Vụ tiếp viên VNA: "Đừng vì vài cá nhân mà nói người Việt bị kỳ thị"

31/03/2014 11:05
TS Dương Xuân Thành
(GDVN) - "Có một thực tế là đa số kẻ cắp vặt không phải “thó đồ’ với mục đích làm giàu, còn những kẻ trở nên giàu có bằng ăn cắp thì lại rất khó nhận diện".

Nhân bài “Bất ngờ... du khách Việt mất cắp ở Đức” của nhà báo Kim Dung đăng trên tuanvietnam.vietnamnet.vn ngày 26/6/2013, người viết chợt nhớ bài  “Nhiều người Việt ở Nhật bị kỳ thị vì ăn cắp vặt” [1] và bài “Người nước ngoài trộm cắp ở Việt Nam” [2]. 

Tấm biển cảnh cáo trộm ghi bằng tiếng việt trên đất nước Nhật
Tấm biển cảnh cáo trộm ghi bằng tiếng việt trên đất nước Nhật

Ăn cắp là một thói xấu cần phải lên án và phải bị nghiêm trị, hiển nhiên rồi nhưng có lẽ ít người biết rằng, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được gen bạo lực (gen monoamixe oxidase A - MAOA) chứ chưa có một công trình nào chứng minh được có tồn tại “gen ăn cắp”. 

Mới đây lại thêm chuyện tiếp viên hàng không vận chuyển hàng nghi là ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Có một thực tế là đa số kẻ cắp vặt không phải “thó đồ’ với mục đích làm giàu, còn những kẻ trở nên giàu có bằng ăn cắp thì lại rất khó nhận diện. 

Ăn cắp là một tính trạng tập nhiễm, nó vốn không phải là đặc tính ở tổ tiên của cá thể, nó được cá thể thu nhận trong quá trình sống.

Nói cách khác, ăn cắp vốn không phải là đặc tính nguyên thủy của loài người, nó là sản phẩm của hoạt động cộng đồng. Có ý kiến cho rằng đói kém dẫn tới ăn cắp, người viết không nghĩ như vậy. 

Những năm tháng chiến tranh, bữa ăn toàn ngô khoai sắn nhưng ăn cắp không phải là vấn nạn. Chỉ khi đạo đức xuống cấp thì ăn cắp mới có cơ hội lên ngôi, sợ nhất không phải là bọn ăn cắp vặt mà là bọn “ăn cắp nhớn”, chúng ăn cắp theo bầy. 

Ở một đất nước văn minh, tính kỷ luật và trình độ dân trí thuộc vào hàng cao nhất thế giới như nước Đức, nạn ăn cắp vẫn diễn ra hàng ngày.

Nghi án vận chuyển hàng gian ảnh hưởng tới hình ảnh tiếp viên hàng không. Ảnh: Đ.T - Tiền Phong.
Nghi án vận chuyển hàng gian ảnh hưởng tới hình ảnh tiếp viên hàng không. Ảnh: Đ.T - Tiền Phong.

Khái niệm “đói cho sạch, rách cho thơm” dường như đã là của dĩ vãng. Bọn kẻ cắp ngày nay xuất hiện công khai với dáng vẻ rất… rất lịch sự giữa chốn đông người, trên tivi và trên các diễn đàn, đúng như nhà báo Kim Dung mô tả: “Không ai có thể đoán được trong cái dáng vẻ lịch sự đó, chính là đôi kẻ cắp vừa hành sự” . 

Vậy còn những kẻ ăn cắp mà không một camera an ninh nào quay được, chúng đang mỉm cười, vẫy tay trước camera của cánh phóng viên thì sao? Bao nhiêu quan chức liên quan đến chuyện hối lộ của Nhật Bản trong lĩnh vực giao thông, chuyện gia đình vị giám đốc sở bị mất 65 cây vàng nhưng không dám khai báo đã được Vietnamnet đề cập [3] hồi cuối tháng 3/2013 chỉ là một trong muôn vàn dẫn chứng. 

