật mà là sự phát triển chung của âm nhạc thế giới, đã qua giai đoạn phát triển theo phương thức truyền thống là CD, băng đĩa. Bây giờ chuyển sang công nghệ mới, thị trường Việt Nam cũng chú trọng show biểu diễn, thậm chí có lúc trở nên bão hòa, nhất là tháng 11 vừa rồi.
 
Anh có thể nói rõ hơn, việc phân chia và những thay đổi đó nói lên điều gì?

- Tôi nghĩ đấy là tín hiệu đáng mừng trong đời sống âm nhạc. Đằng sau sự phân chia về thể loại là sự phân cấp về khán giả. Có những chương trình tương đối đặc thù bắt đầu biết đề cao cá tính, xây dựng những cá tính riêng để khẳng định vai trò của nghệ sĩ rõ ràng hơn. So với show ngày xưa, thường xếp hàng 20 ca sĩ, mỗi người hát một hai bài gì đó. Bây giờ khán giả đã biết tìm đến những chương trình có chủ đề rõ ràng và khán giả biết được họ đến xem cái gì, tìm đến chương trình mà khán giả thích.
 
"Không gian âm nhạc" có khán giả riêng, show của Tuấn Vũ, Chế Linh lại có lớp khán giả khác. Đa số những show này vẫn bị lỗ, chưa phải là một cái gì đó trở thành chính quy hoặc đủ tiêu chuẩn hội nhập đời sống âm nhạc thế giới nhưng  cũng là cơ sở cho những nhà tổ chức đánh giá và tìm một phương thức nào đấy để tổ chức chuyên nghiệp hơn.
 
Nhiều chương trình âm nhạc trong năm được đánh giá là chất lượng như liveshow Tùng Dương, Đức Tuấn..., đặc biệt là sự xuất hiện của "Không gian âm nhạc", chú trọng vào nghệ thuật và tôn vinh những nghệ sĩ có tên tuổi. Anh có nghĩ đó chính là những dấu hiệu của sự khởi sắc, sự "lột xác" mới của âm nhạc?

- Nếu gọi là khởi sắc thì có vẻ hơi lạc quan quá. Khi bị dồn đến chân tường, người ta sẽ ý thức được cần phải làm thế nào để thay đổi, để phát triển. Như cách đây hơn mười năm, âm nhạc Việt Nam khá hưng thịnh nhưng vẫn không đánh bật được âm nhạc hải ngoại. Đó là bởi phát triển một cách tự nhiên không theo quy luật, không được xây dựng một cách bài bản dẫn đến sự thoái trào. Bây giờ các nghệ sĩ, các nhà sản xuất đã ý thức được và làm việc chuyên nghiệp hơn.
 
Nhưng thực tế thì ngay cả khi các nghệ sĩ đã chuyên nghiệp hơn thì bên cạnh dòng giải trí mang tính nghệ thuật cao thì vẫn có một dòng khác tồn tại song song chỉ đơn thuần là giải trí, nghe một lần rồi thôi... Chúng ta phải chấp nhận nó hay phải đào thải nó?

-Tôi nghĩ sự phát triển công bằng nhất chính là thị trường. Thị trường sẽ thanh lọc, phân chia, tự điều hòa các sản phẩm. Chúng ta không nên quá lo lắng cái nọ áp đảo cái kia bởi cũng như trên thế giới, không có thể loại âm nhạc nào là không tồn tại được. Vấn đề là anh tồn tại bằng cách nào. Khi mình đã tạo ra một thị trường đúng nghĩa thì tự thân những cái không nghệ thuật sẽ tự đào thải. Nhưng bản thân từ "nghệ thuật" cũng rất khó có thể rạch ròi là tác phẩm này sến, tác phẩm kia sang. Chúng ta không thể nói như thế được, mà tự khán giả sẽ tìm cho mình tác phẩm mà họ yêu thích. Ở đây còn phụ thuộc vào định hướng của các nhà sản xuất, cần có một sự nhìn xa trông rộng thay vì chộp giật, ăn xổi, hay chỉ tính đến chuyện làm sao có lãi. Ví dụ như "Không gian âm nhạc", các nhà sản xuất đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu, thay vì một thị trường đang có xu hướng âm nhạc hải ngoại lấn át.
 
Và như nhận định của giới chuyên môn, từ lâu anh đã chọn cho mình hướng đi "nhìn xa trông rộng" thay vì chỉ đáp ứng những nhu cầu thức thời của thị trường?


-Thực ra đây là sự lựa chọn của mỗi người thôi. Tôi không phải là người duy lý trí chỉ cống hiến cho xã hội, hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Sự lựa chọn tôi muốn nói đến là khả năng của từng người. Âm nhạc cũng là một sản phẩm của thị trường kinh doanh nhưng "ăn xổi" thì tôi không thể làm được. Bây giờ bảo tôi biên tập các bài hát về hải ngoại thì chắc chắn là tôi không thể làm được, bởi tôi không có kiến thức về lĩnh vực đó. Không theo sát, thậm chí không biết những bài hát đó.
 
Ngược lại, nếu để những nhà sản xuất đó làm công việc như tôi đang làm thì họ cũng sẽ không làm được. Tôi nghĩ mỗi người làm tốt trong khả năng, môi trường của mình thì đều tốt cho xã hội. Tất nhiên, có thể anh là người có ích cho xã hội nhưng chưa chắc thành có ích cho sự phát triển âm nhạc. Ví dụ, có những ngôi sao luôn thu hút hàng nghìn người xem nhưng họ lại không có sự đóng góp nhiều trong sự phát triển âm nhạc Việt Nam, không làm nên luồng gió mới hay những định hướng mới trong âm nhạc.
 
