Tiếp nối thành công của “Ngày hội Sách và Văn hóa đọc” 2011, năm nay, Vụ Thư Viện, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch tiếp tục tổ chức “Ngày hội Sách và Văn hóa đọc” 2012 tại Trung tâm hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám với mong muốn nâng cao ý thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích đọc, thông qua đó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm và nghề thư viện.
Trong hai ngày diễn ra Ngày hội, đã có rất nhiều các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa được tổ chức. Ở ngày đầu tiên, sau lễ khai mạc và dâng hương đền thờ thầy giáo Chu Văn An, du khách đến với Văn Miếu được tham gia vào các hoạt động bổ ích và đầy ý nghĩa như: Thi xếp sách nghệ thuật, tìm hiểu kiến thức qua sách báo, trình diễn thơ văn và thi vẽ tranh theo sách…
Từ 7h30 sáng, đã có khá đông người đến xếp hàng mua vé vào dự Ngày hội. |
Ở ngày thứ hai, du khách còn được tham gia các buổi giao lưu, tọa đàm với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn hóa có tên tuổi như ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ – Quốc hội khóa XII; ông Chu Hảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ; bà Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn Nghệ - Ban Tuyên giáo TW; ông Nguyễn Quang Thiều, nhà văn – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông….
Trong cả hai ngày diễn ra ngày hội, tại khuôn viên của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, BTC đã bố trí khoảng hơn 20 gian hàng để các Nhà Xuất bản, các công ty sách lớn ở Việt Nam trưng bày và bán sản phẩm của mình. Để thu hút được độc giả, các Nhà Xuất bản và công ty sách đều “tung chiêu” khuyến mại: giảm giá 30 – 50 %. Việc này đã thu hút được nhiều công chúng tới tham dự Ngày hội, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.
Rất đông các bạn nhỏ được bố mẹ đưa đến “Ngày hội Sách và Văn hóa đọc”. |
Đoàn Thị Phương Thảo, Sinh viên khoa Tài Nguyên và Môi Trường, ĐH Nông Nghiệp I cho biết: “Em biết đến Ngày hội sách này khi thầy Nguyễn Mạnh Hùng ở công ty sách Thái Hà đến trường em để dự hội thảo. Thấy chia sẻ: “Sách – chìa khóa của thành công”. Chính vì thế, từ sáng sớm hôm nay, em và khoảng 20 bạn nữa trong CLB sách của trường đã bắt xe bus sang tham dự Ngày hội này. Bọn em đã có thêm rất nhiều hiểu biết từ các hoạt động của Ngày hội.” Thảo còn vui vẻ đùa thêm: “Bọn em cũng đã “nhẵn túi” do mải “khuân” quá nhiều sách giảm giá…”
Ngoài ra, Ngày hội sách năm nay còn bố trí một khu trưng bày các tài liệu, bộ sách quý hiếm của Việt Nam qua các thời kì, giúp công chúng đến tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng những bộ sách, những tài liệu văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc.
Một trong những khu vực được sự quan tâm của khá nhiều người xem đó là gian trưng bày 12 bức tranh tái hiện các lễ hội truyền thống của Hải Phòng như: Chọi trâu, xuống đồng, pháo đất… do Thư viện Hải Phòng thực hiện. Điều đặc biệt của các bức tranh này đó là, nó được tạo ra từ việc tận dụng các vật liệu cũ như xốp, giấy cũ…
Chương trình giao lưu giữa các tác giả, các nhà quản lý văn hóa…thu hút được khá đông người tham dự. |
Ngoài màu sắc sặc sỡ, các bức tranh này đều được chế tạo “nổi” để giúp các bạn nhỏ có thể cảm nhận rõ hơn về bức tranh qua việc sờ, chạm vào tranh. Đặc biệt hơn nữa, nhằm hướng tới đối tượng độc giả là các em nhỏ bị khiếm thị, mỗi bức tranh đều có một bản thuyết minh bằng chữ nổi ở phía góc, để các em có thể hiểu rõ hơn về bức tranh.
Theo bà Phan Thị Thu Thương, Giám đốc trung tâm thư viện Hải Phòng: “Chúng tôi tạo ra 12 bức tranh này xuất phát từ ý tưởng muốn cho giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn trẻ ở Hải Phòng hiểu thêm về những lễ hội văn hóa dân gian của Hải Phòng. Trong các lễ hội này, có những lễ hội đã được khôi phục, nhưng cũng có những lễ hội chưa được phục dựng lại, vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt để các bạn trẻ hiểu hơn về truyền thông của quê hương mình.
Ngoài ra, trong mấy chục năm làm nghề, tôi luôn trăn trở việc làm thế nào để tạo ra được những bức tranh, những cuốn sách thu hút, hấp dẫn để dành tặng cho các em nhỏ khiếm thị. 12 bức tranh này được hoàn thành chính là một món quà mà chúng tôi muốn gửi tặng tới các em, giúp các em vơi đi nỗi buồn vì sự thiết thòi của mình. Các tác phẩm này được được 5 cán bộ của thư viện chế tác trong 2 tháng. Dù đã tận dụng các loại vật liệu cũ, bỏ, nhưng tổng chi phí cho 12 bức tranh này cũng lên tới 8 triệu, đó là chưa kể tiền lương trả cho các cán bộ. Kinh phí thực hiện 12 bức tranh này là do chúng tôi tự xoay xở ở các nguồn chứ không hề có trong ngân sách nhà nước”.
Một trong số các bức tranh “nổi” về lễ hội giân dan Hải Phòng của Thư viện Hải Phòng. |
“Ngày hội Sách và Văn hóa đọc” năm nay đã thu hút khoảng hơn 10.000 lượt khách. Tuy nhiên, do được tổ chức “dài hơi” hơn năm trước 1 ngày, nên tình trạng quá tải của Ngày hội đã không diễn ra. Công tác an ninh cũng được đảm bảo, không có tình trạng cướp giật, móc túi do có sự xuất hiện lực lượng công an, dân phòng, và các bạn tình nguyện của BTC. Tình trạng vé gửi xe bị “chặt chém” quá cao cũng không thấy xuất hiện ở Ngày hội sách này.
Theo bác Lê Hùng, 80 tuổi, ở Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội: “Tôi khá hài lòng với Ngày hội năm nay. Ngày hội được tổ chức quy củ, lịch sự, văn hóa. Cả năm ngoái lẫn năm nay tôi đều đưa cháu nội đến dự Ngày hội sách. Mong muốn của tôi là làm sao cho các con các cháu hiểu hơn về tầm quan trọng của sách. Bản thân tôi mỗi ngày đều tự dành một khoảng thời gian nhất định để đọc sách báo cùng con cháu. Tôi hy vọng rằng, những Ngày hội sách như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn”.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ":
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Tuấn Linh 31B