Trong các loại hình ăn cắp, bọn trộm chó, trộm túi chỉ là những kẻ đáng thương, đáng giận nhưng chưa đến mức phải đốt xe, đập chết như đã từng xảy ra. Có nhiều loại ăn cắp khác, những trường hợp chúng ta không thể chấp nhận ví dụ: đánh cắp ý tưởng, đánh cắp tâm hồn, đánh cắp niềm tin, đánh cắp hy vọng...

Bao nhiêu đứa trẻ bước chân đến trường với chiếc ba lô trĩu nặng, hết vùi đầu học ở trường lại lo học thêm ở nhà? Nghỉ hè dăm ba ngày lại lo học trước để chuẩn bị cho năm học mới? Quay đi quay lại tuổi thơ trôi qua lúc nào không biết, bánh đa bánh đúc họa chăng chỉ tìm thấy trong câu hát của Phó Đức Phương! 

Những năm tháng cắp sách đến trường lẽ ra phải là những năm tháng tươi đẹp nhất, những kỷ niệm đọng lại sâu sắc nhất, không thể để con cháu chúng ta rời mái trường phổ thông với quá nhiều cặp kính cận và một mớ kiến thức “tạp pí lù” vốn chẳng có ích gì với nhiều người trong bước mưu sinh. 

Ngày xưa nghèo đói, mổ một con gà bao giờ trẻ con cũng được dành cho cái đùi, đó là những gì tốt nhất mà người lớn có thể dành cho trẻ thơ. Ngày nay để tiết kiệm tiền, ngành Y tế không dám nhập Văcxin giá cao cho tiêm chủng mở rộng, hậu quả là nhiều cháu đã tử vong. Tuổi thơ bị mất không có cách nào lấy lại được, đó phải chăng là một trong những mất mát lớn nhất của đời người?

Còn người lớn, mất niềm tin là một thực tế đã được báo động. Từ cổ chí kim, nhu cầu vật chất luôn kèm theo nhu cầu về một đức tin. Thủa hồng hoang, con người tin vào thần linh, khi trí tuệ phát triển, con người tin vào những gì cụ thể hơn như Đức Phật, Chúa Jesus…

Ngày nay không ít kẻ tin vào đồng tiền. Một khi “tiền là tiên là phật…”, thì chân lý cuộc sống sẽ chỉ là hình ảnh lộn ngược qua lỗ đồng xu theo nguyên lý quang học. Theo triết lý đó “sống và làm việc theo pháp luật” sẽ trở thành “pháp luật làm việc theo cuộc sống”. Nếu điều đó trở nên phổ cập thì vận mệnh của đất nước, của dân tộc sẽ như thế nào?

Dân tộc Việt Nam chỉ trong thế kỷ 20 đã đương đầu và chiến thắng nhiều kẻ địch hùng mạnh đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, tất cả đều là những cường quốc hạng nhất, nhì, ba trên thế giới.

Làm được điều đó vì  người Việt có niềm tin vào chiến thắng. Những người ngã xuống đều có một niềm tin rằng một ngày nào đó dân tộc Việt sẽ ngẩng cao đầu, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Đánh mất niềm tin cũng tức là đánh mất nỗi xấu hổ, không còn xấu hổ, người ta coi ăn cắp là chuyện vặt. Khi trở nên giàu có bằng những khoản tiền ăn cắp kếch xù, người ta sẽ xây nhà với hàng loạt camera để chống lại kẻ ăn cắp khác, bởi lẽ từ kinh nghiệm bản thân họ chẳng tin “bố con thằng nào” ngoài bản thân mình.

Với thế hệ kinh qua các cuộc chiến chống xâm lược, hầu hết trong số họ dù lam lũ hay kiêu hùng đều đã từng đối diện với cái chết, đã băng qua bão tố chiến tranh, để hy vọng những ngày thanh bình sẽ đến lúc xế chiều. 