Trong mắt các con, Thanh Lam là thần tượng


Chương trình "Không gian âm nhạc- Đường xa mây trắng", lần đầu tiên anh đưa hai con của mình lên sân khấu biểu diễn. Anh và Thanh Lam đang bắt đầu định hướng cho các con của mình đi theo sự nghiệp biểu diễn?


-Với riêng gia đình nhà tôi, đó là một tiết mục biểu diễn mang tính chất kỷ niệm của bố mẹ và các con chứ không phải là một mô hình hay định hướng nào cả. Riêng các con của tôi chưa đủ tài năng để trở thành nghệ sĩ biểu diễn và hơn nữa các cháu đang học cổ điển chứ không phải học hát, nhạc pop để có thể biểu diễn ngay được. Còn sau này nếu tôi vẫn còn hoạt động trong âm nhạc, nếu các cháu có thể ghép được với nhau thì đó cũng là một thuận lợi. Hiện tại hai cháu đang học piano cổ điển ở Nhạc viện Hà Nội và rất đam mê chuyên ngành của mình. Âm nhạc mà không có sự đam mê thì học gần như là tra tấn.
"Tôi chỉ bị sức ép khi gia đình quá kỳ vọng vào mình".
"Tôi chỉ bị sức ép khi gia đình quá kỳ vọng vào mình".
 Trong môi trường mà cả nhà làm nghệ thuật, lại rất nổi tiếng, có khi nào bản thân anh và các con của anh cảm nhận đó cũng là một sức ép không nhỏ?

-Tôi chỉ bị sức ép khi gia đình quá kỳ vọng vào mình. Còn với các con, tôi luôn nghĩ các con mình có một khả năng nhất định, nên để cho con phát triển một cách tự nhiên và tôn trọng cái sự chọn lựa của con cái. Tôi không kỳ vọng con mình trở thành ngôi sao hay một thiên tài âm nhạc bởi đó sẽ là một áp lực quá lớn cho chúng. Bố mẹ chỉ nên định hướng cho con, còn sự quyết định nên để chúng lựa chọn. Tất nhiên tôi cũng cảm nhận được, việc sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật thì đôi khi cũng bị áp lực vì đi đâu cũng bị gọi là con ông nọ bà kia. Ngày trước tôi cũng đã từng bị gọi như thế mỗi khi ra đường, nhưng tôi tự tin với khả năng của chính mình và làm việc một cách nghiêm túc thì việc con của ai cũng không thể trở thành một áp lực ghê gớm.
 
Có bao giờ các con anh chia sẻ với anh rằng, con mong muốn sau này  được nổi tiếng như bố mẹ và ông nội- NSND Trung Kiên?


-Không, giống như tôi không bao giờ ước ao giống như bố mình. Các con tôi luôn thần tượng mẹ, nhưng các cháu cũng thích và đang học piano cổ điển nên cũng không mong là giống như bố hoặc mẹ. Tôi nghĩ mình nên tôn trọng sự chọn lựa của con trẻ.
 
Trong cách nuôi dạy con cái, nhạc sĩ đề cao điều gì nhất để nuôi dưỡng?


-Tôi nghĩ đầu tiên là sự tự tin. Tự tin ở đây là tự tin những gì mình có, biết chân thật với sự chọn lựa của mình. Sự tự tin sẽ khiến cho mình trở lên đàng hoàng, có những ứng xử văn hóa. Bên cạnh là sự tôn trọng, lắng nghe, luôn coi các con như những người bạn cần chia sẻ, tâm sự. Tôi không dùng quyền cha mẹ để áp đặt đối với các con.
 
Không nghĩ tình yêu được đảm bảo bằng đám cưới

Là một nhà sản xuất, anh đã góp phần đào tạo và tạo dựng nhiều tên tuổi cho các ca sĩ, vậy với các con mình, anh dành bao nhiêu thời gian để dạy âm nhạc cho chúng?


-Tôi vẫn kèm các cháu học đàn hàng ngày. Ngoài ra, chúng tự tập 3 đến 4 tiếng. Những lúc không có tôi thì chúng sẽ học với bà nội từ 1 đến 2 tiếng
 
Vậy thời gian cho bản thân thì anh ưu tiên thế nào?


-Thì cũng như mọi người, tôi luôn cân đối được thời gian cho công việc, gia đình và bản thân.
 
Anh sống độc thân đã lâu, bao giờ thì anh có ý định sẽ có ai đó bên mình?


-Bạn nghĩ tôi không có ai đó sao? Lúc nào tôi cũng có người ở bên cạnh mình đấy chứ.
 
Ý tôi nói là bao giờ anh sẽ tái hôn kia...


-Thực ra thì tôi và Thanh Lam chưa làm thủ tục kết hôn, nhưng ly hôn thì có.
 
Nếu vậy thì anh sẽ càng là "đích ngắm" của nhiều phụ nữ, sao đến giờ anh vẫn chưa lựa chọn?

- Nếu đến với ai đó thì tôi sẽ khuyên họ không nên trông chờ ở tôi một tờ giấy hôn thú. Đơn giản là tôi không thích những thủ tục đó thôi. Tôi không thể tưởng tượng được lúc đó trông mình sẽ như thế nào khi cứ phải ngượng ngịu tay trong tay cô dâu, nói cười làm lễ, đón khách... Tôi thấy mình không hợp với những thủ tục đó lắm.
 
Vậy nếu có người yêu anh và anh cũng yêu người đó, nhưng họ đòi hỏi một đám cưới để có sự chắc chắn, anh sẽ làm thế nào?


-Chắc phải để họ tự lựa chọn thôi. Tôi không nghĩ tình yêu chỉ được đảm bảo bằng một đám cưới.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo GiadinhNet