Viết tiếp truyền thống đền ơn đáp nghĩa theo lời dạy của Bác Hồ

26/07/2019 06:11
Đỗ Công Tiến
(GDVN) - Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt qua các thời kỳ phát triển của đất nước.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với đất nước, cách mạng không chỉ là phong trào hay nhiệm vụ chính trị mà quan trọng hơn cả đó là chiều sâu nhân văn trong tư tưởng, nhân cách và con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời nhắn nhủ của Bác về công tác thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ

Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Đây là Sắc lệnh đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công; một sự kiện quan trọng trong chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước. 

Trong bức thư gửi Ban tổ chức thương binh, liệt sĩ ngày 27/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. [1]

Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, người có công và các gia đình liệt sĩ (Ảnh minh họa: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn).
Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, người có công và các gia đình liệt sĩ (Ảnh minh họa: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn).

Có thể nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Trong bản Di chúc trước lúc đi xa Bác Hồ có nhắc nhở: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Người cũng chu đáo, quan tâm đến cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ (người có công với nước) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. [2]

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, quan tâm, chăm lo, thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng.

Truyền thống, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt qua các thời kỳ lịch sử, các giai đoạn phát triển của đất nước. 

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. [3]

Trong những năm qua, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương đã có rất nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa để tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.

Tập trung giải quyết triệt để, có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tu bổ, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ… 

Kịp thời và thường xuyên tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước; bảo đảm các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số” cho các đối tượng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ các đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: Trọng Hải.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ các đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: Trọng Hải.

Trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công.

Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”. [4]

Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân. [5]

Đồng thời tiếp tục: “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”. [6]

“Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội...”. [7] 

Năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc, động viên các đối tượng là thương binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Hàng năm, mỗi dịp tới tháng 7, các cấp bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương có dịp để rất nhiều các hoạt động thiết thực nhằm tri ân và thể hiện nét đẹp văn hóa đối với những người có công với đất nước, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, từ đó cũng như thấy được truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” - đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. 

Tài liệu tham khảo

[1], [2] Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

[5], [6], [7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Đỗ Công Tiến