Không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam anh hùng hy vọng một mái nhà tình nghĩa mà giá trị có khi không bằng một bữa mời khách của các “đại gia”.

Bao nhiêu người già hy vọng sẽ có ngày những đứa con bặt tin trở về với mái tranh nghèo. Liệu chúng ta có thể bình thản khi những hy vọng đơn sơ ấy cũng bị lấy mất?

Chắc hẳn rất nhiều người cảm thấy xấu hổ khi đọc dòng chữ “ăn cắp là phạm tội’ viết bằng tiếng Việt (dù nó được viết ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này). Tuy nhiên chỉ cảm thấy xấu hổ là chưa đủ, cần phải làm gì  để điều đó không bao giờ xảy ra một lần nữa? 

Cảnh giác với một kẻ cắp đã khó, cảnh giác trước một bầy ăn cắp lại càng khó nếu không nói là không thể. Điều chúng ta muốn là giảm đến mức tối đa bọn ăn cắp, muốn thế chỉ có cách làm cho chúng sợ không dám ăn cắp, làm cho con cháu, họ hàng chúng cảm thấy nhục nhã khi vênh vang bằng đồng tiền ăn cắp.

Một tài liệu cho thấy nước Pháp, một trong những nước văn minh nhất châu Âu vẫn có từ 1 đến 2%  dân có tật hay ăn cắp vặt [4].

Ngành tâm thần học cho rằng hành động ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý do ám ảnh từ tuổi thơ, rất khó giải thích các nguyên nhân khiến họ không thể kiềm chế những thúc bách vô hình đó. Tuy nhiên ngày nay hầu hết các nhà khoa học cho rằng ăn cắp không phải là một bệnh xuất hiện ngoài ý muốn, nó là sản phẩm của một xã hội tha hóa.

Vì ăn cắp là một tính trạng tập nhiễm nên chống ăn cắp cũng cần phải tập nhiễm, nghĩa là cần phải được giáo dục từ nhỏ. Bằng mọi cách phải đưa vào tiềm thức thế hệ tương lai của đất nước, rằng ăn cắp là nỗi xấu hổ lớn nhất của đời người. Nhiệm vụ đó trước hết là của ông bà, cha mẹ sau nữa là của thầy cô giáo, của xã hội. 

Chừng nào mà những người phụ nữ nghèo khó lam lũ còn phải làm Ôsin kiếm sống nơi đất khách quê người, chừng nào trước khi ra đi, họ còn bị móc túi hàng trăm triệu đồng thì trách móc họ chỉ làm đau thêm nỗi đau đồng loại. 

Những con người cùng khổ, thậm chí là kẻ cắp vẫn có thể trở thành triết gia, chẳng thế mà Victor Hugo trong “Những người khốn khổ” đã biến Giăng Van Giăng (Jean Valjean) từ một kẻ cắp thành một con người cao thượng?

Người viết chỉ muốn nói rằng ăn cắp là chuyện xưa như … loài người, rằng ăn cắp là chuyện có thật trên toàn thế giới và vì thế chống tệ ăn cắp không phải là chuyện riêng của một người, một dòng họ hay một dân tộc. 

Cũng đừng vì một vài người mắc thói xấu mà cho rằng nhiều người Việt bị kỳ thị. Nói hay viết những từ đao to búa lớn kiểu như “nỗi nhục của dân tộc” chưa chắc đã làm giảm được tệ ăn cắp, nó chỉ có tác dụng giải tỏa bức xúc của người viết. 

Hãy nhìn thẳng vào sự việc chứ đừng nhìn vào tấm gương, vì hình ảnh trong gương chỉ là mặt trái của sự kiện. Nếu chính chúng ta còn không tôn trọng mình thì ai tôn trọng chúng ta?

TS Dương Xuân Thành